Từng mất hết cơ nghiệp ở tuổi 28 nên Hà hiểu, cái giá của sự thiếu cẩn trọng sẽ đẩy mình đến đâu.
Bố mẹ nghèo, có 5 anh chị em nên năm 13 tuổi, Hà đã lên Hà Nội bán báo dạo kiếm sống, rồi đi bán hoa quả. Năm 24 tuổi, Hà có trong tay 300 triệu đồng. Anh dồn hết tiền mua đất ở Bắc Giang mở trang trại vì “thích nghề nông, lại luôn muốn làm chủ”.
Những năm đó, dịch cúm gia cầm triền miên, gà, ngan Pháp trong trang trại không bán được, “bay như chim” cả đêm vì đói. Vườn vải thiều hàng nghìn cây sai quả, chín rụng đỏ gốc, giá 1.500 đồng/kg, không có người mua. Sau bốn năm cầm cự, Hà chính thức tay trắng. Mọi thứ giá trị đều bị chủ nợ đến siết, sổ đỏ ở quê phải cầm cố trả nợ.
“Tôi nằm trong lán trang trại, khóa trái cửa. Đêm chủ nợ vẫn kéo đến đòi, chó cắn ầm ĩ. Tôi tự răn mình ‘ở đời, luôn phải ngước lên, cứ cố gắng rồi cũng có ngày mở mắt'”, Hà nói.
Suốt một tháng trời, cả chủ và đàn chó 30 con chỉ có một tạ gạo nấu cháo ăn qua ngày. Đến khi đàn chó chết vì đói, chỉ còn lại 3 con, Hà mang cho hàng xóm. 4 giờ sáng, anh lặng lẽ bắt xe lên sân bay sang Nga vì “đó là cách duy nhất để yên ổn làm ăn, kiếm tiền trả nợ”.
Trả được hết nợ ở quê cũng là lúc vợ chồng Hà bị trục xuất về nước do hết hạn visa, trong tay chỉ có 17 triệu đồng.
Thấy bố mẹ từ căn nhà cấp bốn tuềnh toàng chạy ra đón, anh đặt cái ba lô đánh phịch xuống sân, thẫn thờ. “Bao năm lăn lộn nhưng cuối cùng, mình vẫn tay trắng, vẫn không xây nổi cho cha mẹ một ngôi nhà tử tế để ở”, Hà dằn vặt.
“Ngã ở đâu, đứng lên ở đấy”, anh quyết tâm. Sẵn kinh nghiệm buôn hoa quả, vợ chồng Hà về Thạch Thành, Thanh Hóa chở dứa lên cầu Bính, Hải Phòng bán.
Hai xe đầu, họ chỉ huề vốn vì dứa đổ đống, khách nâng lên đặt xuống chọn nên dập nát, phải đổ bỏ. Những xe sau, Hà về phân loại quả theo cân, bọc thành túi. Khách không phải mất công lựa nên thích, kéo đến mua đông hơn. Mùa dứa hơn 3 tháng, Hà đã có lời hơn 300 triệu đồng.
Thắng lớn, nhưng anh vẫn “thèm” khi thấy anh buôn chanh đứng đối diện đắt khách.
“Bưởi, chanh đào giá đang cao, nhưng cũng như vải thiều, đua nhau trồng sẽ đến ngày rớt thảm. Chanh bình dân nhưng bữa cơm, bát bún không có không được. Hơn nữa, đất Hưng Yên ít người trồng nên mình mà trồng kiểu gì cũng có khách”, Hà nhận định.
Bố đi vắng, Hà chặt vườn bưởi Diễn diện tích 1,7 mẫu chỉ còn trật lại gốc, lúc giá bưởi đang 30 nghìn đồng/quả. Thấy vườn cây tan tác, ông Nguyễn Hữu Bộ, 66 tuổi, bố Hà nổi trận lôi đình. Ông về, anh trốn đi chỗ khác. Qua mấy ngày, khi bố dịu lại, Hà bảo bố: “Con còn trẻ, con không thể sống mãi thế này được. Bố cứ để con thử”.
Quen một chuyên gia cây trồng, anh gọi điện nhờ mua giúp giống chanh và tư vấn kỹ thuật.
