Sắp xếp đơn vị hành chính nhìn từ huyện Hoành Bồ và TP Hạ Long, Quảng Ninh
VNBTIMESSáng nay (25/10), Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sẽ được trình bày tại Quốc hội.
Trước đó, ngày 24/12/2018 Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 37/NQ-TW về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã. Mục tiêu tổng quát của Nghị quyết 37 là, sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã nhằm tổ chức hợp lý đơn vị hành chính các cấp phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển của đất nước.
Đồng thời, bảo đảm hoàn thiện thể chế về đơn vị hành chính, bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; góp phần phát huy mọi nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; bảo đảm quốc phòng, an ninh; giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội.
Bản đề án sáp nhập huyện Hoành Bồ và thành phố Hạ Long của tỉnh Quảng Ninh đã gây một tiếng vang lớn, minh chứng cho tính thuyết phục của Nghị quyết 37 Bộ Chính trị.
Phát huy tiềm năng lợi thế của hai địa phương
Trước hết, đây là hai địa phương có mối liên hệ gắn bó đặc biệt trên hầu hết phương diện, có nhiều điểm tương đồng, gắn kết khách quan với nhau từ lịch sử, văn hóa, địa giới, kết nối kinh tế – xã hội. Những điểm khác biệt của hai địa phương không những không tạo ra xung đột mà trái lại sẽ bổ khuyết, tương hỗ cho nhau, không chỉ một chiều mà là cả hai chiều nên rất thuận lợi khi sáp nhập tổng thể.
Theo Đề án, sẽ nhập toàn bộ 843,54km2 diện tích tự nhiên và dân số 51.003 người của huyện Hoành Bồ với toàn bộ 275,58km2 diện tích tự nhiên và dân số 249.264 người của TP Hạ Long. Tên gọi của đơn vị hành chính mới là TP Hạ Long với diện tích 1.119,36km2, quy mô dân số 300.267 người.
Đơn vị hành chính trực thuộc gồm 33 đơn vị cấp xã, bao gồm toàn bộ 20 phường thuộc TP Hạ Long, thị trấn Trới và 12 xã thuộc huyện Hoành Bồ.
Đối với thị trấn Trới sẽ chuyển đổi thành phường để đảm bảo theo quy định Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Hệ thống chính trị thống nhất theo mô hình chung, trên cơ sở sáp nhập các cơ quan cấp huyện có chức năng tương đương của 2 địa phương hiện tại, giữ nguyên tổ chức bộ máy cấp xã. Sau khi thực hiện sáp nhập, TP Hạ Long mới sẽ là đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh. Đây sẽ là đô thị trực thuộc tỉnh lớn nhất cả nước về diện tích tự nhiên và về số đơn vị hành chính.
Việc sáp nhập sẽ khai thác tốt nhất lợi thế tổng thể về đất đai rộng rãi, tài nguyên thiên nhiên đa dạng phong phú, thuận lợi cho quy hoạch đô thị bao quanh Vịnh Hạ Long – Vịnh Cửa Lục; có cơ hội và động lực quy hoạch lại trung tâm chính trị – hành chính của thành phố xứng tầm; là đòn bẩy cho phát triển bền vững, giảm áp lực quỹ đất phát triển cho Hạ Long vốn đã gần cạn kiệt; giảm áp lực dân số cục bộ.
Có điều kiện quản lý thống nhất về môi trường cảnh quan liên thông từ rừng, núi, sông, vịnh; có cơ sở để tiếp tục thúc đẩy quá trình đưa ra khỏi quy hoạch, chấm dứt hoạt động các nhà máy điện, xi măng, vôi gây ô nhiễm; nâng tầm nhìn theo hướng bền vững cho khu vực Hoành Bồ hiện nay, đảm bảo sử dụng có hiệu quả quỹ rừng nguyên sinh, rừng ngập mặn, các dự trữ khoáng sản, các quỹ đất có lợi thế.
