Ông Trần Đình Long: Thép là lĩnh vực cốt lõi



VNBTIMESĐịnh hướng của Hòa Phát là trở thành tập đoàn sản xuất công nghiệp hàng đầu Việt Nam với thép là lĩnh vực cốt lõi.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hòa Phát (HPG) Trần Đình Long đã nhấn mạnh như vậy trong buổi gặp mặt nhà đầu tư mới đây. Theo ông Long, chưa khi nào ngành thép thế giới và Việt Nam gặp khó khăn như vừa qua. Giá quặng sắt vượt 120 USD/tấn, gần gấp đôi cùng kỳ năm trước.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hòa Phát (HPG) Trần Đình Long.

Tuy nhiên, trong điều kiện như vậy, kết quả của Hòa Phát khá tốt và đạt kế hoạch đề ra. “Chiếm lĩnh và củng cố thị phần số 1 trong lĩnh vực thép luôn được Hòa Phát ưu tiên trước, lợi nhuận sẽ là hệ quả tất yếu”, ông Trần Đình Long nói.

Ưu tiên số 1: Chiếm lĩnh thị phần

Đánh giá về thị trường thép những tháng cuối năm, ông Long cho rằng, tình hình giá quặng vẫn tiếp tục cao như hiện tại và thị trường xây dựng chưa khởi sắc là thách thức với hoạt động của doanh nghiệp. Nhưng Chủ tịch Hòa Phát cam kết “sẽ làm tốt nhất trong khả năng của mình”. Tổng sản lượng tiêu thụ thép cả năm 2019 sẽ khoảng 2,8 – 3 triệu tấn. “Nếu không có biến động lớn, Hòa Phát tự tin sẽ hoàn thành và vượt kế hoạch lợi nhuận năm 2019, nhưng không nhiều”, ông Long chia sẻ.

Nhìn rõ khó khăn và vạch ra những kế hoạch sản xuất, kinh doanh kỹ lưỡng, hiệu quả là cách người đứng đầu Hòa Phát đang chèo lái con thuyền lớn của ngành thép Việt Nam. Bằng chứng là tháng 8/2019, Hòa Phát lọt top 5 công ty niêm yết dẫn đầu về lợi nhuận của Forbes. Theo đánh giá của Forbes, năm 2018, Hòa Phát tập trung các nguồn lực để đầu tư xây dựng tổ hợp sản xuất thép Hòa Phát Dung Quất.

Trong bối cảnh ngành thép không thuận lợi, nhiều công ty cùng ngành suy giảm mạnh hiệu quả hoạt động, doanh thu của công ty thép số 1 Việt Nam tăng thêm gần 10.000 tỷ đồng. Mỗi ngày Hòa Phát thu về 153 tỷ đồng doanh thu, tạo ra 23,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Trên sàn chứng khoán, lợi nhuận của Hòa Phát xếp thứ 5 sau Vietcombank, Vinhomes, PV GAS và Vinamilk. Xét riêng nhóm các công ty tư nhân niêm yết, lợi nhuận của Hòa Phát đứng thứ hai, chỉ sau Vinhomes.

Theo dự tính của “vua thép” Trần Đình Long, đến cuối năm 2019, HPG sẽ có chuỗi giá trị toàn diện với lợi thế kinh tế theo quy mô lớn nhất ở sản phẩm thép xây dựng và ống thép sau khi nâng cấp lò cao số 2 và đưa khu liên hợp Dung Quất đi vào hoạt động, công suất thép xây dựng sẽ tăng lên 4.360.000 tấn/năm, tăng trưởng 47,3%.

Bên cạnh công suất ống thép là 800.000 tấn/năm, tôn mạ là 400.000 tấn/năm và HRC là 2 triệu tấn/năm. Với dự án Khu liên hợp Dung Quất, HPG được hưởng lợi về thuế suất rất nhiều với mức thuế suất 0% trong 4 năm đầu kể từ năm 2019, 5% trong 9 năm tiếp theo và 10% trong 2 năm cuối.

“Quả đấm thép” Dung Quất

Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất là “đại dự án” quan trọng, “hút” hàng chục nghìn tỉ đồng vốn đầu tư của Tập đoàn Hòa Phát trong hai năm qua và được kì vọng sẽ giúp công ty của Chủ tịch Trần Đình Long củng cố vị thế dẫn đầu ngành thép Việt Nam cũng như vươn ra thế giới.

Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất được bắt đầu xây dựng vào tháng 2/2017, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2019 với tổng vốn đầu tư 52.000 tỷ đồng. Nhà máy thép có công suất 4 triệu tấn/năm, sau khi hoàn thành sẽ nâng tổng công suất của Hòa Phát lên 6 triệu tấn/năm qua đó đưa doanh nghiệp của Chủ tịch Trần Đình Long vào nhóm 50 nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới.

Tại đại hội cổ đông tổ chức ngày 29/3 vừa qua, ông Trần Đình Long cho biết tổng mức đầu tư cho đại dự án Dung Quất đã được điều chỉnh lên 65.000 tỷ đồng, tăng khoảng 13.000 tỷ đồng so với dự kiến ban đầu. Đến nay, Hòa Phát đã giải ngân khoảng 35.000 tỷ đồng. Suất đầu tư của dự án Dung Quất được ông Trần Đình Long đánh giá là “thấp như trong mơ”, ngay cả các doanh nghiệp cùng ngành thép khác cũng cảm thấy khó tin.

Để đầu tư cho Dung Quất, Hòa Phát đã vay khoảng 20.000 tỷ đồng với lãi suất được vị Chủ tịch cho là rất thấp, thấp hơn nhiều so với các doanh nghiệp bất động sản hiện nay. Hòa Phát kỳ vọng, dự án Dung Quất sau khi hoàn thành và hoạt động hết công suất sẽ nâng doanh thu toàn tập đoàn năm 2020 gần ngưỡng 100.000 tỷ đồng, lợi nhuận tiến tới 20.000 tỷ đồng.

Tuy đang trong giai đoạn đầu tư xây dựng cơ bản với việc chi hàng chục nghìn tỷ đồng cho dự án Dung Quất, nhưng năm 2018 Hòa Phát vẫn có lãi ròng tới 8.600 tỷ đồng, ông Trần Đình Long đánh giá đây là thành tựu đáng mừng của Hòa Phát mà ít doanh nghiệp nào đạt được.

“Tổng tài sản của Hòa Phát hiện tại là hơn 90.000 tỷ đồng, phấn đấu doanh thu từ năm 2020 sẽ đạt trên 100.000 tỷ đồng, lợi nhuận mỗi năm dao động từ 6.000 – 10.000 tỷ đồng, đóng góp cho ngân sách nhà nước từ 8.000 – 10.000 tỷ đồng/năm. Hòa Phát đang liên hệ với một số tổ chức tư vấn chiến lược trên thế giới như Mc Kensey để đặt hàng làm tư vấn chiến lược cho Tập đoàn”, ông Long cho biết.

Theo Nguyễn Việt/DDDN

There are no comments yet

Tin mới hơn ...