Thị trường ngày 27/12: Giá dầu cao nhất hơn 3 tháng, vàng tiếp tục tăng mạnh sau Lễ Giáng sinh



VNBTIMESKỳ vọng thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung "giai đoạn 1" sẽ sớm được ký kết vào đầu tháng 1/2020, thúc đẩy thị trường hàng hóa tăng mạnh.

Ảnh minh họa.

Chốt phiên giao dịch ngày 26/12, đậu tương cao nhất 1,5 năm, dầu cao nhất hơn 3 tháng, khí tự nhiên, vàng và bạc cao nhất gần 2 tháng, bạch kim cao nhất 3 tháng, đồng cao nhất 8 tháng, dầu cọ cao nhất gần 3 năm, trong khi nhôm, quặng sắt và cao su đồng loạt giảm.

Dầu cao nhất hơn 3 tháng

Giá dầu tăng khoảng 1% lên cao nhất trong hơn 3 tháng, được thúc đẩy bởi kỳ vọng cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung sẽ sớm kết thúc và tồn trữ dầu thô của Mỹ thấp hơn so với dự kiến trước đó.

Chốt phiên giao dịch ngày 26/12, dầu thô Brent tăng 72 US cent tương đương 1,07% lên 67,92 USD/thùng và dầu thô Tây Texas WTI tăng 57 US cent tương đương 0,93% lên 61,68 USD/thùng. Cả hai đều tăng mạnh nhất kể từ ngày 17/9/2019. Tính từ đầu năm đến nay giá dầu Brent tăng 25%.

Giá dầu tăng được hỗ trợ bởi Trung Quốc và Mỹ sẽ tiến gần hơn tới việc ký kết 1 thỏa thuận thương mại “giai đoạn 1” vào đầu tháng 1/2020, chấm dứt chiến tranh thương mại kéo dài 17 tháng. Ngoài ra, giá dầu còn được hỗ trợ khi Viện Dầu mỏ Mỹ (API) cho biết, tồn trữ dầu thô của Mỹ trong tuần trước giảm 7,9 triệu thùng, giảm mạnh hơn so với dự báo của các nhà phân tích.

Khí tự nhiên cao nhất gần 2 tháng

Giá khí tự nhiên tại Mỹ tăng lên mức cao nhất gần 2 tháng do dự báo thời tiết lạnh hơn, điều này có thể thúc đẩy nhu cầu sưởi ấm.

Giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 1/2020 trên sàn New York tăng 12,2 US cent tương đương 5,6% lên 2,294 USD/mmBTU, mức tăng mạnh nhất kể từ ngày 29/10/2019.

Vàng và bạc cao nhất gần 2 tháng, bạch kim cao nhất 3 tháng

Giá vàng tăng cao nhất gần 2 tháng, vượt ngưỡng 1.500 USD/ounce do hoạt động thúc đẩy mua vào.

Vàng giao ngay trên sàn LBMA tăng 0,8% lên 1.511,13 USD/ounce, trong phiên có lúc đạt 1.512,3 USD/ounce, cao nhất kể từ ngày 4/11/2019. Vàng kỳ hạn tháng 2/2020 trên sàn New York tăng 0,7% lên 1.514,4 USD/ounce. Tính từ đầu năm đến nay, giá vàng tăng khoảng 18% và có năm tăng mạnh nhất kể từ năm 2010, chủ yếu do tranh chấp thương mại Mỹ – Trung kéo dài và tác động đối với nền kinh tế toàn cầu.

Đồng thời, giá bạc tăng 0,7% lên 17,9 USD/ounce, sau khi đạt mức cao nhất kể từ ngày 5/11/2019. Giá bạch kim tăng 1,5% lên 952,7 USD/ounce, cao nhất kể từ ngày 24/9/2019.

Nhôm rời khỏi chuỗi tăng 7 phiên liên tiếp, đồng cao nhất 8 tháng, chì cao nhất gần 1 tháng

Giá nhôm tại Thượng Hải giảm lần đầu tiên trong 8 phiên, do nguồn cung tăng và các dấu hiệu cho thấy rằng nhu cầu suy giảm trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vào tháng tới.