Anh tự mày mò ghép chanh lên gốc bưởi, ban ngày đi buôn dứa, ban tối chong đèn ghép chanh. Nhớ lần thất bại năm 24 tuổi, có vốn 3 phần, anh chỉ đầu tư một phần để phòng thân. Hà đăng ký trồng chanh theo chuẩn VietGAP, đồng thời liên hệ với các doanh nghiệp để tìm đầu ra. Nhiều ngày liền, anh thức đến sáng đọc tài liệu, lên mạng tìm hiểu kỹ thuật.
“Anh ấy nghiện việc vô cùng, lúc nào cũng nhìn chằm chằm vào điện thoại, máy tính. Con khóc anh ấy cũng không biết mà dỗ, tôi gọi đến 3 lần anh ấy cũng không trả lời”, chị Nguyễn Thị Kim Oanh, 28 tuổi, vợ Hà nhớ lại.
Không quen làm nông, thấy chồng quyết tâm trồng chanh, chị Oanh bế con về quê ngoại, đòi ly dị. Anh Hà bảo vợ: “Em anh cũng không bỏ được, mà công việc anh cũng không bỏ được. Thôi thì em cho anh thời gian một năm, anh sẽ chứng minh cho em thấy”.
Mùa chanh đầu tiên, Hà thu lời 20 triệu đồng. Thấy được quyết tâm của chồng, một năm sau, chị Oanh thuận theo.
“Tôi thầu thêm các vườn bưởi của nhà dân, chặt bỏ để ghép chanh. Về sau chanh lên giá, nhiều người muốn mua lại, tôi sang nhượng cho họ để lấy lời, mở rộng diện tích ở nơi khác”, Hà kể.
Thời gian đầu, cứ cuối tuần, Hà chạy xe máy từ Hưng Yên lên Hà Nội, đến các siêu thị có bán chanh của nhà mình hỏi khách hàng nhu cầu rồi điều chỉnh. Anh rút ra kinh nghiệm “hàng của mình dù có chất lượng đến đâu, nhưng không chào mời, cũng chỉ như cô gái đẹp ngồi ở khuất trong góc nhà, sẽ ế”. Anh đi học thêm marketing.
Năm 2015, Hà lấy giống ở Mỹ, Australia về trồng thêm chanh cảnh. Cuối năm, anh thuê một đội ngũ nhân viên marketing chuyên nghiệp, trả họ 20% lợi nhuận mỗi cây để bán giúp mình. Hà chi 200 triệu thuê mặt bằng ở chợ hoa Long Biên và một trung tâm mua sắm lớn tại Hà Nội để “cô gái đẹp” của mình nhiều người thấy nhất.
Mỗi năm, anh thu từ trang trại khoảng 23 tấn chanh, hơn 20 tấn cam và hơn 2 tấn bưởi. Trồng theo chuẩn VietGAP nên giá sản phẩm của anh đắt hơn thông thường, trong khi áp dụng khoa học kỹ thuật nên chi phí sản xuất lại rẻ hơn. Mỗi năm, gia đình Hà thu lợi nhuận khoảng 5 tỷ đồng.
Khi đã có uy tín, Hà kêu gọi góp vốn đầu tư mở rộng diện tích trồng chanh, trồng thêm cam và bưởi. Hiện tại, Hà đang làm chủ 4 trang trại ở Hưng Yên, Bắc Giang, Thanh Hóa và Nghệ An, tổng khoảng 48 héc ta.
“Hà là con nông dân, trình độ mới lớp 6, lớp 7 nhưng kỹ sư nông nghiệp chưa chắc làm được như cậu ấy. Chính sự sáng tạo, cần cù, dám nghĩ, dám làm đã giúp Hà làm nên cơ nghiệp”, ông Đỗ Xuân Huấn, Chủ tịch UBND xã Tân Dân nhận xét.
Giờ đây, ông Bộ không còn phải suy nghĩ về thằng con trai “sa cơ”. Mỗi chiều, ông lại đèo vợ đi trị liệu cho sảng khoái tinh thần. Còn chị Oanh, thay vì ngồi chợ bán dứa, giờ ở nhà chăm con và giúp chồng việc sổ sách.
“Tôi thì bận tối mắt. Một tuần, tôi ở trang trại 5 ngày, năm phải sang nước ngoài một vài lần để học hỏi, tham khảo thị trường. Làm nông, không thể cứ cắm mặt làm là giàu được. Mình phải không ngừng tìm hiểu cái mới, dừng lại sẽ lạc hậu, sẽ có người vượt ngay”, anh nói.
Theo Phạm Nga/vnexpress
There are no comments yet