Trần Minh Hiếu, Nhà sáng lập Digiart Academy: Kiếm 1 triệu USD ở tuổi 28
VNBTIMESTuổi trẻ cơ cực là động lực để Trần Minh Hiếu không ngừng vươn lên trong cuộc sống. Anh đã đạt mục tiêu kiếm 1 triệu USD ở tuổi 28, chậm hơn một chút so với kế hoạch, nhưng đó là thành quả đáng tự hào sau chuỗi ngày “vượt ngàn chông gai” để xây dựng nền tảng […]
Khát vọng đổi đời của cậu bé nhà nghèo
Năm 18 tuổi, khi đang là sinh viên năm thứ nhất của Trường đại học Giao thông Vận tải (TP.HCM), Trần Minh Hiếu đã nuôi ước mơ cháy bỏng là kiếm được 1 triệu USD ở tuổi 25.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo tại Tiền Giang, Hiếu sớm đối diện với những thử thách của cuộc sống. Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, Hiếu tâm sự, ngay từ những năm học cấp 2, anh đã trải qua nhiều công việc như bán vé số, lượm ve chai, làm thuê ở trang trại… để có tiền đóng học phí.
Với quyết tâm thoát nghèo, sau này, Hiếu bỏ Trường đại học Giao thông Vận tải để chuyển sang Trường đại học Kinh tế TP.HCM, sau đó quyết định bỏ ngang để khởi nghiệp. Những kiến thức không thể tích lũy trên ghế nhà trường được Hiếu bù đắp qua quá trình lăn lộn trong thực tế. Trong khoảng 5 năm sau khi rời trường đại học, Hiếu đã phải kiếm sống bằng nhiều nghề, từ phụ bàn quán cà phê, làm huấn luyện viên thể hình, chạy Grab, cho đến bán bánh dạo tại các quán nhậu.
“Đó là những ngày tháng mà cái ăn, cái mặc cũng là chuyện nan giải. Tôi từng phải bán xe máy, bán laptop để có thể trụ lại ở TP.HCM”, chàng trai sinh năm 1995 bồi hồi nhớ lại.
Tuy nhiên, ngay cả những lúc khó khăn nhất, Hiếu cũng không từ bỏ khát vọng. Ban ngày, Hiếu lao vào cuộc sống mưu sinh. Đến tối, Hiếu dành thời gian học vẽ. Kiên trì theo đuổi trong một năm rưỡi, Hiếu thành thạo lĩnh vực đồ họa, từ vẽ tay đến vẽ máy.
Ở cột mốc 25 tuổi, tự thấy bản thân đã tích lũy được cả kỹ năng chuyên môn lẫn khả năng kinh doanh, Hiếu mạnh dạn thành lập start-up mang tên Mhee Art. Công ty chuyên cung cấp dịch vụ tạo tranh từ những bức ảnh chụp, sau đó in lên vải canvas và đóng khung. Nhờ tính cá nhân hóa cao, Mhee Art chinh phục được nhiều khách hàng, đặc biệt là phụ nữ. Có những giai đoạn, start-up đạt doanh số lên tới cả tỷ đồng mỗi tháng.
“Khi thành công đến quá nhanh, con người dễ ngủ quên trên chiến thắng”, Hiếu đúc rút từ những bài học “xương máu”. Sự thiếu kinh nghiệm trong quản lý sản xuất và quản lý dòng tiền khiến Hiếu lao đao trong giai đoạn Covid-19. Cuối cùng, Mhee Art phá sản và nhà sáng lập phải “ôm” khoản nợ lên tới 500 triệu đồng.
Không bỏ cuộc, Hiếu quyết tâm làm lại từ đầu. Trong những ngày giãn cách xã hội, Hiếu tự lên kịch bản, dựng khóa học vẽ trên photoshop cho người mới bắt đầu. Khóa học không diễn ra theo hình thức online, mà đề cao tính tự học và linh hoạt của học viên, thông qua 15 video cơ bản, mỗi video dài 20 – 30 phút, do Hiếu tự giảng dạy và ghi lại. Nếu gặp vấn đề khó hiểu, học viên có thể hỏi trực tiếp hoặc trao đổi với Hiếu trong nhóm online.
