Quản lý xe công nghệ: Bộ Giao thông vận tải vẫn lúng túng như ‘gà mắc tóc’?



VNBTIMESViệc nghị định quản lý xe công nghệ chưa thể được ban hành có thể dẫn đến nhiều hệ lụy: ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường và cạnh tranh không lành mạnh….Vậy đâu là lý do chính khiến cơ quan quản lý nhà nước vẫn còn đang lúng túng?

Xe công nghệ vẫn là loại hình taxi

Lúng túng trong việc quản lý xe công nghệ

Trao đổi với Nhadautu.vn, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho biết, việc chậm ban hành nghị định liên quan đến việc quản lý xe công nghệ sẽ dẫn đến ùn tắc giao thông cục bộ, gây ô nhiễm môi trường, cạnh tranh không lành mạnh và làm mất quyền kinh doanh của các doanh nghiệp cùng ngành nghề.

Theo ông Hùng, hệ lụy đến từ việc các nhà đầu tư mua sắm nhiều phương tiện là nguồn lực tài chính bị ảnh hưởng. “Nếu doanh nghiệp không đủ khả năng trả nợ dẫn đến sức khỏe tài chính chung của nền kinh tế cũng bị ảnh hưởng”, ông Hùng nói.

Bình luận vấn đề này với Nhadautu.vn, ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam cho rằng, nghị định này là để thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP, tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa thể ban hành, vì sửa đổi đã 11 lần, trình lên trình xuống mà vẫn thiếu sự thống nhất giữa các bên liên quan.

“Hiện Bộ Giao thông vận tải vẫn cứ lúng túng, vấn đề này càng để lâu thì càng phức tạp thêm. Cơ quan soạn thảo nghị định đang chịu quá nhiều áp lực như từ taxi truyền thống, taxi công nghệ và cả các bộ, ngành liên quan. Mỗi đơn vị có một ý kiến khác nhau, thiếu sự thống nhất nên mới như vậy”, ông Thanh nói.

Theo ông Thanh cần phải có một cuộc họp thống nhất giải quyết triển để chuyện này, chứ không thể cứ nâng lên đặt xuống, liên tục sửa đổi như vậy sẽ không thông qua được nghị định, càng để lâu bao nhiêu thì càng nhiều hệ lụy bấy nhiêu.

Ông Thanh cho biết, cuộc tranh cãi cho đến nay vẫn chưa ngã ngũ, trong khi phía taxi công nghệ cho rằng, đây là loại hình không phải taxi.

Tuy nhiên, ông Thanh khẳng định xe công nghệ chính là loại hình taxi, vì trong kinh doanh xe hợp đồng hiện tại vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, tuy nhiên, nó vẫn chung một loại hình.

Ông phân tích, nếu cứ gọi là taxi công nghệ thì điều kiện kinh doanh vẫn phải áp dụng như taxi, chứ không thể thả lỏng như hiện nay, xe công nghệ bắt buộc cũng phải như taxi truyền thống, phải có màu sơn, có hộp đèn… Nếu áp dụng như các qui định hiện nay thì phải xóa các điều kiện kinh doanh đang áp dụng với xe truyền thống.

Ông Nguyễn Văn Thanh – nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam

Ngoài ra, ông Thanh cho biết thêm, taxi truyền thống bắt buộc phải kiểm định 6 tháng/lần, trong khi đó xe công nghệ thì được thả lỏng không có quy định, vấn đề này dẫn đến việc các hãng taxi có chi phí lớn hơn các xe công nghệ, và còn phải lo các vấn đề an sinh xã hội như đóng bảo hiểm cho lao động… Ngược lại, xe công nghệ để mặc người lao động tự lo.

Ông Thanh còn cho rằng, định dạng của loại hình xe công nghệ như hiện tại là chưa được, phải có nhận diện bằng công nghệ, chứ không thể nhận diện trực quan, cần phải định dạng như thế nào? Không thể để xe công nghệ hoạt động như xe cá nhân được!

Cũng theo ông Thanh, vấn đề này khiến cơ quan soạn thảo nghị định đang lúng túng. Tại một số thành phố, ví dụ như New York ( Mỹ) đã có quy định xe taxi công nghệ phải là biển màu vàng để tạo ra sự bình đẳng trong kinh doanh. Do vậy, chúng ta cũng nên phải có quy định tương tự.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế, PGS. TS. Ngô Trí Long cho hay, ông đã theo dõi quá trình xây dựng dự thảo nghị định này từ rất lâu, cũng đã trực tiếp tham dự nhiều hội thảo góp ý và gửi ý kiến chính thức đến cơ quan soạn thảo. Đến nay, đã qua 11 lần trình dự thảo lên chính phủ, chưa kể vô số những dự thảo không chính thức khác mà các quy định quản lý vẫn bị rối.

