Tỉnh “đội sổ” điểm thi đau đầu với bài toán thiếu giáo viên
VNBTIMESHà Giang – tỉnh 5 năm liền đứng cuối trong bảng xếp hạng trung bình điểm thi tốt nghiệp THPT đang đau đầu với bài toán thiếu giáo viên trước thềm năm học mới. Khó khăn tuyển dụng Mèo Vạc là một trong những huyện khó khăn bậc nhất của tỉnh Hà Giang. Địa hình đồi núi hiểm […]
Hà Giang – tỉnh 5 năm liền đứng cuối trong bảng xếp hạng trung bình điểm thi tốt nghiệp THPT đang đau đầu với bài toán thiếu giáo viên trước thềm năm học mới.
Khó khăn tuyển dụng
Mèo Vạc là một trong những huyện khó khăn bậc nhất của tỉnh Hà Giang. Địa hình đồi núi hiểm trở, cái nghèo đeo bám quanh năm khiến con đường đến trường của thầy trò nơi đây thêm muôn trùng khó khăn.
Với mong muốn thu hút nguồn lực giáo viên, địa phương này đã nâng tiền lương đối với giáo viên hợp đồng lên 7 – 8 triệu/tháng. Đây là số tiền không nhỏ đối với ngành sư phạm, thế nhưng thực tế việc tuyển giáo viên vẫn rất khó khăn. Thậm chí, khi đã tuyển được, các thầy cô cũng không mấy mặn mà để “bám rễ” ở mảnh đất này.
Ông Bùi Văn Thư – Trưởng phòng GDĐT huyện Mèo Vạc thông tin, theo chỉ tiêu biên chế được giao địa phương đang thiếu khoảng 180 giáo viên và trong tháng 8 này sẽ có đợt tuyển dụng.
Theo ông Thư, là một trong những huyện khó khăn nhất tại Hà Giang nên tình trạng thiếu giáo viên tại Mèo Vạc xuất hiện ở tất cả các bộ môn. Trong đó đặc biệt là môn Tiếng Anh.
“Trước những khó khăn về việc thiếu giáo viên thì địa phương đã kêu gọi sự hỗ trợ từ một số địa phương khác dạy trực tuyến như môn Tiếng Anh. Còn những môn khác thì trong nội bộ huyện hỗ trợ dạy trực tuyến cho nhau.
Ngoài ra, chúng tôi cũng động viên giáo viên dạy thêm giờ, thêm tiết. Biệt phái giáo viên từ các trường dạy hỗ trợ lẫn nhau, đồng thời bổ sung thêm các giáo viên hợp đồng 111″, vị lãnh đạo thông tin.
Cũng theo Trưởng phòng GDĐT huyện Mèo Vạc, đối với bộ môn Tiếng Anh, địa phương đang nhận được hỗ trợ từ các đơn vị tại Hà Nội dạy trực tuyến cho học sinh khối 5. Tỉnh Lâm Đồng hỗ trợ dạy cho học sinh khối 3, 4 và 1 tổ chức thiện nguyện tại TP Hồ Chí Minh dạy cho học sinh hàng chục lớp học.
Ngoài ra, để thu hút nguồn nhân lực, mức lương hợp đồng cho giáo viên Tiếng Anh tại Mèo Vạc giao động khoảng 8 triệu đồng/tháng, các bộ môn khác khoảng 7 triệu đồng/tháng.
Bài toán thiếu giáo viên
Cũng đau đầu với bài toán thiếu nguồn nhân lực trong các cơ sở giáo dục, hiện toàn huyện Đồng Văn đang thiếu hơn 100 giáo viên. Trong đó tập trung chủ yếu ở bộ môn Tiếng Anh với 20 giáo viên ở 2 cấp học Tiểu học và Trung học cơ sở.
“Trước những khó khăn thì phòng cũng đã tham mưu UBND huyện Đồng Văn để có cá phòng học trực tuyến, 1 giáo viên có thể dạy 1-2 điểm trường. Các lớp đông có thể dồn lại để dạy trực tuyến tiếng Anh.
Các kế hoạch tuyển dụng hàng năm được chú trọng để giải quyết tạm thời tình trạng thiếu giáo viên. Đồng thời đăng ký học chỉ tiêu bổ sung đối với giáo viên tiếng Anh”, ông Hà Đình Phong – Trưởng Phòng GDĐT huyện Đồng Văn cho biết.
Cũng theo ông Phong, hiện giáo viên hợp đồng tiếng Anh tại địa phương có mức lương 8 triệu đồng/tháng. Vì đặc thù miền núi khó khăn nên việc tuyển dụng giáo viên gặp rất nhiều khó khăn. Đơn cử như năm học 2023 – 2024 chỉ có 2 hồ sơ đăng ký tuyển dụng, trong khi đó chỉ tiêu là 20 giáo viên.
Ngày 12.8, trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Bùi Quang Trí – Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Hà Giang cho biết, toàn tỉnh hiện đang thiếu hơn 2.800 giáo viên (bao gồm số biên chế được giao và chưa được giao) trước thềm năm học mới 2024-2025.
“Trong đó có hơn 900 đã được giao chỉ tiêu biên chế, số còn lại thiếu so với định biên của Bộ GDĐT là hơn 1.900 giáo viên. Trước mắt ngành đã chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch tuyển dụng cho năm học 2024-2025. Tại kỳ họp mới đây theo đã thống nhất dự kiến tuyển dụng theo đề xuất là 493 chỉ tiêu trong tổng số lượng còn thiếu.
Ngoài ra, tiếp tục thực hiện việc hợp đồng giáo viên trong chỉ tiêu biên chế chưa tuyển dụng được. Đồng thời, hợp đồng giáo viên theo NĐ 111 của Chính Phủ”, ông Trí cho biết.
Theo Giám đốc Sở GDĐT việc tuyển dụng giáo viên hợp đồng gặp nhiều khó khăn. Hiện ngành đang rà soát lại các đơn vị trường học, các giáo viên theo hướng sát nhập các điểm trưởng quy mô nhỏ. Đưa học sinh về học tại các điểm trường chính, để tận dụng tối đa, hiệu quả nguồn lực giáo viên.
Ngoài ra để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên ở các bộ môn đặc thù thì một số địa phương đang triển khai tổ chức học trực tuyến.
Được biết, khó khăn trong tuyển dụng giáo viên đã tác động không nhỏ đến kết quả học tập của các học sinh Hà Giang.
Kể từ năm 2020 đến nay, 5 năm liền Hà Giang đứng vị trí “đội sổ” trong bảng xếp hạng điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT Quốc gia. Đặc biệt, điểm thi 2 môn cơ bản nhất là Văn và Toán của Hà Giang cũng rất thấp.
Theo Báo Lao động
https://laodong.vn/giao-duc/tinh-doi-so-diem-thi-dau-dau-voi-bai-toan-thieu-giao-vien-1379411.ldo
Tin mới hơn ...
- Hối hận muộn màng của những ‘sugar baby’ 21/08/2024
- Văn hóa doanh nghiệp giúp J&T Express “tạo đà” cho shipper nửa cuối năm 21/08/2024
- Huế công bố đường dây nóng phục vụ khách du lịch dịp Quốc khánh 2/9 20/08/2024
- Vụ tử vong sau thay van động mạch chủ qua da: Bệnh viện Bạch Mai nói gì? 20/08/2024
- Những khu vườn gần TP.HCM cho du khách hái rau bắt cá 19/08/2024
There are no comments yet