Tại sao các startup khó làm giàu tại châu Âu?



VNBTIMESCác doanh nghiệp phải tuân thủ nghiệm ngặt các quy định về thuế cũng như những hạn chế khiến các hình thức thưởng cố phiếu trở nên “đắt đỏ” hơn nhiều so với giá trị ban đầu. Có quan điểm cho rằng lục địa già không muốn thực hiện các thử nghiệm cũng như hứng chịu các thất bại, điều được coi là hết sức bình thường tại thung lũng Sillicon.

Johannes Reck lẽ ra phải là người hạnh phúc nhất tại thời điểm này. Anh là nhà đồng sáng lập một trong những công ty khởi nghiệp “nổi” nhất tại thủ đô Berlin, Đức. GetYourGuide cho phép người dùng có thể đặt tour trực tuyến với điểm đến tại hơn 150 quốc gia khác nhau trên toàn thế giới. Công ty vẫn đang “băng băng” về đích với mục tiêu tăng trưởng 75% doanh thu trong năm nay. Hồi tháng 5 vừa qua, công ty đã kêu gọi được tổng số vốn đầu tư lên đến 484 triệu USD và đang được định giá ở mức trên một tỷ USD, đồng nghĩa đây là một kỳ lân trong làng khởi nghiệp.

Công ty của Reck chính xác là những gì mà những nhà lập pháp châu Âu kỳ vọng khi họ cho rằng tinh thần doanh nhân sẽ là một trong những động lực chính góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế vốn đang không mấy sáng sủa tại lục địa già. Nhưng Reck lại cảm thấy không hài lòng.

“Nói tôi thất vọng có lẽ chưa đủ. Tôi cảm thấy tức giận, rất tức giận. Vì sự bảo thủ tại đây giống như một bức tường quá cao mà chúng ta khó lòng vượt qua được”, Reck chia sẻ. “Đó đâu có phải trường hợp chúng tôi yêu cầu những chính trị gia phải làm những điều hoàn toàn xa lạ đối với họ”, anh cho biết.

Vấn đề ở đây là gì? Reck rất muốn chia sẻ cổ phần trong tương lai của công ty cho những nhân viên của mình như là một phần thưởng cho những cống hiến của họ. Nhưng nếu làm như thế, công ty sẽ phải chịu rất nhiều khó khăn, trở ngại. Trong hàng thập kỷ qua, các công ty công nghệ tại Mỹ đã sử dụng quyền mua cổ phiếu dành cho nhân viên như một đòn bẩy thúc đẩy tinh thần sáng tạo và cống hiến của họ, qua đó giúp công ty đạt được những cột mốc tăng trưởng chưa từng có trong tiền lệ.

Không giống với Mỹ, nơi mà những hình thức khen thưởng bằng cổ phiếu là thứ gì đó hết sức hiển nhiên, thì tại châu Âu, tư tưởng đó vẫn chưa hề xuất hiện tại nhiều quốc gia trên khắp châu lục này. Một số nhà lập pháp đang nỗ lực nới lỏng các quy định trong việc trả lương tại các doanh nghiệp, nhưng như thế thì khoảng cách giàu nghèo lại khó có thể được thu hẹp khi mà bất bình đẳng thu nhập đang ngày một trở nên nghiêm trọng hơn hơn ở hai đầu Đại Tây Dương.

Người dân cũng như các nhà lập pháp tại châu Âu từ lâu đã coi việc trả lương quá hậu hĩnh cho ai đó là biểu hiện của sự thiếu công bằng. Một vài năm trước đây, các khoản thưởng cho nhân viên ngân hàng, các nhà quản lý quỹ cũng như nhiều vị trí làm việc khác trong ngành tài chính tại Hà Lan được quy định không vượt quá 20% mức lương cơ bản của họ. Các doanh nghiệp phải tuân thủ nghiệm ngặt các quy định về thuế cũng như những hạn chế, thường sẽ khiến các hình thức thưởng cố phiếu trở nên “đắt đỏ” hơn khá nhiều so với giá trị ban đầu của chúng.

Các startup kỳ lân cũng gặp khó tại châu Âu. Ảnh: Bloomberg.

Tại Đức, khi được hưởng quyền chọn mua cổ phiếu, các nhân viên phải đóng thuế thu nhập cá nhân dựa trên phần chênh lệch giữa giá trị bình quân của thị trường với giá trị cố định của cổ phiếu trong hợp đồng quyền chọn. Mức thuế phải nộp sẽ dao động trong khoảng từ 14% đến 47,5%. Không những thế, họ còn phải chi trả mức thuế 25% cho phần lợi nhuận sinh ra khi bán đi lượng cổ phiếu họ đang nắm giữ.

