Du lịch Phú Quốc: Tham vọng để rồi thất vọng



VNBTIMESSố lượng du khách đến Phú Quốc sụt giảm liên tiếp. Vì sao "đảo ngọc" không còn hấp dẫn?

Dịp lễ 2/9 vừa qua, Phú Quốc chỉ đón gần 62 nghìn lượt khách, giảm gần 27% so với cùng kỳ năm ngoái, mức giảm kỷ lục trong lịch sử những năm gần đây. Có yếu tố khách quan là Phú Quốc đang vào mùa mưa, vốn dĩ không phải là mùa cao điểm du lịch. Thế nhưng, nhiều chuyên gia về phát triển du lịch nhận định đây là sự sụt giảm bất thường.

TS Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch nhận định, nguyên nhân là do sự phát triển quá nóng của Phú Quốc trong thời gian qua. Cùng với đó là việc quy hoạch, đầu tư ôm đồm, phát triển Phú Quốc với nhiều chức năng trong khi quy mô hòn đảo này không lớn.

“Chúng ta tham vọng đặt ra nhiều yêu cầu từ việc hình thành khu du lịch sinh thái chất lượng cao, đến phát triển các trung tâm tài chính thương mại, rồi phát triển trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển đô thị. Quá nhiều trách nhiệm ôm đồm, trong khi cái nổi trội của Phú Quốc cách đây khoảng 20 năm mọi người đều thấy, đây là vùng sinh thái chất lượng cao thì lại không được chú trọng phát triển”, TS Nguyễn Anh Tuấn phân tích.

Nếu Phú Quốc vẫn kiên định phát triển theo hướng phát triển du lịch sinh thái chất lượng cao, đẳng cấp như ban đầu thì dù ít khách hơn hiện nay nhưng đem lại nguồn thu lớn và tạo được sức hút lớn, cạnh tranh trên thị trường du lịch quốc tế và quan trọng nhất là phát triển bền vững.

“Nhưng Phú Quốc gần như bị đánh mất mình trong quá trình phát triển”, TS Nguyễn Anh Tuấn tiếc nuối.

Rừng bê tông chắn kín đường bờ biển Phú Quốc

Ít ai nghĩ Phú Quốc có thể ế khách, “đói” tour ngay cả những dịp cao điểm du lịch, nhưng năm nay, không chỉ kỳ nghỉ lễ 2/9 vừa qua mà trước đó dịp 30/4, 1/5, lượng khách du lịch đến Phú Quốc cũng sụt giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái – năm mà du lịch còn chưa phục hồi hoàn toàn do Covid-19.

Có thể nói, những hậu quả của việc phát triển quá nóng, ồ ạt, phá vỡ quy hoạch, phá vỡ cảnh quan, môi trường đang thực sự hiện diện.

TS Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, vấn đề hiện nay không phải chỉ là sự vào cuộc của chính quyền huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang mà còn có trách nhiệm của Bộ chủ quản, các doanh nghiệp và người dân. Tất cả những đầu tư trên đảo cần theo hướng thận trọng và chú trọng đến phát triển bền vững, lâu dài thay vì mục tiêu trước mắt và chỉ nhìn mục tiêu kinh tế đơn thuần.

Theo TS Anh Tuấn, cần có giải pháp tổng thể cho Phú Quốc. Cụ thể là nhìn nhận đánh giá lại các quy hoạch của Phú Quốc và có hướng điều chỉnh lại. Thứ hai là vấn đề đầu tư hạ tầng. Phú Quốc đẹp như thế nhưng đường bao biển không có. Bãi Trường, bãi Dài đều bị các tòa nhà che chắn phá vỡ tầm nhìn. Vì thế, hạ tầng ven biển rất quan trọng. Thứ ba là đầu tư phát triển sản phẩm dựa trên lợi thế đặc thù của Phú Quốc, làm thế nào để tạo ra sản phẩm du lịch riêng, khác biệt, công tác xúc tiến thương mại cũng cần được triển khai.

Nhiều người cảm thấy sốc và suy ngẫm khi nhìn vào bức ảnh Phú Quốc nhìn từ biển. Một góc hình cho thấy cả hòn đảo toàn là những khối bê tông lộn xộn, không còn mảng xanh nào hiện diện. Đó thực sự là điều đáng tiếc trong rất nhiều điều tiếc nuối về nơi được mệnh danh là “đảo ngọc” của nước ta. Và “điểm nóng” du lịch Phú Quốc “lạnh” ngay giữa mùa hè cũng là vì thế.

TS Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch tham gia chương trình “30 phút cùng VOV2”.

Theo VOV

https://vov.vn/du-lich/du-lich-phu-quoc-tham-vong-de-roi-that-vong-post1045345.vov

There are no comments yet

Tin mới hơn ...