Cùng với đó là việc kết nối, đa dạng hóa dịch vụ, nhất là du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch khám phá rừng – biển, giúp kéo dài thời gian lưu trú, tăng doanh thu, nâng cao chất lượng du lịch, dịch vụ; mở ra hướng liên thông đô thị – nông thôn, rút ngắn khoảng cách giàu nghèo, tạo chuyển biến về tư tưởng, nhận thức, ý thức vươn lên của bộ phận lớn đồng bào dân tộc còn thụ động, lạc hậu.
Đồng thuận cao từ trong Đảng ra đến toàn dân
Việc sắp xếp, sáp nhập TP Hạ Long và huyện Hoành Bồ sẽ được tỉnh Quảng Ninh triển khai thực hiện ngay trong năm 2019. Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Ký khẳng định, việc sáp nhập TP Hạ Long và huyện Hoành Bồ là một chủ trương lớn đã được tỉnh chỉ đạo, triển khai thực hiện một cách thận trọng, chắc chắn, trên cơ sở bám sát các hướng dẫn và quy định của Trung ương.
Việc sáp nhập này sẽ tạo cho đơn vị hành chính mới là TP Hạ Long có một không gian đủ lớn để phát triển không chỉ 20-30 năm mà còn trong tương lai xa, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với các ưu thế tiềm năng phát triển, đáp ứng yêu cầu về đất đai, dân số và các cơ sở hạ tầng.
Định hướng này hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Trung ương và định hướng phát triển đô thị, phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh trong giai đoạn hiện nay. Không chỉ bảo đảm tiêu chí diện tích, dân số của đô thị, mà quan trọng hơn là tạo được không gian cho sự phát triển xứng tầm của một đô thị du lịch biển đầu tiên của cả nước và là mũi nhọn, là cực tăng trưởng về kinh tế, tạo bước đột phá mới của tỉnh Quảng Ninh. Chắc chắn, đây sẽ là điều kiện thu hút các nhà đầu tư chiến lược với các dự án lớn.
Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Hoành Bồ Nguyễn Anh Tú thông tin: Theo nắm bắt của đội ngũ cán bộ huyện, xã, người dân trên địa bàn rất đồng tình, ủng hộ chủ trương này của tỉnh. Người dân ở tận những nơi vùng sâu, vùng xa, cách trung tâm huyện đến 50-60 cây số như ở Khe Phương, Khe Lương của Kỳ Thượng, các thôn xa của Đồng Sơn, Đồng Lâm đều đã nắm thông tin, hiểu rõ về chủ trương và hết sức đồng tình, ủng hộ, mong muốn chủ trương của tỉnh sớm được các cấp có thẩm quyền thông qua để các tiềm năng, lợi thế khác biệt vốn có của từng địa phương được khai thác tối đa, đời sống của nhân dân được nâng cao.
Được biết, tỉnh Quảng Ninh đã tiến hành khảo sát lấy ý kiến nhân dân, kết quả, 98,55% số cử tri đồng ý việc nhập đơn vị hành chính huyện Hoành bồ vào TP Hạ Long.
Bà Đoàn Thị Minh – thôn Vườn Rậm, xã Sơn Dương, huyện Hoành Bồ chia sẻ: “Hiện nay, thực tế các xã miền núi của huyện Hoành Bồ vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong việc huy động nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, điện, đường, trường, trạm. Bên cạnh đó, tư duy sản xuất của đa số người dân nhất là các xã vùng cao còn manh mún lạc hậu.
Theo tôi, khi sáp nhập Hoành Bồ vào Hạ Long, cần đẩy nhanh lộ trình xây dựng nông thôn mới gắn đô thị văn minh nhằm sớm đưa các xã về đích chương trình xây dựng nông thôn mới. Sau đó bắt tay tiếp vào xây dựng đô thị văn minh nhằm giúp các địa phương huyện Hoành Bồ đuổi kịp tốc độ phát triển kinh tế, xã hội các phường trung tâm của TP Hạ Long. Tỉnh, thành phố cần ưu tiên nguồn lực cho những xã khó khăn”.
