Nước sạch cho người dân Thủ đô, vì sao nhiều nơi vẫn khát?



VNBTIMESDù có nhiều nỗ lực, cố gắng, nhưng hiện vẫn còn nhiều dự án phát triển nguồn và mạng nước sạch chậm tiến độ theo kế hoạch đã phê duyệt, ảnh hưởng đến mục tiêu cung ứng nước sạch cho nhân dân Thủ đô.

Hà Nội vẫn xảy ra tình trạng thiếu nước sạch, đặc biệt trong mùa nóng

Thường trực HĐND thành phố Hà Nội vừa tổ chức phiên giải trình về việc cung cấp nước sạch cho nhân dân trên địa bàn. Theo báo cáo của các sở, địa phương và kết quả giám sát, khảo sát của HĐND thành phố, còn nhiều dự án phát triển mạng, nguồn chậm tiến độ hoặc khả năng sẽ chậm tiến độ theo kế hoạch đã phê duyệt.

Cụ thể, vẫn còn khoảng 160/420 xã, thị trấn chưa có mạng cấp nước. Cùng với đó, tuy khu vực đô thị cơ bản 100% được sử dụng nước sạch, song có lúc, có nơi vẫn xảy ra tình trạng thiếu nước cục bộ do sự cố, nhất là vào thời điểm sử dụng nước cao điểm trong dịp hè như ở một số khu vực của quận Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai, Hà Đông… hoặc chất lượng nước còn chưa được đảm bảo tiêu chuẩn.

Tại phiên giải trình, nhiều đại biểu tập trung nêu hiện trạng có tới hơn một nửa các dự án cấp nguồn nước chậm tiến độ, thậm chí có dự án chưa triển khai. Một số dự án dang dở, xuống cấp dù chưa hoàn thành… Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục cho biết, trong hơn 1 năm qua, thành phố đã cho triển khai 11 dự án. Hiện đã đưa nước đến các huyện Thường Tín, Thanh Oai, Hà Đông, Ứng Hòa…

Ông Dục cho biết, Cty Cổ phần nước mặt sông Hồng cam kết sẽ đẩy nhanh tiến độ, từ nay đến hết quý III/2019, nếu Cty này không thực hiện thì thành phố sẽ xem xét để thay thế. Ông Dục cũng giải thích thêm, việc chậm triển khai các dự án là do vướng công tác giải phóng mặt bằng, khả năng của nhà đầu tư. Thành phố đã đưa ra một số giải pháp cụ thể để đẩy nhanh tiến độ của 11 dự án này. Qua đánh giá, tính khả thi của các Quy hoạch cấp nước rất cao, song khó nhất vẫn là ở huyện Chương Mỹ, 3 xã ở huyện Sóc Sơn, Thạch Thất do dân cư thưa thớt, địa hình khó…

Trong khi đó, nhiều đại biểu nêu thực tế, sau khi Nhà máy nước mặt Sông Đuống khánh thành giai đoạn 2, nâng tổng công suất của nhà máy lên đến hơn 300.000m3/ngày đêm, tuy nhiên, tổng khối lượng bán nước mới chỉ đạt 135.000m3/ngày đêm; vẫn còn dư khoảng 175.000m3. Ông Dục cho biết, đang đẩy nhanh việc kết nối hệ thống đường ống, dẫn nước sông Đuống về Thanh Oai, Hà Đông, Thường Tín, Thanh Trì, Ứng Hòa… để tăng nguồn cung cấp nước sạch cho người dân.

Giải trình thêm về việc tại sao nước sạch đến nơi rồi mà có chỗ người dân chưa dùng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng, nguyên nhân là thói quen người dân chỉ dùng nước sạch để ăn uống, còn lại dùng nước ngầm trong sinh hoạt để đỡ tốn kém. Theo ông Chung, việc sử dụng nước như vậy là chưa khoa học, lâu dài sẽ ảnh hưởng sức khỏe của người dân.

Ông Chung cũng nhấn mạnh, Hà Nội sẽ rà soát toàn bộ giếng khoan ô nhiễm, đóng sớm hơn lộ trình với các giếng khoan nhiễm thạch tín, asen: Với 300.000 giếng khoan ở khu vực ở nông thôn, thành phố sẽ đề xuất cơ chế hỗ trợ người dân đóng lại các giếng này, không để thẩm thấu ô nhiễm tới mạch nước ngầm; xây dựng đơn giá cấp nước cho người dân; đối thoại giải quyết khúc mắc cho các doanh nghiệp cấp nước; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư; trợ giá cho người dân nông thôn; lắp trạm cấp nước ở vùng sâu vùng xa…

Chủ tịch UBND thành phố cho biết, thành phố sẽ rà soát các doanh nghiệp nước sạch phải đủ năng lực, nếu không phải thay thế.

There are no comments yet

Tin mới hơn ...