TP Thái Nguyên “trả giá” bởi quy hoạch và xây dựng?



VNBTIMESNhững ngày này, người dân TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên luôn phải sống trong lo âu, cuộc sống bị đảo lộn, vật chất và con người bị thiệt hại bởi mưa lũ, ngập úng đô thị.

TP Thái Nguyên lũ ngày 10/9/2019

Cơn mưa lớn kéo dài trong suốt từ đêm 09/9 cho đến rạng sáng 10/9, đã khiến nhiều khu vực tại TP Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên) chìm trong biển nước. Các tuyến đường đi vào trung tâm thành phố đều có điểm ngập sâu, có nơi tới gần 1m so với mặt đường. Ngập nặng nhất là khu vực dọc theo tuyến đường Hoàng Văn Thụ, đường Minh Cầu, Lương Ngọc Quyến.

Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên nằm trên tuyến đường Lương Ngọc Quyến trong sáng 10/9 cũng bị nước cô lập, toàn bộ ngã ba, cổng vào bệnh viện chìm sâu trong nước.

Sáng 10/9, trên 300 trường học đã thông báo đến phụ huynh tạm thời cho con nghỉ học. Nhiều cơ quan Nhà nước cũng trì trệ công việc do cán bộ công chức gặp khó trong di chuyển từ nhà đến nơi làm việc. Nhiều khu phố, tuyến đường cũng tạm thời bị cắt điện để đảm bảo an toàn.

Trạm biến áp 110kV phường Thịnh Đán, TP Thái Nguyên bị ngập trong nước từ 20-50cm và làm lật đổ một phần tường rào xung quanh.

Không chỉ riêng TP Thái Nguyên, nhiều địa phương khác trong tỉnh Thái Nguyên như: Võ Nhai, Đồng Hỷ, Phú Bình, Phú Lương và TP Sông Công… cũng xuất hiện nhiều điểm ngập cục bộ khiến mọi hoạt động của người dân địa phương bị đình trệ.

Theo người dân địa phương, từ nhiều năm nay cứ sau mỗi trận mưa lớn kéo dài chừng 1 giờ đồng hồ, nhiều tuyến đường tại TP Thái Nguyên sẽ bị chia cắt như đường Hoàng Văn Thụ (điểm trước Công an thành phố), đường Quang Trung (điểm trước KĐT Hoàng Gia), đường Lương Ngọc Quyến (đoạn cổng Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, ngã tư Đồng Quang, cổng trường Đại học Sư phạm, ngã tư Tư san nền…); đường Minh Cầu (siêu thị Minh Cầu đến Cty TNG)…

Nhiều đoạn đê Sông Cầu qua TP Thái Nguyên đã được xẻ từ nhiều năm nay, nguy cơ nước dâng cao tràn vào thành phố.
Thiết bị máy móc của nhà thầu thi công kè đê sông Cầu cũng chìm trong nước ngày lũ 10/9/2019.

Cũng trong đêm mưa 09/9, PV Báo điện tử Xây dựng nhận được nhiều cuộc điện thoại gọi dậy để ra xem sông Cầu, đoạn qua TP Thái Nguyên. Rạng sáng, chúng tôi đều run bởi một nỗi lo âu không biết từ đâu tràn tới khi nhìn dòng nước đỏ ngầu ngày một dâng cao.

Đi sâu tìm hiểu, tôi được biết: Cuối năm 2013 (ngày 29/11/2013 – PV) UBND tỉnh Thái Nguyên đã phê duyệt quy hoạch thoát nước đô thị và KCN tỉnh Thái Nguyên đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2050, đương nhiên trong đó có đô thị loại I của tỉnh là TP Thái Nguyên.

Tiếp đó, ngày 23/4/2014, UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành quyết định về quản lý hoạt động thoát nước tại các đô thị, khu tập trung đông dân cư, KCN, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Văn bản này cũng quy định rõ trách nhiệm của UBND TP Thái Nguyên và Cty TNHH một thành viên thoát nước và phát triển hạ tầng đô thị Thái Nguyên.

Trên thực tế, về công tác quản lý vận hành hệ thống thoát nước TP Thái Nguyên hiện nay do UBND thành phố là chủ đầu tư, giao cho Ban quản lý dịch vụ công ích đô thị thành phố quản lý, duy tu, nạo vét, sửa chữa.

Đối với các dự án đã đưa vào khai thác chưa bàn giao cho chính quyền địa phương hoặc đang đầu tư xây dựng thì chủ đầu tư trực tiếp quản lý hệ thống thoát nước trong ranh giới dự án, cùng các điểm đấu nối vào ra của hệ thống thoát nước dự án với hệ thống thoát nước thành phố.

Với hồ tự nhiên, sông suối chảy qua đô thị do UBND TP Thái Nguyên phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường quản lý theo phân cấp tại Nghị định số 43/2015/NĐ-CP của Chính phủ.

Hàng năm tỉnh Thái Nguyên, đặc biệt là TP Thái Nguyên đã dành một khoản kinh phí không nhỏ để thực hiện kiên cố hóa, duy tu, sửa chữa, nạo vét hệ thống thoát nước. Chưa kể hàng nghìn tỷ đồng hoàn thiện hệ thống thoát nước thải kết hợp nước mặt do Cty TNHH một thành viên thoát nước và phát triển hạ tầng đô thị Thái Nguyên làm chủ đầu tư đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Đầu tư lớn, quy định – phân định trách nhiệm rõ ràng là vậy, nhưng vì sao TP Thái Nguyên cứ mưa lớn là ngập cục bộ? Câu trả lời cũng đã được ngành chức năng chỉ ra đó là vấn đề liên quan đến quy hoạch, xây dựng và triển khai các dự án hạ tầng đô thị trên địa bàn.