Ông Nguyễn Văn Ba – Giám đốc Công ty 507 tin tưởng vào triển vọng phát triển lĩnh vực bất động sản của thành phố Hạ Long: “Sáp nhập Hoành Bồ với Hạ Long là việc làm rất phù hợp với quy hoạch cũng như tốc độ phát triển chóng mặt của Hạ Long. Đặc biêt, trong lĩnh vực bất động sản, Hạ Long đang “cạn kiệt” quỹ đất cho xây dựng. Trong khi Hoành Bồ lại có có quỹ đất thuộc vào loại lớn nhất tỉnh. Điều này khiến cho sức hút của Hạ Long sẽ càng lớn đối với những tập đoàn về bất động sản.
Ngoài ra, trong mục tiêu xây dựng trung tâm Hạ Long là khu du lịch tầm cỡ quốc tế thì việc bảo vệ môi trường, di dời các nhà máy đang đe dọa môi trường quanh vịnh là rất cần thiết. Với quỹ đất rộng của Hoành Bồ, các nhà lãnh đạo của tỉnh sẽ có thêm sự lựa chọn về việc xây mới, di dời các cụm công nghiệp, nhà máy… để bảo vệ cho di sản Hạ Long”.
Bên cạnh đó cũng có ý kiến băn khoăn của một số doanh nghiệp. Ông Nguyễn Quốc Kỳ – Chủ tịch hiệp hội doanh nghiệp Hoành Bồ cho rằng: “Việc sáp nhập vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức cho doanh nghiệp tại Hoành Bồ vì, 99% doanh nghiệp tại Hoành Bồ là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ. Trong khi Hạ Long là những Tập đoàn khổng lồ trong và ngoài nước. Việc sáp nhập cho chúng tôi cơ hội tiếp cận với những người khổng lồ đó, nhưng cũng mang lại một nỗi lo mà anh em doanh nghiệp vẫn nói với nhau, đó là sự cạnh tranh.
Với tầm vóc như doanh nghiệp nhỏ chúng tôi chắc chắn sẽ rất khó cạnh trạnh với những tập đoàn, doanh nghiệp lớn. Nói chung chúng tôi đang lo lắng rằng, từ “ao làng” giờ ra “biển lớn” liệu có bơi được không? Đây là những trăn trở rất mong lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo thành phố Hạ Long mới quan tâm, có chính sách phù hợp với các doanh nghiệp nhỏ như chúng tôi.
Ngoài ra, hiện Hạ Long không có Hiệp hội doanh nghiệp, như vậy việc sáp nhập này sẽ càng gây ra khó khăn cho doanh nghiệp chúng tôi, khi sân chơi, nơi anh em gửi gắm tăm tư, chia sẻ khó khăn, hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau sẽ không còn. Đây cũng là việc mà lãnh đạo tỉnh, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh cần sớm quan tâm. Nếu có thể thành lập hiệp hội trước ngày hội lớn, chúng tôi, những doanh nghiệp nhỏ tại Hoành Bồ sẽ cảm thấy yên tâm hơn trong quá trình hòa nhập vào “biển lớn”.
Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, sau khi sáp nhập với huyện Hoàng Bồ, thành phố Hạ Long mới sẽ có 33 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm toàn bộ 20 phường thuộc thành phố Hạ Long; thị trấn Trới và 12 xã thuộc huyện Hoành Bồ hiện tại. Riêng đối với thị trấn Trới, cùng với việc xem xét, sáp nhập hai địa phương thực hiện nâng cấp lên phường để đảm bảo theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương (thành phố thuộc tỉnh có phường, xã, không có thị trấn).
Hệ thống chính trị cấp huyện (thành phố Hạ Long) kiện toàn thống nhất theo mô hình chung, trên cơ sở sáp nhập các cơ quan cấp huyện có chức năng tương đương của 2 địa phương hiện tại. Như vậy giảm được 50% số lượng phòng ban so với trước.
