Quảng Ninh: Nhập nhèm khi thu hồi đất của dân giao cho tư nhân?



VNBTIMESThu hồi đất của người dân đang sản xuất để giao cho tư nhân thực hiện dự án khu du lịch nghỉ dưỡng và bồi thường với giá rẻ mạt; không công khai về tính chất pháp lý của dự án cũng như phương thức giao đất cho chủ đầu tư... Những việc làm có dấu hiệu khuất tất của chính quyền huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh đang gây bức xúc trong dư luận cũng như có nguy cơ đẩy người dân vào cảnh không tấc đất canh tác.

Ông Nguyễn Văn Chè chỉ cho phóng viên khu vực đất do gia đình đang canh tác, sử dụng hợp pháp bị huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh thu hồi để giao cho tư nhân thực hiện dự án du lịch

Nhân danh Nhà nước thu hồi đất sản xuất của dân giao cho tư nhân?

Là một trong những hộ dân có diện tích đất bị thu hồi, ông Nguyễn Văn Chè (xã Hạ Long, huyện Vân Đồn) vô cùng bức xúc trước cách giải quyết có nhiều khuất tất của chính quyền địa phương. Ông  cho biết, bản thân và gia đình luôn chấp hành pháp luật của Nhà nước cũng như luôn tạo điều kiện cho các cơ quan chức năng trong thực thi nhiệm vụ. Thế nhưng, trong vụ việc thu hồi đất có liên quan đến gia đình ông để thực hiện dự án Khu tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbor City (Sonasea Vân Đồn) tại xã Hạ Long, chính quyền địa phương thiếu minh bạch trong quá trình thu hồi đất, lập phương án bồi thường cho gia đình anh.

Cụ thể, trong đơn thư phản ánh đến báo chí, ông Chè cho biết, năm 1989-1990 bố ông là ông Nguyễn Văn Gộp (đã mất) có đơn xin khai hoang mảnh đất giáp biển bị bỏ hoang để cải tạo trồng cấy và được UBND xã Hạ Long đồng ý, xác nhận ngày 6/1/1990. Diện tích đất này nay thuộc thôn 1, xã Hạ Long, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh.

Năm 2002, Công ty TNHH Công nghệ Việt Mỹ (Việt Mỹ) chủ trương thực hiện Dự án Khu du lịch sinh thái Bái Tử Long có phần diện tích đất của gia đình anh Chè. UBND huyện Vân Đồn ra Quyết định số 759/QĐ-UBND ngày 17/12/2002 phê duyệt phương án đền bù GPMB dự án Khu du lịch sinh thái Bái Tử Long – xã Hạ Long, huyện Vân Đồn. Tuy nhiên, do việc thu hồi đất của địa phương thiếu minh bạch, cũng như phương án bồi thường không phù hợp nên gia đình anh Chè cùng nhiều gia đình trong khu vực đã không đồng ý giao đất; dự án sau đó không được triển khai.

Tháng 8/2015, Việt Mỹ chuyển nhượng trái quy định dự án này cho Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Bảo Nguyên (Bảo Nguyên). Sau đó, Bảo Nguyên lại chuyển nhượng dự án trái quy định cho Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển du lịch Vân Đồn (Công ty Vân Đồn). Công ty Vân Đồn sau đó xin mở rộng dự án, thay đổi mục tiêu của dự án đầu tư, thay cơ cấu sử dụng đất dự án và đổi tên thành Sonasea Vân Đồn.

Tiếp đó, từ cuối năm 2019, UBND huyện Vân Đồn liên tục ban hành các quyết định thu hồi đất để giao cho chủ đầu tư thực hiện dự án Sonasea Vân Đồn, trong đó có diện tích đất của gia đình ông Chè. Cụ thể, theo Quyết định số 4965/QĐ-UBND ngày 16/12/2019 của UBND huyện Vân Đồn, 8.551 m2 đất của gia đình ông Nguyễn Văn Gộp sẽ bị thu hồi. Tuy nhiên, điều mà anh Chè cũng như một số hộ dân trong diện bị thu hồi đất thực hiện dự án Sonasea Vân Đồn băn khoăn, đó là dự án do tư nhân thực hiện, nhưng tại sao Nhà nước lại đứng ra thu hồi? Các yêu cầu làm rõ về tính pháp lý của dự án, thẩm quyền thu hồi đất cũng như cách thức giao đất cho chủ đầu tư… của gia đình đều không các cơ quan chức năng trả lời thỏa đáng, hoặc bị từ chối trả lời.

Quyết định số 4965/QĐ-UBND ngày 16/12/2019 của UBND huyện Vân Đồn, thu hồi toàn bộ diện tích đất của gia đình ông Chè

“Dự án thuộc diện Nhà nước thu hồi hay không phải nói rõ cho chúng tôi biết, đằng này cứ lập lờ, rất khó hiểu” – ông Chè nói và bức xúc, khi trong quá trình thu hồi đất, gia đình ông Chè thường xuyên bị các đối tượng lạ mặt tìm đến gây sức ép, thậm chí là đe dọa hành hung, đập phá tài sản, buộc gia đình phải giao đất?

