Tỷ phú công nghệ gây tranh cãi khi ra điều kiện startup phải bỏ học thì mới đầu tư
VNBTIMESThiel Fellowship là một chương trình gây tranh cãi do tỷ phú Peter Thiel - đồng sáng lập Paypal, nhà đầu tư nổi tiếng của Thung lũng Sillicon - gây dựng vào năm 2010.
Ngày 15/9, công ty phát triển phần mềm thiết kế Figma được bán lại cho đối thủ Adobe với giá lên đến 20 tỷ USD. Theo ước tính của Forbes, Dylan Field, một trong hai nhà sáng lập Figma, nắm giữ 10% cổ phần của công ty, sở hữu khối tài sản trị giá 2 tỷ USD. Ngay lập tức, chàng trai sinh năm 1992 góp mặt trong danh sách những tỷ phú bỏ học cùng những cái tên nổi tiếng như Bill Gates – đồng sáng lập Microsoft, Steve Jobs – đồng sáng lập Apple hay Mark Zuckerberg – đồng sáng lập và CEO Meta (công ty mẹ Facebook).
Thế nhưng khác với những tỷ phú kể trên, Fiel rời ghế đại học để theo đuổi niềm đam mê của mình dưới tác động của một “thế lực” mạnh mẽ.
Khi còn là sinh viên của Đại học Brown vào năm 2012, Field đã nhận Thiel Fellowship, một chương trình gây tranh cãi do tỷ phú Peter Thiel – đồng sáng lập Paypal, nhà đầu tư nổi tiếng của Thung lũng Sillicon – gây dựng vào năm 2010. Mỗi năm, chương trình này sẽ chọn ra 20-30 người dưới 20 tuổi để trao khoản tiền trị giá 100.000 USD, giúp họ thực hiện các nghiên cứu và biến ý tưởng kinh doanh thành hiện thực. Điều kiện đi kèm là những thanh thiếu niên này phải rời trường học.
Thương vụ Figma gây chú ý có lẽ cũng bởi nó đến vào “đúng thời điểm”. Vài tuần trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden gây tranh cãi khi tiết lộ kế hoạch xóa khoảng 500 tỷ USD nợ sinh viên, làm dấy lên một cuộc tranh luận toàn cầu về giá trị của giáo dục đại học. Kể từ năm 1980, chi phí giáo dục đại học đã tăng gần gấp 3 lần ở Mỹ, khiến nhiều sinh viên phải trả khoản vay lên tới 6 con số. Trước gói viện trợ của Biden, khoản nợ của sinh viên đã đạt 1.700 tỷ USD, khiến nó trở thành nguồn nợ hộ gia đình lớn nhất bên cạnh các khoản thế chấp. Nợ sinh viên ở Anh cũng đã tăng gấp đôi lên 182 tỷ USD chỉ sau 5 năm.
Không ngạc nhiên khi học phí đã trở thành một “mặt trận cay đắng” trong cuộc chiến văn hóa. Cũng bởi vậy, chuyện chàng trai bỏ đại học, biến khoản vốn của tỷ phú PayPal thành khối tài sản 2 tỷ USD thu hút sự quan tâm của nhiều người.
Keith Rabois, một nhà đầu tư công nghệ nổi tiếng và là đồng nghiệp cũ của Thiel, đã đăng trên Twitter: “Trong hơn chục năm qua, đã có khoảng 250-300 nhận khoản hỗ trợ của Thiel. Họ dễ dàng tạo ra nhiều giá trị hơn tất cả các học sinh tốt nghiệp NYU, Columbia, Penn, Brown và Cornell cộng lại”.
Bà Danielle Strachman – đối tác điều hành của quỹ 1517Fund, quỹ đầu tư được đỡ đầu bởi tỷ phú Peter Thiel chia sẻ rằng họ hài lòng khi nhiều người đã bắt đầu đặt suy nghĩ về mô hình giáo dục ngoài trường đại học. Trước đây, Danielle đã cùng CEO Michael Gibson giúp khởi động Thiel Fellowship vào năm 2010.
