Tùy theo con nước, một tháng họ làm việc khoảng 20 ngày dù mưu sinh trên biển vốn là công việc vất vả, nhất là với những người phụ nữ.
Gần 10h sáng, hàng chục chị em phường Hùng Thắng, thành phố Hạ Long bắt đầu công việc mưu sinh dưới chân núi vịnh Hạ Long. Để ra vịnh, họ phải tăng bo 2 lần đò và chặng xa nhất phải đi bằng đò máy với khoảng 45 phút. Phần lớn người làm nghề này là những phụ nữ trung niên, không có việc làm ổn định.
Bà Vũ Thị Thanh, 61 tuổi, hơn 20 năm gắn bó với nghề đánh hà, bắt ốc dưới chân núi vịnh Hạ Long cho biết: “Mùa này thì đi muộn nhưng về tối. Ra tới núi cũng không phải làm được ngay mà ngồi chờ nước cạn. Một con nước được tính là 10 ngày, bao giờ chủ đò đi thì mình đi, họ nghỉ thì mình nghỉ. Về mùa đông có 3 ngày đi âm ốc (ngập lặn bắt ốc dưới nước – PV) còn 7 ngày bắt ốc nước cạn. Mùa đông rét quá thì mang quần áo đi thay. Mưa gió cũng đi làm hết dù biết vất vả nhưng không có nghề cứ đi làm”.
Vừa ăn miếng bánh mỳ, uống vội chai nước lọc, nạp năng lượng cho ngày mới, bà Nguyễn Thị Thắm chia sẻ: “Mùa hè chúng tôi đi từ 3 – 4h sáng xuống đò ăn cơm. 5h sáng thì đến chân núi làm việc đến 12h trưa là về đến nhà. Mùa này đi muộn thì chiều muộn mới về đến nhà”.
Tới chân núi, mỗi người sẽ chọn 1 vạ hoặc vụng núi để làm việc. Việc lựa chọn này cũng có những quy định bất thành văn như không “giẫm chân đồng nghiệp” hay tránh những vụng vạ khi mới có người làm.
Ngoài làn nhựa, xô, chậu thì búa đánh hà và lèo (tức là thanh sắt dài khoảng 40cm có đầu uốn cong dùng để móc ốc) là những dụng cụ không thể thiếu để hành nghề. Giữa không gian lởm chởm đá núi với chằng chịt hà bám, bà Nguyễn Thị Minh (57 tuổi) cúi thấp người, thoăn thoát đôi bàn tay thô ráp lật đá nhặt ốc.
“Mùa này làm kém hơn mùa hè nhiều mà còn vất vả vì lạnh, buốt với có cả muỗi, dĩn bám vào người. Mùa hè bắt được thưng, ốc, tu hài, con sò bán cho khách du lịch nhưng như mùa này chỉ bắt được ốc và hà. Như hôm nay 12h mới lên núi, 14h mới làm được mà 16h đò đã đón rồi thì không được bao nhiêu. Tôi đánh được 2 lạng hà với vài lạng ốc” – bà Minh bày tỏ.
Nhìn có vẻ đơn giản, nhưng việc nhặt ốc khá vất vả. Như nhiều người khác, bà Đỗ Thị Thúy (62 tuổi) phải dùng quần áo vải dày, đeo găng tay, chân đi ủng… bởi chỉ sơ sểnh là có thể bị vấp ngã, hoặc rách tay chân vì mắc vào hà đá. Dù vậy, nỗi sợ nhất lại không phải là những vết cứa da thịt mà là những cơn giông bão bất chợt.
Bà Thúy chia sẻ: “Nhiều lúc đi gặp cơn cớ rất sợ. Nhìn chiều gió để đi và chủ đò biết ý để chạy vào bờ. Sông nước thì không nói trước được điều gì nhưng chúng tôi đều có áo phao và kể cả lên trên núi cũng mang theo để những chỗ sâu thì mặc vào bơi qua”.
Vùng vịnh Hạ Long có hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ với hệ sinh thái và thực động vật phong phú. Điều kiện tự nhiên thuận lợi đã tạo nhiều lộc trời và giúp người dân mưu sinh, khai thác tôm cá cũng như các loài sinh vật biển để bán cho khách du lịch và phục vụ người dân hàng ngày.
Cùng với Hạ Long, hàng trăm phụ nữ ở thị xã Quảng Yên, Vân Đồn cũng bám chân núi đá để mưu sinh. Công việc này, giúp họ có tiền tươi thóc thật, có ngày thu nhập lên tới hàng triệu đồng khi thuận lợi.
Bà Đỗ Thị Thúy cho biết thêm: “Những người trẻ thì họ tinh mắt và tay họ nhanh hơn nên làm được nhiều, năng suất hơn. Có ngày họ kiếm được cả chục cân, ít nhất thì được 3 – 4 kg với nhiều loại ốc khác nhau. Trừ đò khoảng 60.000 đồng thì cũng được tiền mua gạo và để ra mấy trăm ngàn”.
Sau nửa ngày, những người làm nghề khai thác nhuyễn thể dưới chân núi đá được đò máy đón trở về bờ. Tranh thủ khoảng thời gian đò di chuyển, người thì rửa hà, nhặt ốc, người phân loại sản phẩm kịp về bán chợ chiều, hoặc giao cho các nhà hàng, khách sạn.
Dù còn nhiều nhọc nhằn nhưng được trở về nhà sớm với gia đình cùng với giỏ, làn đong đầy hà, ốc là ngày làm việc vui và ý nghĩa nhất với những người phụ nữ cả đời mưu sinh dưới chân núi Hạ Long./.
There are no comments yet