Xử lý Việt phủ Thành Chương vi phạm: Chạy quanh!
VNBTIMESNói về xử lý vi phạm đất rừng tại Việt phủ Thành Chương, phía huyện Sóc Sơn cho rằng do Bộ, ngành phối hợp với UBND TP. Hà Nội xử lý.
Quyền tự quyết ở Hà Nội!
Ngày 6/12/2018, trao đổi với Đất Việt về việc xử lý vi phạm đất rừng tại Việt phủ Thành Chương (xã Hiền Ninh, huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội), ông Nguyễn Trường Giang – Trưởng phòng TN&MT huyện Sóc Sơn cho biết, công trình này không thuộc phạm vi xử lý của huyện.
Theo ông Giang, kết luận của Thanh tra Chính phủ có nêu rõ, với vi phạm tại Việt phủ Thành Chương đề nghị Bộ TN&MT, Bộ VHTT&DL, Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND TP. Hà Nội tìm phương án xử lý.
Nhưng cho đến nay đã 12 năm sau kết luận của Thanh tra Chính phủ những kiến nghị đã dần rơi vào quên lãng và không được các ban ngành, triển khai dẫn đến các sai phạm không những không được xử lý mà còn chồng lấn thêm nhiều vi phạm khác.
Cùng ngày, ông Trần Quốc Tuấn – Chánh Văn phòng Bộ NN&PTNT cho rằng, đề nghị của Thủ tướng Chính phủ và Thanh tra Chính phủ về xử lý phần vi phạm đất rừng của Việt phủ Thành Chương đã có từ lâu nhưng chủ yếu vẫn là do UBND TP. Hà Nội quyết định còn Bộ NN&PTNT chỉ đóng vai trò tham mưu, phối hợp.
“Có lẽ vấn đề này đã lâu quá mà không thấy UBND TP. Hà Nội ý kiến gì nên Bộ NN&PTNT cũng không biết như nào. Có thể phía bên Tổng cục Lâm nghiệp nắm được vấn đề này” – ông Tuấn nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Chính – Chánh Văn phòng Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT cũng cho rằng, vấn đề xử lý Việt phủ Thành Chương thuộc thẩm quyền của UBND TP. Hà Nội nên để đơn vị này đưa ra quyết định cuối cùng thì phía Tổng cục Lâm nghiệp sẽ có văn bản tham mưu gửi Bộ NN&PTNT có ý kiến.
“Không công bằng…”
Trao đổi về thông tin Việt phủ Thành Chương dù vi phạm đất rừng phòng hộ nhưng có thể được cho tồn tại vì công trình mang bản sắc văn hóa dân tộc, một chủ công trình xây dựng trên đất rừng vừa bị dỡ bỏ ở xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn bày tỏ sự không đồng tình. Bởi, tính chất các công trình vi phạm là như nhau.
“Tôi xây dựng với mục đích kinh doanh, sau khi được các cán bộ phân tích đã tự nguyện phá dỡ. Cũng tiếc lắm, vì bao tiền của, công sức của hai vợ chồng bỏ ra, rất tâm huyết.
Nhưng giờ sai thì đành chịu chứ không cãi được.
Việt phủ Thành Chương cũng thế, vào cũng phải mất vé thì cũng là vì mục đích thương mại chứ đâu phải mục tiêu cộng đồng. Hơn nữa việc tái hiện những nét văn hóa ở trong đó có gì khá lạ đâu, công trình nào chẳng có nét đặc trưng riêng” – vị này cho biết.
Theo vị này, nếu để cho Việt phủ Thành Chương tồn tại trên đất rừng mà các công trình khác vi phạm bị đập phá thì sẽ không công băng, dễ nảy sinh tâm lý bất bình. Các chủ đầu tư sẽ suy bì với nhau, tạo ngoại lệ từ đó tạo ra sự khó khăn cho việc xử lý.
Một chủ công trình vi phạm đất rừng khác tại hồ Đồng Đò, thôn Minh Tân, xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn cũng cho biết, gia đình không có nhà ở phải mua đất xây nhà cạnh hồ, bây giờ đang đứng trước nguy cơ bị phá thì cả chục người trong gia đình phải “đứng đường”.
“Mặc dù vậy chính quyền cũng quyết mạnh tay xử lý vì tính nghiêm minh của pháp luật, tránh sai phạm tiếp theo có thể xảy ra. Vậy thì không lý do gì mà Việt phủ Thành Chương không bị xử lý…” – vị này cho biết.
Theo Vân Hưng/Báo Đất Việt
Tin mới hơn ...
- Đồng Nai quyết gỡ vướng Khu đô thị phía Tây cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu 21/08/2024
- Thêm cung đoạn Nam Định 1 – Phố Nối đóng điện thành công 20/08/2024
- Đường dây 500kV mạch 3 đoạn Quỳnh Lưu – Thanh Hóa vừa được đóng điện 19/08/2024
- Bình Dương lấy nông nghiệp công nghệ cao làm chiến lược hút vốn đầu tư 13/08/2024
- Đèo Lương Sơn thách thức runner VM Nha Trang thế nào? 06/08/2024
There are no comments yet