Chẳng hạn, khi xưa KĐT Xương Rồng (hồ Xương Rồng), KĐT PICENZA (cánh đồng rau Đồng Bẩm), các khu dân cư, KĐT tại Túc Duyên (cánh đồng rau Túc Duyên)… là rốn chứa nước khu trung tâm TP Thái Nguyên với nhiều hồ ao lớn nhỏ và cánh đồng mênh mang có thể chứa lượng nước lớn mỗi khi mưa, lũ về. Thế nhưng, vài năm trở lại đây đã được lấp đầy mặt bằng, nhà cửa mọc lên, những hồ, ao, ruộng lúa bớt đi, chỉ còn lại hệ thống thoát nước nhỏ nhoi được xây dựng phù hợp với thoát nước thải hay mưa phùn…

Đã thế, nhiều mương thoát nước, suối thoát nước có tự lâu đời giờ cũng được con người “tận dụng” làm nhà ở, làm nơi kinh doanh như trường hợp của Cty TNHH Dược phẩm Phương Đông tại phường Tân Thịnh; HTX Thủy tinh Dân chủ tại phường Đồng Quang…

Điều oái oăm là, không những không ngăn chặn các hành vi xây dựng, sử dụng hệ thống suối, mương thoát nước làm nhà ở, công trình… gần đây cơ quan chức năng còn cho phép doanh nghiệp lập dự án trên các tuyến suối, mương này như trường hợp Cty CP Xây dựng Kim Sơn được phê duyệt tại KDC số 4 là một ví dụ.

Trong khi đó, cũng các cơ quan chức năng khi kiểm tra hệ quả của lũ, ngập đều chỉ ra các tồn tại của hiện tượng này, như trường hợp nhiều KDC như KDC số 9 và KDC số 10 phường Phan Đình Phùng, KDC số 3 phường Tân Lập và hàng loạt mặt cống, mương, suối của các tổ chức, cá nhân lấn chiếm gây ảnh hưởng dòng chảy như: suối Mỏ Bạch, suối Xương Rồng, suối Làng Đanh, suối Đồng Danh, suối Loàng và hệ thống cống ngầm, cống hộp, rãnh dọc theo các tuyến đường và mương hở…

Đến nay, Cty TNHH Dược phẩm Phương Đông đã hoàn tất kiên cố toàn bộ đoạn mương có diện tích lên đến 300m2 phía sau tòa nhà Cty.

Một nguyên nhân không kém phần quan trọng là việc hầu hết các tuyến phố tại TP Thái Nguyên đã được cải tạo, nâng cấp xong. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là: Tuyến phố với gạch lát mới đẹp hơn, nhưng theo quan điểm của các nhà khoa học thì lại bất cập hơn bởi công sở, nhà dân, đến mặt đường hầu hết đều đã bê tông hóa, giờ thì vỉa hè cũng được đổ lớp bê tông dày 7-8 cm khác nào buộc dòng nước mưa chỉ biết trôi dồn về chỗ trũng, không có điều kiện thẩm thấu xuống lòng đất.

Liên quan đến những bất cập này, KTS Đỗ Thế Nghiệp – nguyên Trưởng phòng Quy hoạch – Kiến trúc Sở Xây dựng Thái Nguyên đưa ra quan điểm: “Giải pháp lát gạch vỉa hè trên nền bê tông là bất cập trong điều kiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa đặt ngầm trong hầm tuynen. Nhất là đường ống cấp thoát nước nằm gần bó vỉa từ đó mở mạng vào các nhà dân mỗi khi xảy ra sự cố phải đào bới sửa chữa vô cùng khó khăn. Giải pháp này chắc chắn dự toán cao hơn lát gạch tự chèn…”.

Một KTS lão làng khác tại Thái Nguyên (xin dấu tên) ví von: “Đất thiếu nước, khát như con người khát. Có nước mưa trôi qua nhưng bị lớp bê tông ngăn lại chẳng khác nào con người lúc khát, nhìn thấy nước chảy trước mũi mà há miệng ra không lấy được một giọt”. Rồi ông trầm lắng, lo âu: “Sẽ đến lúc bị “trả giá”!”.

Vâng! Sự trả giá, có thể chưa nhiều nhưng đã có. Hàng nghìn ngôi nhà bị ngập, hàng trăm ô tô, xe máy chìm trong nước, vài người chết chỉ trong một đêm TP Thái Nguyên mưa lớn, như đêm 9 rạng ngày 10/9 vừa qua.

Đường trước Bệnh viện và một phần khuôn viên Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên thường xuyên bị ngập nước mỗi khi TP Thái Nguyên có mưa lớn.

Trong buổi chiều TP Thái Nguyên mưa, vị KTS lão làng trăn trở cùng tác giả: “Giá như khi duyệt, triển khai quy hoạch các KDC, KĐT người ta chú trọng hơn đến sự cân bằng giữa phát triển nhà ở, số lượng con người với hệ thống thoát nước, đường giao thông.

Giá như khi báo chí, dư luận phản ánh, với chức năng nhiệm vụ của mình cơ quan chính quyền địa phương làm tốt hơn việc quản lý quy hoạch, chấm dứt hoàn toàn các hành vi xây dựng bừa bãi, lấn chiếm không gian chung… Thì hẳn, giá phải trả cho thiên nhiên sẽ ít hơn!”.

Tác giả bài viết này cũng chẳng biết nói gì hơn, ghi lại những ước ao của người KTS già làm cái kết của bài viết này với hy vọng những người có trách nhiệm tại TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên sẽ để tâm hơn, vì cuộc sống của chính mình, đồng đội mình và người dân hơn, đừng để chúng ta phải “trả giá” tiếp!

Thái Nguyên Nhân/ Báo Xây dựng

There are no comments yet

Tin mới hơn ...