Giá nhôm kỳ hạn tháng 2/2020 trên sàn Thượng Hải giảm 1,3% xuống 14.055 CNY(2.008,34 USD)/tấn.

Vào cuối tháng này, Tập đoàn Henan Shenhuo Trung Quốc sẽ bắt đầu dây chuyền sản xuất công suất 150.000 tấn nhôm mỗi năm – dự án luyện nhôm tại Wenshan, tỉnh Vân Nam.

Giá đồng tại Thượng Hải tăng phiên thứ 3 liên tiếp, tăng 0,2% lên 49.650 CNY/tấn, trong phiên có lúc đạt 49.940 CNY/tấn, cao nhất 8 tháng do giảm bớt căng thẳng thương mại Mỹ – Trung.

Đồng thời, giá chì trên sàn Thượng Hải tăng 0,6% lên 15.215 CNY/tấn, trong phiên có lúc tăng 1,4% lên 15.340 CNY/tấn, cao nhất kể từ ngày 29/11/2019.

Quặng sắt giảm, thép tăng

Giá quặng sắt tại Trung Quốc và Singapore giảm do hoạt động giao dịch trầm lắng trước ngày nghỉ Tết năm mới, trong khi giá thép tăng.

Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 5/2020 trên sàn Đại Liên giảm 0,3% xuống 639,5 CNY (91,39 USD)/tấn, trong phiên có lúc giảm 2% xuống mức thấp nhất kể từ ngày 9/12/2019.

Trên sàn Singapore, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2020 giảm 1,5% xuống 88,65 USD/tấn.

Nhu cầu quặng sắt suy yếu cùng với cảnh báo ô nhiễm nặng tại một số trung tâm sản xuất thép Trung Quốc, khiến các nhà máy thép hạn chế hoạt động sản xuất gây áp lực giá.

Trong khi đó, trên sàn Thượng Hải, giá thép cây tăng 0,7%, thép cuộn cán nóng tăng 0,4% song giá thép không gỉ hầu như không thay đổi.

Trung Quốc – nước sản xuất và tiêu thụ thép lớn nhất thế giới – đang lên kế hoạch đầu tư 800 tỉ CNY vào đường sắt, 1,8 nghìn tỉ CNY cho cơ sở hạ tầng đường cao tốc và đường thủy và 90 tỉ CNY trong ngành hàng không dân dụng.

Cao su giảm

Giá cao su tại Tokyo giảm theo xu hướng giá cao su kỳ hạn tại Thượng Hải.

Giá cao su kỳ hạn tháng 5/2020 trên sàn TOCOM giảm 2 JPY (0,0183 USD) xuống 198 JPY/kg.

Đồng thời, trên sàn Thượng Hải, giá cao su kỳ hạn tháng 5/2020 giảm 15 CNY (2,14 USD) xuống 12.810 CNY/tấn. Giá cao su TSR20 giảm 35 CNY xuống 10.630 CNY/tấn.

Giá cao su kỳ hạn tháng 1/2020 trên sàn SICOM giảm 0,1% xuống 143,8 US cent/kg.

Cà phê tăng tại Việt Nam, giảm tại NewYork

Thị trường cà phê châu Á giao dịch trầm lắng do các thương nhân đứng ngoài thị trường và những người nông dân lưỡng lự bán ra khi giá thấp, trong khi thị trường Indonesia đóng cửa.

Giá cà phê robusta xuất khẩu của Việt Nam (loại 2, 5% đen &vỡ) được chào giá cộng 70-80 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 3/2020 trên sàn London, tăng so với 50 USD/tấn cách đây 1 tuần. Tại thị trường nội địa, cà phê nhân xô được bán với giá 33.600 đồng (1,45 USD)/kg, giảm so với 33.500 -34.000 đồng/kg hồi tuần trước.

Giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 3/2020 trên sàn ICE giảm 2,1 US cent tương đương 1,6% xuống 1,273 USD/lb.

Đường tăng

Giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2020 trên sàn ICE tăng 0,07 US cent tương đương 0,5% lên 13,44 US cent/lb, do giá dầu tăng cao có thể khuyến khích các nhà máy mía đường tại nước sản xuất hàng đầu – Brazil – sẽ sản xuất nhiều ethanol hơn đường.

