Lượng kiều hối chuyển về TP.Hồ Chí Minh năm 2019 ước khoảng 5,6 tỉ USD



VNBTIMESTrong 8 tháng đầu năm 2019 đã có 3,65 tỉ USD kiều hối chuyển về nước qua các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Nếu biết định hướng, đây là dòng vốn rất tốt cho sản xuất kinh doanh.

Dòng kiều hối vẫn chảy mạnh về Việt Nam

Theo số liệu báo cáo từ Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh, trong 8 tháng đầu năm 2019 đã có 3,65 tỉ USD kiều hối chuyển về nước qua các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Ước tính cả năm 2019, tổng lượng kiều hối chuyển về TP.Hồ Chí Minh sẽ đạt 5,6 tỉ USD, tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm trước.

Lĩnh vực thu hút kiều hối lớn nhất vẫn là sản xuất, kinh doanh, chiếm tỷ trọng 60 – 65% tổng lượng kiều hối chuyển về khu vực TPHCM. Bất động sản cũng thu hút lượng kiều hối khá lớn, chiếm tới 21%. Qua theo dõi thống kê của Ngân hàng Nhà nước, TPHCM vẫn là địa phương thu hút lượng kiều hối lớn nhất cả nước. Kiều hối chuyển về TPHCM những năm qua luôn chiếm từ 52%-55% tổng lượng kiều hối chuyển vào Việt Nam. Gần đây, tổng lượng kiều hối cả nước đang có xu hướng tăng nhờ thị trường xuất khẩu nên tỷ trọng kiều hối ở TPHCM giảm xuống còn khoảng 47-48% so với tổng kiều hối cả nước.

Được biết, Việt Nam có khoảng 4,5 triệu kiều bào ở nước ngoài luôn mong muốn đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Lượng kiều hối về Việt Nam tăng liên tục trong nhiều năm qua và lọt vào tốp 10 thế giới. Theo Ngân hàng Thế giới, năm 2018, lượng kiều hối về Việt Nam liên tục tăng qua các năm. Năm 2018, kiều hối đổ về đạt gần 16 tỉ USD, năm 2017 là 13,8 tỉ USD, năm 2016 là 11,88 tỉ USD và dự báo trong năm nay, lượng kiều hối sẽ tiếp tục chảy mạnh về Việt Nam dù thế giới có nhiều biến động. Các quốc gia chuyển kiều hối hàng đầu cho Việt Nam là Hoa Kỳ, Campuchia, Úc và Pháp.

Theo ông Nguyễn Duy Phương, chuyên phân tích tài chính của Công ty chứng khoán VCSC, điểm đáng chú ý nhất là dòng kiều hối vẫn chảy mạnh về Việt Nam cho dù lãi suất tiền gửi ngoại tệ đã được giảm về 0% từ nhiều năm nay. Trong những năm trước đây, trong dòng kiều hối chảy về Việt Nam có một tỷ trọng không nhỏ là dòng vốn carry trade, tức dòng vốn chảy về để hưởng chênh lệch lãi suất khi mà lãi suất tiền gửi USD tại Việt Nam ở mức khá cao, trong khi lãi suất tiền gửi tại Mỹ đã giảm về quanh 0% suốt từ sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008.

“Điều này cho thấy cơ cấu dòng kiều hối đã thay đổi, không còn hướng tới mục tiêu hưởng chênh lệch lãi suất nữa mà tập trung khai thác các cơ hội đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam. Tuy nhiên, hiện có một lượng không nhỏ kiều hối chảy về nước với mục tiêu đầu cơ bất động sản, chứng khoán. Mặc dù chưa có số liệu thống kê cụ thể, song thống kê năm ngoái cũng cho thấy, có tới 22% lượng kiều hối chảy vào lĩnh vực bất động sản. Không phủ nhận việc kiều hối đổ mạnh vào bất động sản cũng khiến cho thị trường này khởi sắc hơn, song nếu không được kiểm soát chặt, có thể tạo nên bong bóng giá tài sản”, ông Phương phân tích.

B.Chương/ Lao động

There are no comments yet

Tin mới hơn ...