Dừng chân ở bản Lác (xã Chiềng Châu), có tuổi đời hơn 700 năm, nơi phần lớn dân số là người dân tộc Thái, anh Mạnh Kiên, hướng dẫn viên du lịch cho biết, trước đây dân bản chủ yếu sống dựa vào nghề trồng lúa nương và dệt thổ cẩm, sau này, khi vẻ đẹp tiềm ẩn của bản dần được khám phá, người dân chuyển sang phục vụ du lịch. Thời điểm “phất” lên rõ nhất của bản Lác là từ năm 1997, bốn mùa nhộn nhịp khách ghé thăm. Có cầu ắt có cung, dân bản bảo nhau sửa nhà, chế biến các món ăn ngon đón khách, thành lập đội văn nghệ phục vụ khách tham quan… Cứ thế, loại hình du lịch homestay-sống trong chính ngôi nhà của người dân lan tỏa rộng, được du khách ưa chuộng, nhất là khách quốc tế.

Không riêng bản Lác, từ tiềm năng sẵn có, người dân chú trọng đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ du lịch, đã có thêm nhiều bản làng du lịch cộng đồng dần được biết đến như: bản Pom Coọng, bản Văn (thị trấn Mai Châu), bản Bước (xã Xăm Khòe)… Đến bản, thật thích thú khi gặp các bà, các cô gái ngồi xe sợi, dệt váy xòe Thái, vải thổ cẩm trang trí treo tường, hay đàn ông cần mẫn đục đẽo cung tên, chuôi dao, mõ trâu, phách gỗ nhịp tre… làm quà lưu niệm. Trải nghiệm khó quên còn là được nghe các chàng trai, cô gái Thái hát những giai điệu truyền thống, ngắm nhìn họ tung xòe bộ váy sặc sỡ và cùng nhảy điệu nhảy múa sạp vui nhộn.
Mai Châu đã xây dựng Đề án bảo tồn và phát triển giá trị văn hóa của dân tộc Thái, bảo tồn và phát huy các giá trị trong sinh hoạt, đời sống, nếp nhà sàn, trang phục, chữ viết… Điều đáng mừng, có khoảng 85% số hộ gia đình người Thái ở đây còn giữ được nếp nhà sàn truyền thống. Nơi đây cũng thành lập các nhóm dệt thổ cẩm, sản xuất các sản phẩm khăn, đệm, gối, trang phục truyền thống của người Thái đáp ứng nhu cầu thị trường, toàn huyện có khoảng hơn 300 khung dệt thổ cẩm. Vùng sơn cước nay còn phục dựng được các lễ hội dân gian độc đáo như: Lễ hội Gầu Tào của người H’Mông, lễ hội Xên Mường của người Thái… cùng nhiều món ăn đặc sản hấp dẫn như: rượu men lá, cá dầm xanh, tỏi tía, khoai sọ Sơn Thủy, chè Shan tuyết… khó quên.
Cùng với giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc Thái, H’Mông, để phát triển du lịch, thời gian qua huyện Mai Châu đã chú trọng phát triển hạ tầng giao thông nông thôn. Dù địa bàn rộng, nhiều đồi núi, song Mai Châu có hệ thống đường giao thông nông thôn tương đối thuận lợi. Bất cứ ai khi đặt chân tới Mai Châu đều ấn tượng với những cung đường quanh co, uốn lượn, ôm trọn những bản làng bên sườn núi. Các tuyến đường nội đồng, liên thôn, xóm khang trang, sạch đẹp, hai bên là những vạt hoa đủ sắc màu đã tạo thêm sức hút đặc biệt với du khách gần xa.
Theo báo Nhân Dân
https://nhandan.vn/mai-chau-binh-di-ma-quyen-ru-post706714.html
There are no comments yet