Trái ngược hoàn toàn, các nhân viên tại Mỹ chỉ phải đóng mức thuế từ 0% đến 20% cho phần giá trị tăng lên tại thời điểm họ được hưởng quyền chọn của mình. Tuy nhiên, họ cũng phải chịu mức thuế bổ sung khi sử dụng các quyền chọn đó, tùy thuộc vào thời gian và hình thức quyền chọn họ được nhận. Đức và 14 quốc gia châu Âu khác, trong đó bao gồm cả Thụy Điển và Hà Lan, lại tỏ ra “khó khăn” hơn Mỹ trong quy định về quyền chọn, theo một nghiên cứu được thực hiện bởi Index Ventures, một công ty đầu tư có trụ sở tại London và thung lũng Sillicon.

Đối với các doanh nghiệp và các nhà đầu tư, vấn đề không chỉ dừng lại ở khó khăn trong việc thu hút nhân tài. Các quy định về ràng buộc lương thưởng cũng là một nguyên nhân lớn dẫn đến thực trạng châu Âu không sở hữu nhiều các công ty công nghệ có tiếng tăm trên toàn cầu giống như ở Mỹ.

Một số vấn đề tại nơi làm việc cũng đóng góp vào thực trạng này. Cho dù cùng là thành viên của Liên minh châu Âu, nhưng mỗi quốc gia thành viên vẫn là một môi trường tương đối tách biệt. Điều đó khiến cho châu lục này không thể đạt được mức độ đồng nhất cao như ở Mỹ. Thêm vào đó, có một quan điểm được lưu truyền rộng rãi rằng văn hóa doanh nghiệp tại lục địa già không muốn thực hiện các thử nghiệm cũng như hứng chịu các thất bại, điều được coi là hết sức bình thường tại thung lũng Sillicon. Trong khi chính phủ các quốc gia thành viên EU đã bỏ ra hàng trăm triệu euro vào các chương trình đầu tư nhằm rót vốn cho các công ty khởi nghiệp tại châu lục này, nhưng thứ mà các doanh nghiệp thức sự mong muốn lại không hề được đáp ứng.

“Có 2 nhân tố đóng góp cho sự phát triển của một doanh nghiệp khởi nghiệp”, theo Martin Mignot, một đối tác của Index Ventures. “Thứ nhất, đó là vốn. Và thứ hai đó là nhân tài. Nếu như công ty bạn chưa thu về được nhiều lợi nhuận, bạn phải tìm các khuyến khích nhân viên bằng lời hứa về một tương lai sáng sủa trong công ty. Tiền bạn trả cho nhân viên chính là việc thực hiện lời hứa đó”.

Spotify, Klarna, và TransferWise là những công ty hàng đầu châu Âu, tạo được dấu ấn lớn trong lĩnh vực kinh doanh của mình thông qua việc sáng tạo ra những sản phẩm độc đáo, mang lại lơi ích kinh tế cho các nhà đầu tư, cũng như nhân viên của mình. Tương tự, có rất nhiều các quốc gia như Anh, Italia, Bồ Đào Nha và Pháp cũng đang “học theo” cách tiếp cận vấn đề của Mỹ .

Nhưng những quốc gia trên chỉ là ngoại lệ. Tại nhiều quốc gia châu Âu, các nhà sáng lập doanh nghiệp khởi nghiệp đã phải sử dụng nhiều biện pháp khác nhau nhằm có thể giữ chân nhân viên ở lại với mình. Tại Thụy Điển, các quyền chọn có thể bị đánh thuế ngang bằng với với mức thuế thu nhập cá nhân ở mức hơn 50%. Klarna, một ông lớn trong lĩnh vực thanh toán trực tuyến, đã tìm cách né tránh quy định trên bằng việc đưa ra các bản cam kết với mức giá chỉ ngang bằng với mức giá bình quân thị trường, sử dụng mô hình Black-Scholes, và theo đó người được nhận chỉ phải chịu mức thuế thu nhập rơi vào khoảng từ 25% đến 30% tại thời điểm bán ra. Các công ty tại Áo, Cộng Hòa Séc, Đức và Tây Ban Nha lại sáng tạo ra hình thức “quyền chọn cổ phiếu ảo”, nhưng những công cụ này chỉ đơn thuần là các khoản thưởng bằng tiền mặt, dưới một cái tên hoàn toàn khác, và có thể không hấp dẫn bằng những hình thức thực tế khi công ty tiến hành sáp nhập hoặc tiến hành IPO.

Ít nhất thì tại Đức cũng đã bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu khả quan. Bettina Stark-Watzinger, chủ tịch phụ trách Hội đồng tài chính tại Quốc hội Đức, đã xây dựng nên một dự thảo luật mới nhằm cắt giảm mức thuế đánh lên các quyền chọn mua cổ phiếu xuống chỉ còn một nửa khi chỉ coi hình thức này như là sự gia tăng tài sản. Stark-Watzinger cho rằng Đức đã trở quá tự mãn trong việc hỗ trợ các ý tưởng trong kỷ nguyên số.