Đậu tương cao nhất 1,5 năm, ngô và lúa mì đều tăng

Giá đậu tương tại Mỹ tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 6/2018 do lạc quan về thương mại Mỹ – Trung.

Trên sàn Chicago, giá đậu tương kỳ hạn tháng 3/2020 tăng 1-3/4 USD/bushel lên 9,46-1/2 USD/bushel, trong phiên có lúc đạt 9,49 USD/bushel, cao nhất kể từ ngày 13/6/2018. Giá ngô kỳ hạn tháng 3/2020 tăng 1 US cent lên 3,88-1/2 USD/bushel và giá lúa mì giao cùng kỳ hạn tăng 8 US cent lên 5,49 USD/bushel.

Gạo tăng tại Việt Nam và Thái Lan, duy trì vững tại Ấn Độ

Giá gạo tại Thái Lan tăng do lo ngại hạn hán ảnh hưởng đến năng suất lúa tại nước này, trong khi sắp tới mùa lễ hội tại Ấn Độ và Việt Nam khiến giao dịch trở nên trầm lắng.

Đối với loại 5% tấm, gạo Việt Nam tăng nhẹ lên 355-360 USD/tấn, so với mức 350-352 USD/tấn, đồng thời gạo Thái Lan dao động từ 424-435 USD/tấn tăng so với mức 395- 420 USD/tấn và gạo Ấn Độ ở mức 360-365 USD/tấn, duy trì vững so với tuần trước.

Dầu cọ cao nhất gần 3 năm

Giá dầu cọ tại Malaysia tăng phiên thứ 2 liên tiếp lên mức cao nhất gần 3 năm, được thúc đẩy bởi lo ngại nguồn cung thiếu hụt, sau khi cơ quan công nghiệp dự báo sản lượng dầu cọ của nước này trong tháng 12/2029 giảm mạnh hơn so với dự kiến trước đó.

Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 3/2020 trên sàn Bursa Malaysia tăng 23 ringgit tương đương 0,8% xuống 2.946 ringgit (712,63 USD)/tấn, trong đầu phiên giao dịch giá dầu cọ tăng 1,1% lên 2.956 ringgit/tấn, cao nhất kể từ ngày 16/2/2017. Tính từ đầu năm đến nay, giá dầu cọ tăng 38%, năm tăng mạnh nhất trong gần 1 thập kỷ.

Xuất khẩu nam châm đất hiếm của Trung Quốc sang Mỹ giảm mạnh

Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GAC), xuất khẩu nam châm đất hiếm của Trung Quốc sang Mỹ trong tháng 11/2019 giảm 21,2% so với tháng trước đó.

Theo đó, xuất khẩu nam châm đất hiếm của Trung Quốc sang Mỹ trong tháng 11/2019 giảm còn 376 tấn, trong bối cảnh mối quan hệ thương mại giữa hai nước ngày càng cải thiện làm giảm nhu cầu dự trữ.

GAC cho hay khối lượng xuất khẩu nam châm đất hiếm nói trên, được sử dụng rộng rãi trong các thiết bị y tế, điện tử tiêu dùng và thiết bị quốc phòng, cũng giảm 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hồi tháng 5/2019, Trung Quốc, nhà sản xuất đất hiếm hàng đầu thế giới, tuyên bố có thể hạn chế nguồn cung các sản phẩm đất hiếm trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung không ngừng leo thang.

Trong tháng 11/2019, tổng khối lượng xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc chỉ đạt 2.636 tấn, mức thấp nhất kể từ tháng 5/2015.

Xuất khẩu nam châm đất hiếm của Trung Quốc trong tháng 11/2019 đạt 2.891 tấn, giảm 6,5% so với tháng 10/2019 song tăng 10,4% so với tháng 11/2018.

Thị trường xuất khẩu nam châm đất hiếm lớn nhất của Trung Quốc là Đức, với khối lượng xuất khẩu 672 tấn trong tháng 11/2019.

Trước đó, xuất khẩu nam châm đất hiếm sang Đức trong tháng 10/2019 đã tăng vọt lên khoảng 708 tấn, mức cao nhất kể từ năm 2016.

