Vàng ở đỉnh 6 năm, hãng vàng Việt thắng đậm trong cơn sóng



VNBTIMESCuộc chiến thương mại Mỹ-Trung khiến thế giới chao đảo. Chứng khoán Việt Nam không ngoại lệ, nhưng có những cổ phiếu vẫn vượt lên áp lực chung, thậm chí tăng ngược dòng với thế giới như nhóm vàng bạc, BĐS công nghiệp.

Phiên giao dịch đầu tuần chứng kiến cú bứt phá ngược dòng hiếm hoi của cổ phiếu PNJ của CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận của bà Cao Thị Ngọc Dung.

Chốt phiên, cổ phiếu PNJ của CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận của bà Cao Thị Ngọc Dung tăng 1.200 đồng lên 83.800 đồng/cp. 2 tháng qua, cổ phiếu này đã tăng 18,5%, từ mức 70.000 đồng/cp lên mức như hiện nay.

Đây là cú bứt phá ấn tượng trong bối cảnh thị trường tài chính thế giới liên tục chao đảo. Cuối tuần trước, chứng khoán Mỹ giảm hơn 600 điểm, đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất 11 năm trong phiên đầu tuần, còn vàng đang ở quanh ngưỡng cao nhất trong 6 năm…

Cuối tuần trước, vàng có lúc đã lên tới mức 1.555 USD/ounce, đỉnh cao 6 năm. Hiện tại, giá đã quay về mức 1.530 USD/ounce sau khi Mỹ-Trung có dấu hiệu có thể quay trở lại đàm phán. Tuy nhiên, vàng vẫn đang rập rình tăng giá trở lại. Một số dự báo cho rằng, vàng có thể lên 1.700 USD/ounce.

Với mức giá vàng cao, giao dịch trên thị trường vàng trong nước khá ảm đạm, vàng miếng bán chậm. Tuy nhiên, sức cầu đối với vàng trang sức vẫn khá ổn định. PNJ của bà Cao Thị Ngọc Dung được hưởng lợi nhờ lượng hàng tồn kho ở mức rất lớn sau khi doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc trang sức này liên tục mở rộng chuỗi các cửa hàng bán lẻ.

                      Biến động trên thị trường tài chính thế giới tác động mạnh tới chứng khoán Việt

Với giá hiện tại, vàng thế giới quy đổi ra có giá khoảng 42,4 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí, thấp hơn nhiều so với mức giá vàng miếng bán ra có nơi là 43,1-43,3 triệu đồng/lượng.

Thông tin giá vàng tăng mạnh đã tác động tích cực tới doanh nghiệp của bà Dung, bởi điều đó sẽ giúp khối hàng hóa tồn kho của PNJ ghi nhận lợi nhuận tăng mạnh do chi phí mua vào thấp.

Bên cạnh PNJ, nhiều cổ phiếu bất động sản công nghiệp cũng không chịu tác động tiêu cực trên thị trường tài chính chung, thậm chí còn tăng mạnh.

Cổ phiếu D2D tăng 0,3% lên mức 87.500 đồng/cp và sáng 27/8 tăng thêm 0,8% lên 88.200 đồng/cp. Tổng Công ty Cổ phần phát triển khu Công nghiệp – Sonadezi (SNZ) liên tục tăng trong thời gian gần đây và hiện đang ở vùng cao nhất 1 năm qua…

Cổ phiếu KBC của ông Đặng Thành Tâm cũng liên tục tăng giá trong thời gian gần đây và lên mức giá cao nhất trong vòng 2 năm qua. Chỉ tính riêng trong vòng 1 năm, cổ phiếu KBC đã tăng 45%.

Sở dĩ cổ phiếu bất động sản công nghiệp tăng nhanh là bởi các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh trong 6 tháng đầu năm rất ấn tượng nhờ tỷ lệ cho thuế đất tăng nhanh, giá cho thuê cũng tăng cao trong bối cảnh dòng vốn nước ngoài từ Hàn, Nhật,… dồn dập đổ vào Việt Nam sau khi ông Donald Trump đẩy mạnh cuộc chiến với Trung Quốc.

Thị trường chứng khoán (TTCK) sáng 27/8, các cổ phiếu blue-chips đồng loạt quay đầu tăng trở lại sau những tín hiệu Mỹ-Trung có thể trở lại bàn đàm phán. Chỉ số VN-Index tăng khoảng 5 điểm hướng về ngưỡng 990 điểm.

Cả 3 cổ phiếu của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đều tăng giá.

Tuy nhiên, mức tăng chung trên thị trường vẫn khá thấp và giao dịch ảm đạm. Sự thận trọng vẫn bao phủ trên diện rộng.

Các CTCK tiếp tục đưa ra những dự báo thận trọng.

Theo BVSC, thị trường hồi phục vào đầu phiên để thử thách vùng cản 985-988 điểm. Dù vậy, áp lực giảm điểm có thể sẽ vẫn còn tiếp diễn và thị trường có thể vẫn còn nhịp giảm điểm để kiểm định vùng 975-980 điểm trong một vài phiên kế tiếp. Trong bối cảnh thị trường tương đối thiếu vắng về mặt thông tin hỗ trợ như hiện tại, biến động của thị trường thế giới cùng hoạt động của khối ngoại sẽ là các yếu tố tác động đáng kể đến tâm lý nhà đầu tư.

Các dòng cổ phiếu dự kiến sẽ tiếp tục có sự phân hóa mạnh trong ngắn hạn. Nhóm ngân hàng và dầu khí vẫn còn dư địa tăng trong ngắn hạn nên các nhịp điều chỉnh của nhóm này có thể được xem là cơ hội mua trading cho các nhà đầu tư. Ngoài ra, dòng tiền sẽ hướng sự quan tâm đến các nhóm cổ phiếu khác như dệt may, thủy sản, khu công nghiệp, cảng biển, hàng không và công nghệ thông tin,…

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 26/8, VN-Index giảm 9,57 điểm xuống 982,88 điểm; HNX-Index giảm 0,44 điểm xuống 102,81 điểm và Upcom-Index giamr 0,41 điểm xuống 57,53 điểm. Thanh khoản đạt 220 triệu đơn vị, trị giá 4,8 ngàn tỷ đồng.

Vietnamnet

There are no comments yet

Tin mới hơn ...