Bà lo lắng rằng các công ty công nghệ tiềm năng sẽ chọn các quốc gia khác làm đại bản doanh nếu như các nhà lập pháp không chịu thay đổi. “Chúng ta chú trọng quá nhiều vào nền kinh tế trong thập kỷ vừa qua”, bà cho biết. “Chúng ta có quyền tự hào về khoản thặng dư thương mại và ngành công nghiệp ôtô, nhưng chúng ta đã bị bỏ lại phía sau trong cuộc chạy đua nền kinh tế số. Đó mới chính là nguồn tạo ra giá trị cũng như tăng trưởng cho nền kinh tế trong tương lai”.

Số thương vụ đầu tư mạo hiểm vào các công ty công nghệ châu Âu. Nguồn: PitchBook.

Sẽ không dễ dàng cho Stark-Watzinger để thuyết phục các đảng phái khác trong liên minh chính phủ thông qua dự luật mới, điều được cho rằng sẽ có nhiều tác động tích cực đối với những người lao động đang làm việc trong lĩnh vực công nghệ. Đức vốn không “thỏa mái” như Mỹ với Anh trong việc tạo ra những ngoại lệ trong hệ thống thuế của quốc gia này trên một số lĩnh vực nhất định, nhằm khuyến khích đổi mới sáng tạo, theo Michael Mandel, một nhà kinh tế học tại Progressive Policy Institute, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Washington, người đã bỏ nhiều thời gian nghiên cứu về chủ đề này. Mãi đến năm 2019, chính phủ Đức mới đệ trình một dự thảo luật thuế mới dành cho lĩnh vực nghiên cứu cũng như đầu tư phát triển một chính sách đã trở nên quá quen thuộc tại nhiều quốc gia phương Tây.

Bất cứ khi nào chủ đề thuế được lôi ra bàn thảo tại Quốc hội, các nhà lập pháp luôn đặt ra những câu hỏi về việc liệu nguồn thu thuế sụt giảm có đảm bảm duy trì được chính sách trợ cấp tài chính cho các dịch vụ xã hội hay không? Tại Đức, sinh viên được miễn phí khi theo học tại các trường đại học công lập. Nhiều dịch vụ chăm sóc sức khỏe được cung cấp cho người dân mà không cần chi trả một đồng nào.

Mandel cho biết Washington sẵn sàng đặt cược rằng sự sụt giảm nguồn thu thuế trước mắt hoàn toàn  có thể được bù đắp trong tương lai. Nhưng điều đó không có nghĩa là Berlin cũng có cách suy nghĩ tương tự. “Đức sở hữu một nền công nghiệp hết sức thành công, vậy vì lý do gì mà họ thay đổi một hệ thống đang vận hành tốt như thế?”, ông cho biết. “Và khi các nhà lãnh đạo Đức muốn có nhiều hơn những doanh nghiệp kỳ lân, họ có thể muốn đi theo hướng đi của riêng họ, chứ không nhất thiết đi đúng theo con đường của thung lũng Silicon”.

Cho dù thế, không thể phủ nhận việc các hình thức thưởng quyền chọn cổ phiếu thực sự đã giúp gia tăng tài sản cũng như tinh thần sáng tạo tại nhiều công ty Mỹ. PayPal Holdings Inc, một trong những công ty tiên phong trong lĩnh vực thanh toán trực tuyến, không chỉ khiến các “ông chủ” trở nên giàu có, mà những Elon Musk, Peter Thiel và Reid Hoffman còn tạo ra “của cải” cho chính những nhân viên của mình, những người sau đó hoàn toàn có thể mở cho mình một công ty riêng và làm theo những gì mà các “ông chủ” của họ đã làm ở PayPal.

Mignot (Index Ventures) gọi đó là hiệu ứng bánh răng. Câu chuyện này không phải là không tồn tại tại châu Âu. Đợt IPO vào năm 2018 của Adyen, một công ty thanh toán trực tuyến của Hà Lan đã biến những người đồng sáng lập công ty thành tỷ phú. Việc cải cách hệ thống luật pháp trên toàn EU vẫn chưa thể giúp tạ ra nhiều “bánh răng” như thế, theo Magnus Henkerson, giám đốc Viện nghiên cứu kinh tế nông nghiệp tại Stockholm. Một ưu điểm của phong trào cải cách luật pháp này đó là các bên liên quan sẽ không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi thuế trước khi họ tạo ra được lợi nhuận.