Than Australia tăng do nhu cầu nhiệt điện tại châu Á

Nhập khẩu than từ Ấn Độ và Đông Nam Á tăng nhanh, do nhu cầu về nhiệt điện tăng, sẽ tạo ra xu hướng “đi lên” trong đồ thị xuất khẩu than của Australia trong 5 năm tới.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự đoán sự gia tăng 4,6% các nhà máy nhiệt điện tại Ấn Độ sẽ là nhân tố chính thúc đẩy nhu cầu về than tăng, trong khi tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của Indonesia và Việt Nam cũng là lực đẩy tạo mức tăng 5% về nhu cầu than trong vòng 5 năm tới.

IEA nhận định sự gia tăng nhu cầu sử dụng than tại Ấn Độ và Đông Nam Á sẽ bù đắp cho việc tiêu thụ than của Australia tại thị trường Mỹ và châu Âu giảm sút, trong bối cảnh sử dụng năng lượng tái tạo thay thế tại hai khu vực này ngày càng trở nên phổ biến hơn.

Trong bản báo cáo mới phát hành, IEA cho biết, tổng nhu cầu than toàn cầu đã tăng 1,1% trong năm 2018 và dự kiến sẽ duy trì ổn định cho tới năm 2024. Trong khi đó, tổng lượng sản xuất than của Australia sẽ tiếp tục tăng 1,4% mỗi năm, từ mức 409 triệu tấn vào năm 2018 lên 444 triệu tấn vào năm 2024.

IEA dự báo xuất khẩu nhiệt than của Australia, dùng trong việc sản xuất điện, sẽ tăng từ 203 triệu tấn lên 223 triệu tấn so với cùng kỳ, trong khi xuất khẩu than luyện cốc, dùng trong sản xuất thép, sẽ tăng từ 179 triệu tấn lên 196 triệu tấn.

Than sẽ vẫn là nguồn cung cấp điện lớn nhất trên toàn thế giới trong 5 năm tới, mặc dù thị phần của mặt hàng này được cho là giảm từ 38% trong năm 2018 xuống 35% trong năm 2024.

Báo cáo của IEA dự đoán thị phần xuất khẩu than toàn cầu Australia sẽ tăng nhanh. Điều này làm dấy lên những đồn đoán về các mỏ than mới sớm được đưa vào khai thác tại bang Queensland và New South Wales.

Bộ trưởng Tài nguyên Australia Matt Canavan cho biết, nước này sẽ cần nhiều hơn nữa các mỏ than để đáp ứng nhu cầu than gia tăng từ các quốc gia đang phát triển của châu Á.

Báo cáo của IEA được đưa ra ngay sau khi Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu thường niên của Liên hợp quốc (LHQ) kết thúc tại Madrid (Tây Ban Nha) mà không có được sự đồng thuận để đạt được các tiêu chuẩn quốc tế mới về giảm khí phát thải. Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres bày tỏ sự thất vọng với kết quả của Hội nghị Madrid.

Báo cáo của IEA cho thấy xuất khẩu than Australia đã tăng 0,8% vào năm ngoái, từ 382 triệu tấn, kết hợp với mức giá cao hơn, đem tới mức doanh thu kỷ lục là 67 tỷ USD. IEA cũng nhìn nhận than đá đã vượt qua quặng sắt, trở thành mặt hàng xuất khẩu có giá trị nhất của Australia.

Trong vòng 5 năm tới, Ấn Độ sẽ đóng góp lớn nhất cho tăng trưởng nhu cầu than thế giới, với mức tăng 4,6% hàng năm trong sản xuất nhiệt điện, bất chấp lĩnh vực sản xuất năng lượng tái tạo của nước này đã tăng gấp 4 lần. Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ gần một nửa sản lượng than thế giới, ghi nhận mức tiêu thụ tăng 1% vào năm ngoái. Tuy nhiên, IEA dự báo thị trường này sẽ có sự tăng trưởng khiêm tốn trong những năm tới.

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 27/12

 

Theo Minh Quân/ Trí thức trẻ

There are no comments yet

Tin mới hơn ...