Tiểu vùng sông Mê Kông tái thiết, kiên cường phục hồi du lịch
VNBTIMESTổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam kêu gọi các bên liên quan nhìn nhận và định hình lại ngành du lịch để hướng tới một tương lai bền vững và toàn diện hơn.
Ngày 12-10, tại tỉnh Quảng Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch (VH-TT-DL) chủ trì, phối hợp với Văn phòng Điều phối Du lịch Mê Kông, Ngân hàng Phát triển Châu Á và UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức Diễn đàn Du lịch Mê Công 2022 với chủ đề “Tái thiết ngành du lịch, Kiên cường phục hồi du lịch”.
Diễn đàn tổ chức hàng năm nhằm mục đích nâng tầm khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS) như một điểm đến du lịch chung, cung cấp một nền tảng toàn ngành cho khu vực công và tư để giải quyết các vấn đề du lịch của Tiểu vùng, đồng thời mở rộng mạng lưới tiếp thị và cơ hội quảng bá để thúc đẩy GMS trong khi tập hợp các nguồn lực tập thể để tạo ra sức mạnh tổng hợp trong ngành.
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch ( Bộ VH-TT-DL), cho biết đối mặt trước những thách thức và ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, thời gian qua du lịch Việt Nam đã chủ động, tích cực thích ứng để triển khai nhiều giải pháp ứng phó với đại dịch.
Trong 9 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã đón hơn 1,65 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 86,8 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu khoảng 16,5 tỉ USD. Riêng trong Tiểu vùng Mê Kông mở rộng, Việt Nam đã đón hơn 110 nghìn lượt khách từ các nước GMS.
Ông Nguyễn Trùng Khánh cho biết thêm du lịch Tiểu vùng Mê Kông mở rộng đã từng bước thể hiện được vị trí, vai trò của mình qua sự tăng trưởng về lượng khách, chất lượng sản phẩm du lịch và cơ sở vật chất kỹ thuật. Năm 2019, lượng khách du lịch quốc tế đến khu vực Tiểu vùng Mê Kông mở rộng đạt gần 74 triệu lượt, tăng 7% so với năm 2018, chiếm khoảng 15% lượng khách đi du lịch tới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Trong 6 tháng đầu năm 2022 khi các nước khu vực tiểu vùng Mê Kông lần lượt mở cửa, đón hơn 3,2 triệu lượt khách quốc tế.
Ông Nguyễn Trùng Khánh kêu gọi các bên liên quan nhìn nhận và định hình lại ngành du lịch để hướng tới một tương lai bền vững và toàn diện hơn. Giải pháp được đặt ra là việc tận dụng các công cụ kỹ thuật số để hỗ trợ khả năng phục hồi và tính bền vững của ngành, cũng như nâng cao năng lực của ngành du lịch thông qua các chương trình đào tạo và nâng cao kỹ năng…
Ông Trần Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết đây là cơ hội vàng để tỉnh Quảng Nam thể hiện hình ảnh là điểm đến và tăng cường liên kết du lịch với các nước thành viên GMS, đặc biệt khi Quảng Nam cũng là đơn vị đăng cai tổ chức sự Năm Du lịch quốc gia 2022 với chủ đề “Điểm đến du lịch xanh”.
Ông Tân khẳng định tỉnh Quảng Nam đang nỗ lực để giúp ngành du lịch phục hồi do tầm quan trọng về kinh tế cũng như các giá trị xã hội và môi trường mà du lịch mang lại. Tỉnh cam kết tăng trưởng bền vững ngành du lịch bằng cách tận dụng công nghệ để giảm thiểu tác động tiêu cực, đồng thời thúc đẩy bảo vệ môi trường tự nhiên…
Tin mới hơn ...
- Những điểm đến mùa thu Trung Quốc hút khách Việt 08/10/2024
- Đồng Nai quyết gỡ vướng Khu đô thị phía Tây cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu 21/08/2024
- Bỏ túi 5 quán café yên tĩnh ở Hà Nội 21/08/2024
- Buổi sáng chăm sóc rùa ở Vườn quốc gia Cúc Phương 21/08/2024
- Bốn trải nghiệm văn hóa Chăm ở Ninh Thuận dịp 2/9 21/08/2024
There are no comments yet