Thủ tướng đề nghị Samsung coi Việt Nam là cứ điểm quan trọng nhất, chiến lược toàn cầu, toàn diện



VNBTIMESSáng 23/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khánh thành Trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) của Tập đoàn Samsung tại tại Khu đô thị Tây Hồ Tây, Hà Nội. Chủ tịch Tập đoàn Samsung, ông Lee Jae Yong và ông Roh Tae Moon, Tổng Giám đốc Tập đoàn Samsung Điện tử đã từ Hàn Quốc sang Việt Nam tham dự sự kiện...

Sự kiện còn có sự tham gia của ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cùng lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương tham dự. Về phía Hàn Quốc có sự tham dự của Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam, bà Oh Young Ju, cùng đại diện một số hiệp hội doanh nghiệp của Hàn Quốc tại Việt Nam; ông Choi Joo Ho- Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam.

KỲ VỌNG TRUNG TÂM R&D CỦA SAMSUNG LÀ CÁI NÔI NUÔI DƯỠNG TÀI NĂNG CÔNG NGHỆ CỦA VIỆT NAM

Trung tâm R&D mới của Samsung Việt Nam có quy mô đầu tư 220 triệu USD, được thiết kế với 16 tầng nổi và 3 tầng hầm với tổng diện tích xây dựng là 11.603 m2 và diện tích sàn là 79.511 m2. Theo Samsung, với việc đưa vào hoạt động trung tâm này, Samsung trở thành doanh nghiệp FDI đầu tiên xây dựng trung tâm riêng, chuyên về nghiên cứu và phát triển có quy mô lớn. Đồng thời, Samsung đã hoàn thành lời hứa với Chính phủ Việt Nam về việc khánh thành Trung tâm R&D mới vào cuối năm 2022.

“Trung tâm nghiên cứu và phát triển Samsung sẽ trở thành cái nôi nuôi dưỡng nhân tài công nghệ thông tin ưu tú nhất Việt Nam và là nơi sản sinh ra những công nghệ hàng đầu thế giới”.

Quá trình xây dựng tòa nhà này của Samsung cũng đúng là lúc dịch bệnh COVID-19 bùng phát tại Việt Nam. Tuy nhiên, Samsung đã vừa nghiêm ngặt tuân thủ các quy định phòng chống dịch của Chính phủ Việt Nam, vừa bảo đảm an toàn cho số lượng nhân lực tham gia xây dựng mỗi ngày khoảng 1.300 người. Nhờ đó, công trình đã được hoàn thành theo đúng kế hoạch và không phát sinh bất kỳ một tai nạn lao động nào.

Tính đến thời điểm hiện tại, 50% tổng sản lượng điện thoại di động cung cấp trên toàn thế giới của Samsung đang được sản xuất tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Samsung cũng đang phát triển và kiểm định phần mềm (S/W) của thiết bị di động và network tại Việt Nam.

Trong thời gian tới, Samsung có kế hoạch nâng tầm vị thế của Việt Nam vượt qua vai trò là cứ điểm sản xuất toàn cầu để trở thành cứ điểm chiến lược về nghiên cứu và phát triển của Samsung trên toàn cầu.

Samsung đề ra kết hoạch phát triển Trung tâm R&D tại Việt Nam trở thành trung tâm nghiên cứu và phát triển số một toàn cầu thông qua việc đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các trường đại học trong các lĩnh vực công nghệ then chốt của tương lai, bên cạnh việc gia tăng hỗ trợ bồi dưỡng nhân lực công nghệ thông tin (IT) của Việt Nam.

Ngoài ra, thông qua Trung tâm R&D, Samsung hy vọng sẽ đóng góp tích cực vào sự phát triển của lĩnh vực phần cứng (H/W), phần mềm (S/W) phù hợp với lĩnh vực công nghệ thông tin tiên tiến và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Ông Roh Tae Moon, Tổng Giám đốc Samsung Điện tử, bày tỏ hy vọng rằng Trung tâm nghiên cứu và phát triển Samsung sẽ trở thành cái nôi nuôi dưỡng nhân tài công nghệ thông tin ưu tú nhất Việt Nam và là nơi sản sinh ra những công nghệ hàng đầu thế giới. Mong rằng những nhân tài công nghệ được bồi dưỡng, phát triển tại đây sẽ là nguồn lực đóng góp tích cực việc nâng cao năng lực cạnh tranh công nghiệp của Việt Nam.

Về tầm nhìn, ông cho biết nơi đây không chỉ là trung tâm R&D hàng đầu khu vực Đông Nam Á mà còn là trung tâm nghiên cứu và phát triển số 1 toàn cầu, hướng tới người tiêu dùng thế giới, tập trung nghiên cứu chuyên sâu những công nghệ cốt lõi của điện thoại di động như lĩnh vực đa phương tiện và bảo mật.

“Chúng tôi sẽ đi đầu trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh công nghệ của Việt Nam khi mở rộng chương trình hợp tác đào tạo với các trường đại học về các môn như trí tuệ nhân tạo, cơ sở dữ liệu lớn, đa phương tiện, bảo mật thay vì chỉ tập trung chủ yếu vào thuật toán ứng dụng như trước đó” – ông Roh Tae Moon nói.

