Xử lý dự án 8.000 tỷ đồng ‘đắp chiếu’ của Gang thép Thái Nguyên: Siêu uỷ ban chỉ rõ điểm ‘nghẽn’



VNBTIMESVướng mắc hợp đồng EPC với nhà thầu MCC khiến Dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên dở dang kéo dài.

Nội dung được Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp nêu trong báo cáo tóm tắt về việc xử lý các yếu kém tồn tại của một số dự án doanh nghiệp chậm tiến độ kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương.

Theo “siêu” ủy ban, khó khăn lớn nhất của Dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên (Tisco) là chưa xử lý được tồn tại vướng mắc hợp đồng với nhà thầu MCC (Tập đoàn xây lắp luyện kim Trung Quốc). Điều này khiến dự án vẫn đang xây dựng dở dang, tạm ngừng thi công và việc giải phóng nghĩa vụ bảo lãnh của VNSteel với Vietinbank (Ngân hàng TMCP Công Thương) chưa thực hiện được.

Thanh tra Chính phủ đã chuyển kết luận thanh tra và hồ sơ liên quan đến những sai phạm ở Công ty gang thép Thái Nguyên sang Bộ Công an để điều tra theo quy định. (Ảnh: Tisco)

Về hướng xử lý trong thời gian tới, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước cho biết sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ phương án bán đấu giá theo lô toàn bộ số cổ phần của VNSteel tại Tisco để đảm bảo công khai, minh bạch, thu hồi tối đa phần vốn của VNSteel. Đồng thời, thu hút được các nhà đầu tư có năng lực tài chính quản trị để tái cơ cấu, khôi phục hiệu quả hoạt động của Tisco.

Vẫn theo “siêu” ủy ban, phương thức xác định giá khởi điểm áp dụng theo quy định của Chính phủ về đầu tư vốn vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp.

Trước đó, Thanh tra Chính phủ đã chuyển kết luận thanh tra và hồ sơ liên quan đến những sai phạm ở Tisco sang Bộ Công an để điều tra theo quy định.

Thanh tra Chính phủ cũng đã chuyển kết luận thanh tra sang Uỷ ban Kiểm tra Trung ương để xem xét, xử lý theo thẩm quyền. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an và cũng đã chuyển hồ sơ sang cơ quan này để điều tra theo quy định của pháp luật.

Liên quan đến việc xử lý các dự án thua lỗ của Bộ Công Thương, “siêu” ủy ban cho biết, theo kế hoạch, đến thời điểm hiện tại các bộ, ngành, tập đoàn đã hoàn thành thêm 4 nhiệm vụ, nâng tổng số nhiệm vụ đã hoàn thành lên 52 trong tổng số 69 nhiệm vụ phải hoàn thành trong giai đoạn 2017 – 2019, đạt 75,36% kế hoạch.

Để đảm bảo xử lý các dự án, doanh nghiệp theo mục tiêu, lộ trình đề ra cần giải quyết được khó khăn, vướng mắc mấu chốt nhất, tập trung ở ba nhóm vấn đề gồm: xử lý dứt điểm vướng mắc để quyết toán hợp đồng EPC và quyết toán toàn bộ dự án; cơ cấu lại các khoản vay nợ, trích dẫn khấu hao, điều chỉnh lãi suất vốn vay và xây dựng lại phương án thoái vốn.

Hoàng Hưng/ VTC

There are no comments yet

Tin mới hơn ...