Ở góc độ quản lý, ông Khổng Minh Thành, Thủ trưởng Cơ quan Tổ chức – Nội vụ huyện Hoành Bồ cho biết, sắp tới, việc sáp nhập Hoành Bồ vào Hạ Long không chỉ giúp TP Hạ Long mở rộng không gian phát triển đô thị, mà còn tạo cơ hội để các xã, thị trấn huyện Hoành Bồ bứt phá phát triển.
Tuy nhiên, giai đoạn đầu việc sáp nhập 2 địa phương với nhau chắc chắn bộ máy tổ chức cấp huyện sẽ có nhiều xáo trộn. Ngoài ra quy mô dân số, diện tích, đơn vị hành chính thành phố sẽ tăng lên, kéo theo công tác quản lý địa bàn sẽ khó khăn hơn trước.
Quan điểm của tỉnh về Đề án Nhập địa giới hành chính Hoành Bồ vào Hạ Long xác định sẽ sắp xếp, bố trí vị trí việc làm đúng với công việc chuyên môn, thực hiện công tâm, đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch, không có việc chạy chức chạy quyền. Trước mắt, sau khi sáp nhập nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính của người dân sẽ rất nhiều cần bố trí cán bộ, hướng dẫn người dân nhiệt tình giải quyết nhanh gọn mọi thủ tục hành chính. Về lâu dài tiếp tục đào tạo bồi dưỡng cán bộ, đồng thời sàng lọc đội ngũ cán bộ đủ năng lực, trách nhiệm, hoạt động hiệu quả đáp ứng yêu cầu công việc chung.
Còn ông Lê Hùng Thắng – Phó Chủ nhiệm chính trị, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh khẳng định: Việc sáp nhập Hoành Bồ vào Hạ Long là chủ trương rất lớn, một công việc hệ trọng mang tính lịch sử không chỉ với hai địa phương mà với tỉnh Quảng Ninh.
Bởi khi sáp nhập 2 địa phương tạo ra những lợi ích thiết thực, to lớn, hình thành một đô thị thuộc tỉnh lớn nhất cả nước, sẽ trở thành hạt nhân thúc đẩy tỉnh Quảng Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong tương lai gần.
Đây là đòn bẩy cho phát triển nhanh và bền vững, giảm áp lực quỹ đất phát triển của thành phố Hạ Long để bảo vệ cảnh quan vùng Di sản; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các tài nguyên đất, rừng, khoáng sản.
Đồng thời kết nối đa dạng hóa dịch vụ rừng, biển, khai thác thế mạnh văn hóa, cảnh quan vùng cao tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt, thúc đẩy mạnh mẽ du lịch, giải quyết bền vững an sinh xã hội, rút ngắn khoảng cách giàu nghèo, tạo chuyển biến trong đồng bào dân tộc. Đặc biệt việc sáp nhập Hoành Bồ vào Hạ Long còn tăng cường mạnh mẽ quản lý nhà nước trên các lĩnh vực; nâng cao tiềm lực quốc phòng – an ninh tại địa phương ngày càng ổn định và vững mạnh.
Theo Vũ Đức Tâm – Lê Cường/ DDDN
Tin mới hơn ...
- Đồng Nai quyết gỡ vướng Khu đô thị phía Tây cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu 21/08/2024
- Thêm cung đoạn Nam Định 1 – Phố Nối đóng điện thành công 20/08/2024
- Đường dây 500kV mạch 3 đoạn Quỳnh Lưu – Thanh Hóa vừa được đóng điện 19/08/2024
- Bình Dương lấy nông nghiệp công nghệ cao làm chiến lược hút vốn đầu tư 13/08/2024
- Đèo Lương Sơn thách thức runner VM Nha Trang thế nào? 06/08/2024
There are no comments yet