Sáng nay Quốc hội thảo luận về kinh tế xã hội



VNBTIMESTìm động lực để tăng hơn nữa chất lượng tăng trưởng, giải pháp để Việt Nam không kẹt ở thế giữa trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung... sẽ được các đại biểu góp ý, thảo luận.

Hôm nay Quốc hội bước vào 2 ngày thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế xã hội, ngân sách năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020.

Theo báo cáo của Chính phủ, tất cả 12 chỉ tiêu kinh tế xã hội Quốc hội giao đều đạt và vượt kế hoạch, trong đó 5 chỉ tiêu vượt và 7 chỉ tiêu đạt mục tiêu.

Quy mô nền kinh tế 2019 ước khoảng 266,5 tỷ USD, bình quân đầu người đạt 2.786 USD, tăng 196 USD so với 2018. GDP năm 2019 dự tính đạt hơn 6,8%, lạm phát dưới 3%, dù kinh tế thế giới nhiều biến động, chủ nghĩa bảo hộ lên ngôi và chiến tranh thương mại Mỹ – Trung vẫn diễn biến khó lường.

Tốc độ tăng năng suất lao động đạt khá (gần 5,9%), giúp duy trì mức tăng năng suất lao động toàn xã hội bình quân giai đoạn 2016-2019 đạt 5,8% một năm, vượt mục tiêu kế hoạch 5 năm (5,5%/năm). Đặc biệt, tăng trưởng đã giảm dần sự phụ thuộc vào khai khoáng, tăng trưởng tín dụng.

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá 14. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Tình trạng “vàng hóa”, “đôla hóa” giảm đáng kể, niềm tin vào đồng tiền Việt Nam tăng lên, hệ số tín nhiệm quốc gia được cải thiện. Mức dự trữ ngoại hối của Việt Nam khoảng 70 tỷ USD.

Thẩm tra báo cáo này, Uỷ ban Kinh tế lưu ý, Chính phủ cần phân tích rõ động lực, chất lượng tăng trưởng và đánh giá đầy đủ tác động của khoa học, công nghệ với tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, cán cân thương mại giữ nhịp tăng trưởng cao, với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu 9 tháng gần 382 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ, song Uỷ ban Kinh tế đánh giá chưa bền vững. Lý do, nhập siêu khu vực doanh nghiệp trong nước còn lớn, gần 19,3 tỷ USD, trong khi xuất khẩu phụ thuộc lớn vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với tỷ trọng gần 69,4%.

Trước lo ngại diễn biến thương chiến Mỹ – Trung, Uỷ ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ phân tích rõ các yếu tố tác động khiến xuất khẩu hàng hoá Việt Nam sang Mỹ tăng đột biến, và ở chiều ngược lại, nhập siêu từ Trung Quốc tăng.

Một lo lắng khác cũng được cơ quan thẩm tra của Quốc hội nêu, là số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng, đạt hơn 102.300 doanh nghiệp đến hết tháng 9/2019, nhưng số lượng phá sản cũng tăng rất nhanh, hơn 54.420 doanh nghiệp giải thể, phá sản. Vì thế, Uỷ ban Kinh tế trong quá trình thẩm tra cũng đề nghị Chính phủ phân tích rõ để có cái nhìn tổng quát hơn về thực trạng doanh nghiệp.

Phiên thảo luận sẽ phát thanh, truyền hình trực tiếp.

Theo Anh Minh/ Vnexpress

There are no comments yet

Tin mới hơn ...