ĐỀ NGHỊ SAMSUNG TIẾP TỤC MỞ RỘNG ĐẦU TƯ, KINH DOANH, COI VIỆT NAM LÀ CỨ ĐIỂM QUAN TRỌNG NHẤT

Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Samsung là nhà đầu tư Hàn Quốc lớn nhất và cũng là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 20 tỷ USD. Hoạt động hiệu quả của Samsung thời gian qua đã có đóng góp quan trọng về doanh thu xuất khẩu, tạo công ăn việc làm và thuế.

Trong giai đoạn Covid-19, Samsung Việt Nam vừa thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch vừa duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, không gián đoạn sản xuất; đồng thời cũng luôn đi đầu trong các hoạt động an sinh xã hội, không chỉ trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 mà còn xuyên suốt trong quá trình đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại sự kiện.

Thủ tướng cho rằng Việt Nam đã trở thành cứ điểm sản xuất quan trọng của Samsung trên toàn cầu. Việc Samsung triển khai dự án đầu tư Trung tâm R&D tại Hà Nội là minh chứng cho định hướng và cam kết của Samsung hoạt động lâu dài tại Việt Nam.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, cũng như các tập đoàn, doanh nghiệp đều rất chú trọng phát triển khoa học công nghệ, đặc biệt là các nghiên cứu khoa học có tính ứng dụng cao.

“Việc tập đoàn tổ chức lễ khánh thành Trung tâm R&D ngày hôm nay là tiền đề để Samsung hiện thực hóa các mục tiêu phát triển; là minh chứng cho những chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong việc kêu gọi và thu hút đầu tư vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển công nghệ cao; là một trong những thành quả của quá trình hợp tác phát triển giữa Việt Nam – Hàn Quốc trong 30 năm qua để cho đến ngày nay là “Đối tác chiến lược toàn diện”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Để Trung tâm R&D của Samsung tại Hà Nội nói riêng và Tập đoàn Samsung nói chung hoạt động hiệu quả góp phần hiện thực hóa chủ trương, chính sách phát triển khoa học công nghệ Việt Nam, đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế nhanh, bền vững thời gian tới, Thủ tướng đề nghị các cơ quan Trung ương và chính quyền địa phương của Việt Nam tiếp tục phát huy phương châm làm việc “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm”.

“Đã nói thì phải làm, đã cam kết thì phải thực hiện, thực hiện thì phải có hiệu quả. Hiệu quả là phải bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng, ngày càng phát triển, lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ và tất cả các bên cùng thắng, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân”, Thủ tướng phát biểu.

Cùng với đó, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Tập đoàn Samsung đầu tư kinh doanh hiệu qua và lâu dài tại Việt Nam, nâng cao tỉ lệ nội địa hóa. Vấn đề nào khó, vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền để xem xét, quyết định.

Thủ tướng nêu rõ, toàn cầu hóa và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang ngày càng thúc đẩy phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Tại Việt Nam, phát triển khoa học công nghệ được xác định là quốc sách hàng đầu, là một đột phá chiến lược để phát triển kinh tế – xã hội với quan điểm “Phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”.

Để Trung tâm R&D Samsung tại Hà Nội nói riêng và Tập đoàn Samsung nói chung hoạt động hiệu quả, Thủ tướng gợi mở một số định hướng. Cụ thể, về phía các cơ quan trung ương và chính quyền địa phương, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục phát huy phương châm làm việc với tinh thần “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm”.

Theo ông, đã nói thì phải làm, đã cam kết thì phải thực hiện, đã thực hiện thì phải có hiệu quả. Hiệu quả là phải bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng; lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ và tất cả các bên cùng thắng. Hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Tập đoàn Samsung đầu tư kinh doanh hiệu qua và lâu dài tại Việt Nam. Vấn đề nào khó, vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền để xem xét, quyết định.

Về phía Tập đoàn Samsung, Thủ tướng đề nghị Samsung tiếp tục mở rộng các hoạt động đầu tư, kinh doanh; coi Việt Nam là cứ điểm quan trọng, chiến lược toàn cầu, toàn diện hơn nữa về sản xuất, nghiên cứu – phát triển các sản phẩm chủ lực ra thị trường quốc tế.

“Tập đoàn Samsung tiếp tục phát huy tinh thần nỗ lực vượt khó như đã thực hiện khi xây dựng trung tâm, khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sớm sản xuất thử các sản phẩm lưới bóng chip bán dẫn, phấn đấu đạt mục tiêu sản xuất đại trà từ tháng 7-2023 tại nhà máy Samsung ở Thái Nguyên. Đây sẽ là bước khởi đầu tốt đẹp cho mục tiêu khép kín “chuỗi sản xuất” trong lĩnh vực điện tử của tập đoàn tại Việt Nam”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Người đứng đầu Chính phủ cũng mong Samsung hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong đào tạo nghiên cứu, phát triển, cả về cung ứng, quản lý; mong có người Việt Nam tham gia ban lãnh đạo Samsung. Điều này thể hiện trách nhiệm, tình cảm hai bên. Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục đồng hành và tạo điều kiện thuận lợi để các dự án của Tập đoàn đầu tư kinh doanh hiệu quả và phát triển bền vững tại Việt Nam với tinh thần hai bên cùng thắng.

Theo Vneconomy

https://vneconomy.vn/thu-tuong-de-nghi-samsung-coi-viet-nam-la-cu-diem-quan-trong-nhat-chien-luoc-toan-cau-toan-dien.htm

There are no comments yet

Tin mới hơn ...