“Khi chúng tôi lần đầu tiên khởi động chương trình, việc đặt câu hỏi về ý tưởng bỏ học đại học để khởi nghiệp là hoàn toàn xa lạ và dị thường”, bà nói. “Một phần lớn của chương trình chỉ là mở đầu cho cuộc trò chuyện: Đại học có phải là con đường duy nhất cho những người trẻ tuổi không? Và khi chúng tôi bắt đầu xây dựng và khởi động chương trình, điều chúng tôi thực sự muốn làm là thay đổi những định kiến”.
Thế nhưng, quỹ này đã mất nhiều năm để khẳng định những đóng góp của mình. Năm 2013, Larry Summers, cựu chủ tịch Harvard và Bộ trưởng Ngân khố Mỹ, đã bác bỏ và coi chương trình này là “sai lầm lớn nhất của hoạt động từ thiện trong thập kỷ này”.
Ngày nay, một số doanh nhân trẻ từng nhận khoản hỗ trợ, chẳng hạn như Field, đã bắt đầu thấy công sức của mình đơm hoa kết trái. Thỏa thuận Figma đã lập kỷ lục là mức giá cao nhất từng được trả cho một công ty khởi nghiệp công nghệ tư nhân, vượt cả con số 19 tỷ USD mà Facebook từng trả cho WhatsApp.
Mỗi năm, hàng nghìn ứng viên tranh giành 20 suất “học bổng” của nhà sáng lập Paypal. Thông thường, ứng viên thích hợp sẽ cần có một ý tưởng kinh doanh nổi bật, hoặc đang nghiên cứu học thuật, làm việc tại một tổ chức phi lợi nhuận hoặc công ty khởi nghiệp. Tỷ phú Peter Thiel sẽ là người có quyền quyết định lựa chọn cuối cùng.
Field không phải người duy nhất thắng lớn khi chơi “canh bạc” này.
Một trường hợp điển hình khác là tỷ phú tiền ảo Vitalik Buterin đứng sau đồng Ethereum trị giá 155 tỷ USD và công nghệ blockchain. Năm ngoái, Vitalik đã quyên tặng 1 tỷ USD viện trợ chống Covid-19 cho Ấn Độ.
Josh Browder, người sáng lập DoNotPay, một công ty khởi nghiệp về luật sư robot, sinh ra tại London, đã bỏ học tại Đại học Stanford vào năm 2018 sau khi giành được một suất hỗ trợ của Thiel Fellowship. “Kiếm được nhiều tiền tất nhiên là rất tốt, nhưng quan trọng nhất là có được một nhóm người tin tưởng rằng bạn có thể xây dựng một doanh nghiệp lớn khi mới 19 tuổi”, anh nói.
Josh nhận được nhiều sự hỗ trợ từ các cố vấn và các nghiên cứu sinh khác của Thiel thông qua các khóa học, những buổi trò chuyện nhóm và gặp mặt hàng tháng để thảo luận về những vấn đề hóc búa khi khởi nghiệp khi còn ít tuổi.
DoNotPay năm ngoái được định giá 210 triệu USD sau khi huy động tiền từ Andreessen Horowitz và các công ty liên doanh khác. Browder, thông qua công ty đầu tư của riêng mình, đã đầu tư vào 23 công ty khác do các nghiên cứu sinh của Thiel thành lập.
Theo Nhịp sống số
https://ndh.vn/lam-giau/ty-phu-cong-nghe-gay-tranh-cai-khi-ra-dieu-kien-startup-phai-bo-hoc-thi-moi-dau-tu-1324929.html
Tin mới hơn ...
- Nỗi xót xa của ông chủ mới đậu phộng Tân Tân sau hơn 10 năm mua cổ phần 21/08/2024
- Bữa sáng của tỷ phú: Những người thành công ăn gì? 20/08/2024
- Chủ tịch FPT chia sẻ nhiều bài học tại buổi gặp gỡ Doanh nhân trẻ Khởi nghiệp xuất sắc 2024 13/08/2024
- Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đẩy mạnh hợp tác tại diễn đàn Lan Thương – Mê Kông 13/08/2024
- Công bố Top 10 doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc 2024 13/08/2024
There are no comments yet