Với giá 790.000 đồng/khóa học, bằng một nửa, thậm chí 1/3 mức học phí của các lớp học đồ họa truyền thống, khóa học của Hiếu nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của cộng đồng. Từ đây, Hiếu nghiên cứu thị trường và nhận ra, tại Việt Nam chưa có nền tảng học đồ họa trực tuyến nào. Rất nhanh chóng, anh thành lập Digiart Academy, chuyên cung cấp các khóa học theo dạng video, từ trình độ cơ bản đến nâng cao, tập trung vào nhiều nội dung như thiết kế đồ họa, minh họa kỹ thuật số, thiết kế game, thiết kế 2D, 3D…
Sau 2 năm hoạt động, Digiart Academy thu hút hơn 15.000 học viên. Hiếu tự hào cho biết, mình đã đạt cột mốc 1 triệu USD ở tuổi 28, dù chậm hơn một chút so với mục tiêu đã đặt ra.
Bình dân hóa các khóa học đồ họa
Digiart Academy là nền tảng học đồ họa online đầu tiên tại Việt Nam. Hiếu kể, những ngày đầu phát triển, anh từng tìm đến nhiều giảng viên trong ngành để đề nghị hợp tác, nhưng họ đều từ chối. Một phần, vì họ quan niệm, chất lượng của các mô hình giảng dạy đồ họa online không thể bằng lớp học truyền thống, một phần khác, họ e ngại nội dung bài giảng sẽ bị chia sẻ tràn lan trên mạng.
Hiếu thừa nhận, Digiart Academy cũng phải đối diện với vấn nạn vi phạm bản quyền, nhưng anh coi điều đó như một rủi ro tất yếu trong hoạt động kinh doanh.
Thay vì quá để tâm đến việc nội dung khóa học bị chia sẻ “lậu” trên mạng, Hiếu tập trung làm tốt việc của mình, đó là liên tục cập nhật kiến thức mới trong từng khóa học. Dù các nội dung bài học có thể dễ dàng bị sao chép, nhưng nhà sáng lập tự tin vào lợi thế cạnh tranh cốt lõi của Digiart Academy, đó là dịch vụ sửa bài online cùng chuyên gia dưới dạng 1:1.
Cụ thể, khi chọn dùng thêm dịch vụ này, với khoản phí cố định khoảng 1 triệu đồng/tháng, học viên sẽ có một gia sư đồng hành xuyên suốt khóa học, sửa bài theo năng lực, đồng thời tư vấn, định hướng nghề nghiệp.
Sau một thời gian triển khai nhiều khóa học với các mức giá khác nhau, vài tháng gần đây, Digiart Academy đã thực hiện quyết định mang tính chiến lược, chuyển từ mô hình bán khóa học dạng lẻ sang dạng thuê bao.
Cụ thể, mỗi học viên chỉ mất 1,99 triệu đồng/năm (tương đương 165.000 đồng/tháng) để học toàn bộ 40 khóa học do Digiart Academy cung cấp, không giới hạn thời gian, không gian. Đây cũng là mức giá học đồ họa thấp nhất trên thị trường tính đến thời điểm hiện tại. “Tôi muốn mọi người dễ dàng tiếp cận tri thức đồ họa. Digiart Academy không tăng giá khóa học, thậm chí tìm mọi cách để các khóa học ngày càng rẻ hơn nữa, ai cũng có thể học được”, Nhà sáng lập 9x chia sẻ.
Hiếu đang hướng đến mục tiêu gọi vốn thành công vòng đầu tiên trong nửa cuối 2024 để sớm đưa mô hình mở rộng ra thị trường quốc tế, trước mắt là khu vực Đông Nam Á.
Theo Báo Đầu tư
https://baodautu.vn/tran-minh-hieu-nha-sang-lap-digiart-academy-kiem-1-trieu-usd-o-tuoi-28-d221189.html
Tin mới hơn ...
- Nỗi xót xa của ông chủ mới đậu phộng Tân Tân sau hơn 10 năm mua cổ phần 21/08/2024
- Bữa sáng của tỷ phú: Những người thành công ăn gì? 20/08/2024
- Chủ tịch FPT chia sẻ nhiều bài học tại buổi gặp gỡ Doanh nhân trẻ Khởi nghiệp xuất sắc 2024 13/08/2024
- Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đẩy mạnh hợp tác tại diễn đàn Lan Thương – Mê Kông 13/08/2024
- Công bố Top 10 doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc 2024 13/08/2024
There are no comments yet