GetYourGuide của Reck dường như thở phào vì vấn đề mà công ty đang vấp phải cuối cùng cũng được đưa ra cân nhắc. Trên nhiều khía cạnh, công ty của anh không khác gì một doanh nghiệp tại thung lũng Silicon. Công ty được hỗ trợ bởi SoftBank Fund, và trong tháng 9 vừa qua, công ty đã chuyển trụ sở của mình đến nhà máy điện có từ thời tiền công nghiệp hóa và giờ đã được cải tạo lại. Văn phòng mới của công ty có những bức tường bằng gạch đỏ, xà được làm từ kim loại và tủ lạnh thì luôn chứa đầy thức uống tăng lực Club-Mate.

Cho dù Reck rất muốn cho nhân viên của mình được hưởng những quyền lợi thích đáng, nhưng cuối cùng anh đã từ bỏ sau khi nhận ra rằng chính sách thuế hiện tại sẽ khiến cho họ nhận lại chẳng bao nhiêu. Do đó, anh đã cân nhắc lựa chọn hình thức thưởng tiền mặt, nhưng vẫn gắn liền với giá trị của công ty.

Những khoản tiền thưởng đó sẽ bị đánh thuế thu nhập cá nhân, nhưng những người nhận được sẽ không phải chịu thuế đánh vào phần tài sản tăng thêm. Nhưng ở thời điểm hiện tại GetYourGuide vẫn chưa thu được nhiều lợi nhuận và đang phải dành dụm tiền mặt để trang trải cho phí hoạt động của mình. “Điều này có những ảnh hưởng hết sức to lớn đến công ty”, Reck cho biết. “Chúng tôi có một khoản nợ lớn đối với các nhân viên của mình. Điều đó khá kì cục. Và nếu công ty tiến hành IOP, đó là điều mà chúng tôi phải giải thích với các nhà đầu tư. Chả dễ chịu chút nào”.

Raisin, một công ty khởi nghiệp khác, đã buộc thực hiện việc đảm bảo quyền mua cổ phần của nhân viên. Có trụ sở tại Prenzlauer Ber, Berline, Raisin đang vận hành một trang thống kê lãi suất trực tuyến, giúp kết nối người có nhu cầu tiền gửi với những ngân hàng có mức lãi suất hấp dẫn nhất. Dưới sự hỗ trợ của Goldman Sách Group Inc và PayPal, công ty đã đầu tư 17,7 tỷ USD vào các loại hình tài sản khác nhau.

Frank Freund, nhà đồng sáng lập kiêm giám đốc tài chính của Raisin, không còn lạ lẫm gì với những quy định vốn đã tồn tại trong một khoảng thời gian rất dài. Mỗi khi công ty này muốn đảm bảo quyền mua cổ phiếu cho nhân viên, một công chứng viên phải ngồi đọc to một bản thỏa thuận “dài giằng giặc” trước mặt nhân viên đó và Freund trong suốt 90 phút. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Freund vẫn tin rằng công ty đã có những quyết định đúng đắn. “Một khi bạn tham gia trực tiếp vào quá trình hoạt động và phát triển trực tiếp của công ty, sẽ có một sự khác biệt rất lớn. Thật tốt nếu như có nhiều hơn những công ty đi theo mô hình này tại Đức”, anh chia sẻ.

Scott Chacon lại không quá quan tâm đến điều đó. Ông là một doanh nhân người Mỹ và là nhà đồng sáng lập của công ty phát triển phần mềm GitHub Inc. Ông hiện đang sống, làm việc tại Berlin và đang điều hành một công ty khởi nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ giáo dục ngôn ngữ trực tuyến có tên Chatterbug Inc.

Ông cho biết Chatterbug chọn San Francisco và Berline làm đại bản doanh để tận dụng sự đa dạng cuả dòng vốn đầu tư nước ngoài. Công ty từng cho phép nhân viên của mình được lựa chon giữa hình thức quyền mua cổ phiếu của Mỹ và cổ phiếu ảo của Đức. Nhưng việc đảm bảo sự công bằng giữa hai hình thức này là điều bất khả thi. Chatterbug hiện nay cung cấp cho những nhân viên mới một số lượng cổ phiếu nhất định và họ sẽ chỉ bị đánh thuế thu nhập khi tiến hành bán cổ phiếu.

Đứng cạnh Chacon, Anne Leuschner, Giám đốc vận hành của công ty cũng đưa ra ý kiến của riêng mình. Bà cho biết đó vẫn chưa phải là biện pháp tối ưu nhất. nhưng công ty vẫn sẽ áp dụng biện pháp đó tại thời điểm hiện tại. “Tôi ước rằng Đức có một hệ thống pháp luật giống như ở Mỹ. Dường như họ không muốn chúng tôi làm giàu tại Đức thì phải”, bà nói.

Theo Trọng Đại/NDH

There are no comments yet

Tin mới hơn ...