Tháo gỡ vướng mắc thực hiện sử dụng tài sản công thanh toán cho dự án BT



VNBTIMES Việc thực hiện điều khoản xử lý chuyển tiếp của Nghị định số 69/2019/NĐ-CP của Chính phủ; với một số dự án cụ thể, làm thế nào để thực hiện cho đúng, được đại diện sở tài chính các địa phương quan tâm, đặt câu hỏi với lãnh đạo Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính.

Ông La Văn Thịnh – Cục trưởng Cục Quản lý công sản phát biểu tại hội nghị. Ảnh: T.T.

Ngày 16/9, tại Quảng Ninh, Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) tổ chức tập huấn phổ biến Nghị định số 69/2019/NĐ-CP của Chính phủ về sử dụng tài sản công để thanh toán cho dự án BT cho các bộ, cơ quan trung ương, sở tài chính các tỉnh, thành phố khu vực phía bắc.

Đất giao phải nằm trong quy hoạch

Ngày 15/8/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 69/2019/NĐ-CP quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức hợp đồng xây dựng – chuyển giao (BT). Đây là nghị định cuối cùng hướng dẫn thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Phát biểu khai mạc cuộc tập huấn, ông La Văn Thịnh – Cục trưởng Cục Quản lý công sản cho biết, trong bối cảnh Nhà nước không có nguồn lực, cần phải có sự chia sẻ của tư nhân vào đầu tư cơ sở hạ tầng, thì phương thức BT là loại hình đầu tiên cho phép tư nhân cùng tham gia xây dựng, chuyển giao cho Nhà nước và Nhà nước vận hành quản lý.

Theo ông La Văn Thịnh, đây là một hình thức đầu tư ưu việt. Để quản lý một cách tường minh, công khai, hàng năm địa phương phải công bố danh mục các công trình BT để kêu gọi nhà đầu tư đầu tư vào các dự án này. Khẳng định thêm, Cục trưởng Cục Quản lý công sản cho biết, với nguyên tắc ngang giá, nghị định mới này có rất nhiều ý nghĩa và việc thanh toán các dự án thực hiện một cách sòng phẳng.

“Tinh thần của nghị định là mọi thứ vẫn làm bình thường, nhưng phải đủ điều kiện đầu vào. Đất giao cho nhà đầu tư có thể là đất chưa giải phóng mặt bằng nhưng phải nằm trong quy hoạch, nằm trong kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt” – ông La Văn Thịnh nói.

Đại diện Phòng Tài nguyên – đất (Cục Quản lý công sản) đã trình bày sơ lược những điểm quan trọng được quy định tại Nghị định 69/2019/NĐ-CP. Trong đó, nhấn mạnh 6 nguyên tắc thanh toán dự án BT bằng tài sản công; thời điểm thanh toán; khoản lãi vay trong phương án tài chính của hợp đồng BT; việc giao tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư…

Hội nghị có sự tham dự của đông đảo đại diện bộ, ngành, địa phương. Ảnh: T.T

Theo đó, nguyên tắc ngang giá được xác định, giá trị tài sản công được xác định theo giá thị trường theo quy định của pháp luật tại thời điểm thanh toán; giá trị dự án BT được xác định theo kết quả đấu thầu. Thời điểm thanh toán là thời điểm UBND cấp tỉnh ban hành quyết định giao đất, cho thuê đất cho nhà đầu tư đối với việc thanh toán bằng quỹ đất, trụ sở làm việc. Việc giao tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư được thực hiện sau khi dự án BT hoàn thành hoặc thực hiện đồng thời tương ứng với khối lượng xây dựng công trình dự án BT hoàn thành theo tiến độ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định theo quy định.

Quy định chuyển tiếp, hiểu để thực hiện đúng

Trên thực tế, việc sử dụng quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT trong thời gian qua về cơ bản đã phát huy được hiệu quả thông qua việc huy động các nguồn lực của khu vực tư nhân và việc cung cấp các dịch vụ công, giảm áp lực lên nguồn ngân sách nhà nước.

Tiếp tục kế thừa và phát huy hiệu quả của cơ chế thanh toán dự án BT bằng quỹ đất, nghị định này quy định 2 nhóm quỹ đất được sử dụng để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT, bao gồm: đất chưa giải phóng mặt bằng và đất đã giải phóng mặt bằng. Nhà nước thực hiện giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê theo quy định của pháp luật đất đai để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT.

Tại hội nghị tập huấn, đại diện một số địa phương đã hỏi một số vấn đề liên quan đến điều khoản chuyển tiếp của nghị định.

Theo quy định tại Nghị định số 69/2019/NĐ-CP của Chính phủ, đối với các hợp đồng BT thanh toán bằng quỹ đất, trụ sở làm việc cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT đã được ký kết theo đúng quy định của pháp luật tại thời điểm ký hợp đồng BT trước ngày 1/1/2018 mà chưa hoàn thành việc thanh toán cho nhà đầu tư thì tiếp tục thực hiện việc thanh toán theo nội dung hợp đồng BT đã ký kết.

Trường hợp các nội dung liên quan đến việc thanh toán chưa được quy định rõ trong hợp đồng BT thì áp dụng các quy định của Luật Đất đai năm 2013, Luật Đầu tư năm 2014, Luật Xây dựng năm 2014, Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 và pháp luật có liên quan có hiệu lực tại thời điểm thanh toán.

Đối với các hợp đồng BT được ký kết từ ngày 1/1/2018 đến trước ngày nghị định này có hiệu lực thi hành, trong đó có điều khoản sử dụng tài sản công để thanh toán được thực hiện theo Luật Đất đai năm 2013, Luật Đầu tư năm 2014, Luật Xây dựng năm 2014, Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 và pháp luật có liên quan.

Có ý kiến hỏi về việc, trong trường hợp hợp đồng ký trước ngày 1/1/2018, nhưng đến nay dự kiến địa phương phải trả thêm cho nhà đầu tư 1 trụ sở nữa thì có phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ hay không? Ông La Văn Thịnh cho biết, trong trường hợp này, phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.

Ông La Văn Thịnh khẳng định, từ nghị định này trở đi, “cuộc chơi” BT sẽ tường minh, sòng phẳng; với các điều khoản còn chưa rõ, các bên ngồi lại với nhau thương thảo, rà soát lại để thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật./.

Minh Anh/TBTCO

There are no comments yet

Tin mới hơn ...