Chưa giải thích thỏa đáng đã dùng cưỡng chế để ép dân giao đất

Trên cơ sở phân tích các văn bản được ban hành liên quan đến thu hồi đất, thực hiện dự án, nhiều chuyên gia pháp luật tham gia tư vấn cho gia đình anh Chè cho rằng, nếu đây là dự án thuộc diện Nhà nước thu hồi đất thì quá trình thực hiện thu hồi đất đang ẩn chứa nhiều uẩn khúc. Từ các quyết định về việc thu hồi đất, phê duyệt phương án bồi thường đến mức giá bồi thường đều áp dụng sai các quy định của pháp luật và việc thẩm tra, thẩm định thiếu chính xác. Cụ thể, theo anh Chè, toàn bộ diện tích 2.640,7 m2 bị thu hồi theo Quyết định số 4964/QĐ-UBND ngày 16/12/2019 của UBND huyện Vân Đồn thuộc đất đấu thầu là không đúng thực tế, vì toàn bộ diện tích đất này là do gia đình khai hoang mà có. Vì vậy, huyện Vân Đồn cho rằng đây là đất do UBND xã Hạ Long quản lý và không lập phương án bồi thường cho gia đình anh là không đúng quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, UBND huyện Vân Đồn lập phương án đền bù cho gia đình ông Nguyễn Văn Gộp mà không lập phương án đền bù cho gia đình ông Chè, với lý do hàng thừa kế thứ nhất chưa phân chia tài sản thừa kế (ông Gộp trước khi mất không để lại di chúc) là không đúng pháp luật. Bởi lẽ, ông Gộp đã có văn bản cho tặng toàn bộ đất và tài sản trên đất cho vợ chồng ông Chè (Hợp đồng tặng cho ký ngày 25/7/2011, được chính quyền địa phương xác nhận ngày 26/7/2011). “Người sử dụng đất và sở hữu tài sản trên đất là vợ chồng tôi, chứ không liên quan đến hàng thừa kế thứ nhất của bố tôi” – anh Chè nhấn mạnh.

Cũng theo ông Chè, trong khi gia đình ông chưa nhận bất cứ số tiền nào trong toàn bộ số tiền 40.997.000 đồng theo Quyết định số 759/QĐ-UB ngày 17/12/2002 của UBND huyện Vân Đồn, nhưng tại Quyết định số 4966/QĐ-UBND ngày 16/12/2019 của UBND huyện lại xác định gia đình anh đã nhận số tiền này là không đúng sự thật. Đối với diện tích 660 m2 đất nông nghiệp của gia đình anh, nhưng UBND huyện Vân Đồn lập phương án bồi thường cho UBND xã Hạ Long là không đúng. Bởi, phần đất này do gia đình anh khai hoang và hiện đang sử dụng. “Hai bố con tôi  đã khai hoang, quản lý và sản xuất ổn định trên các phần đất bị thu hồi nêu trên từ năm 1989; vợ chồng tôi đã và đang sinh sống, sản xuất ổn định trên phần đất có nhà và các công trình trên đất (trước năm 2003). Vì vậy tôi đủ điều kiện để xét tái định cư theo quy định, nhưng huyện lại lờ đi” – ông Chè cho biết.

Nhận thấy việc thực hiện thu hồi đất để thực hiện dự án Sonasea Vân Đồn có nhiều điểm khuất tất, thiếu cơ sở pháp lý theo quy định của pháp luật đất đai, đầu tư, xây dựng…, anh Chè đã nhiều lần gửi đơn thư kiến nghị, khiếu nại đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền để giải quyết..

Để làm rõ sự việc, mới đây, phóng viên đã liên hệ đến UBND huyện Vân Đồn. Khi đề cập đến tính pháp lý của dự án Sonasea Vân Đồn, cũng như việc thu hồi đất của người dân, giao đất cho chủ đầu tư theo hình thức nào, quy trình có minh bạch hay không thì đại diện lãnh đạo UBND huyện từ chối trả lời thẳng vào vấn đề. Đặc biệt, việc chuyển nhượng trái phép dự án của các chủ đầu tư không được huyện đề cập…  Thay vào đó, huyện đã cung cấp một số văn bản và cho rằng, tất cả quy trình thu hồi đất, bàn giao đất để thực hiện dự án trên đều được thể hiện rõ trong này.

Trong khi nhiều khúc mắc liên quan đến tính pháp lý của dự án, thẩm quyền thu hồi đất cũng như phương án bồi thường cho gia đình anh Chè chưa được giải đáp thỏa đáng, thì mới đây, UBND huyện Vân Đồn đã ban hành quyết định cưỡng chế toàn bộ diện tích 8.551 m2 đất của gia đình do Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn Nguyễn Đức Minh ký. Dự kiến, thời gian cưỡng chế là ngày 22/5 tới.

Tạp chí Tòa án sẽ tiếp tục theo dõi, phản ánh vụ việc.

Theo Bình Minh/ Tạp chí Tòa án

There are no comments yet

Tin mới hơn ...