Theo ông Long, dù các đơn vị, chuyên gia ra sức góp ý, đề xuất các nội dung quản lý cho phù hợp với tình hình mới, thì ban soạn thảo vẫn kiên trì gọi các ứng dụng kết nối hiện nay là kinh doanh vận tải với lý do là “đảm bảo môi trường cạnh tranh công bằng”.

Chỉ đến khi có ý kiến của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), ban soạn thảo mới tiếp thu bằng cách đưa nguyên đề xuất của Bộ TT&TT vào, nhưng lại không hề thay đổi các nội dung cũ.

Theo ông Long, việc xây dựng các quy định trong dự thảo cho thấy cách tiếp cận chính sách giống như việc “quay lưng” lại với thời đại. Cụ thể, trong hầu hết các tờ trình và giải thích của ban soạn thảo, thường có lời khẳng định “khuyến khích”, “yêu cầu” tất cả các đơn vị vận tải phải ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động kinh doanh, nhưng vẫn phải có thêm quy định hộp đèn gắn cố định trên nóc xe.

Liên quan đến vấn đề này, TS. Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông vận tải nói: “Việc gắn mào, đổi phù hiệu cho xe Grab là việc nên làm, vì sẽ đảm bảo hài hòa được lợi ích giữa các doanh nghiệp kinh doanh vận tải. Đồng thời, sẽ giúp cơ quan quản lý dễ nhận diện, phân biệt được các phương tiện tham gia hoạt động kinh doanh vận tải để quản lý tốt hơn”.

Theo TS. Nguyễn Xuân Thủy, lẽ ra việc gắn mào, đổi phù hiệu xe hợp đồng như xe taxi truyền thống cần phải triển khai từ sớm.

11 lần trình dự thảo thay thế Nghị định 86

Dự thảo lần 11 của dự thảo nghị định thay thế Nghị định 86 về kinh doanh vận tải bằng ôtô đã được Bộ GTVT bỏ quy định: Xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ phải có hộp đèn với dòng chữ ‘xe hợp đồng’ gắn cố định trên nóc xe.

Trước đó, trong văn bản ký gửi Thủ tướng góp ý dự thảo nghị định quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng ôtô dưới 9 chỗ (nghị định 86 mới), Bộ trưởng Bộ TT&TT có nêu việc yêu cầu gắn biển điện tử với xe hợp đồng dưới 9 chỗ trong Nghị định 86 sẽ làm giảm sự sẵn sàng tham gia của các đơn vị vận tải, đưa thị trường kinh doanh taxi trở lại thời điểm trước khi xuất hiện loại hình kinh doanh sử dụng công nghệ.

Dù bỏ được qui định có hộp đèn trên nóc xe, nhưng dự thảo nghị định lại yêu cầu xe hợp đồng điện tử như trên (loại hình Grab Car, Be, Fast Go…) phải dán cố định cụm từ “xe hợp đồng” trên kính phía trước và kính phía sau xe.

Dự thảo lần thứ 11 của nghị định mới đang được Bộ GTVT hoàn thiện trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại thông báo ngày 2/8 của Văn phòng Chính phủ.

Theo đo, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT nghiên cứu, tiếp thu ý kiến thành viên chính phủ theo hướng bỏ quy định bắt buộc gắn cố định hộp đèn trên nóc xe đối với ôtô chở khách dưới 9 chỗ ngồi (bao gồm xe hợp đồng, xe du lịch).

Trong dự thảo mới nhất, Bộ GTVT bỏ quy định: “Chỉ các doanh nghiệp, hợp tác xã đã được cấp giấy phép kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, du lịch mới được sử dụng ôtô có sức chứa dưới 9 chỗ để kinh doanh vận tải khách sử dụng hợp đồng điện tử”.

Nhưng bộ này cũng lưu ý: Trong thực tế hiện nay, ôtô có sức chứa dưới 9 chỗ (kể cả người lái xe) để kinh doanh vận tải khách sử dụng hợp đồng điện tử có hình thức hoạt động tương đồng với taxi.

Do đó về lâu dài cần có quy định tương tự nhau để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh và công bằng giữa ôtô có sức chứa dưới 9 chỗ kinh doanh vận tải khách sử dụng hợp đồng điện tử so với xe taxi truyền thống.

Theo Nhân Hà/Nhadautu

There are no comments yet

Tin mới hơn ...