Kiến nghị Thủ tướng thành lập Tiểu ban giải quyết vấn đề ô nhiễm tại sông Bắc Hưng Hải
VNBTIMESSáng 5/9, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cùng Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân đã chủ trì cuộc họp với các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hà Nội nhằm đưa ra những giải pháp để giải quyết vấn đề ô nhiễm nguồn nước sông Bắc Hưng Hải.
Sông Bắc Hưng Hải ô nhiễm trầm trọng
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải rất quan trọng với nhiệm vụ chính là để trữ nước, tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp của các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Dương và thành phố Hà Nội, hiện đang chịu thêm chức năng thoát nước thải, chất thải nông nghiệp, kể cả tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Cùng với thời gian và các tác động của biến đổi khí hậu, hệ thống này đã xuống cấp và ô nhiễm nguồn nước sông đang ở mức báo động cần sớm giải quyết để đảm bảo an ninh nguồn nước.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải được bao bọc bởi 4 sông lớn là sông Hồng, Thái Bình, Đuống và Luộc. Do tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, hình thành nhiều khu công nghiệp, làng nghề nên tình hình vi phạm pháp luật trong quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi ngày càng gia tăng và nghiêm trọng. Các tổ chức, cá nhân xả nước thải chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt quy chuẩn kỹ thuật vào hệ thống công trình thủy lợi diễn ra phổ biến dẫn đến tình trạng ô nhiễm nguồn nước ngày càng trầm trọng, đặc biệt là vào mùa kiệt từ tháng 12 năm trước đến tháng 4 năm sau.
Theo báo cáo của Viện Nước tưới tiêu và Môi trường đánh giá tổng lượng nước thải các loại xả vào hệ thống Bắc Hưng Hải khoảng 453.195 m³/ngày đêm (tăng 162.550 m³/ngày đêm so với năm 2007), trong đó: Nước thải sinh hoạt chiếm 58,47%; Nước thải công nghiệp và các cơ sở sản xuất, kinh doanh chiếm 25,72%; Nước thải làng nghề chiếm 2,65%; Nước thải chăn nuôi chiếm 12,02 %; Nước thải y tế chiếm 1,14%
Hầu hết nước thải sinh hoạt của khu đô thị, khu dân cư nông thôn tập trung làng nghề, cơ sở chăn nuôi chưa được thu gom, xử lý trước khi xả vào công trình thủy lợi.
Kết quả khảo sát, quan trắc của Viện Nước, tưới tiêu và Môi trường (Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam) ngày 24/4/2019 trên các tuyến kênh Cầu Bây, Điện Biên, Thạch Khôi, Đoàn Thượng, Trấn Thành Ngọ; kênh T2 TP Hải Dương cho thấy chất lượng nước đều bị ô nhiễm nghiêm trọng. Cụ thể, tại cống Xuân Thụy (tưới tiêu kết hợp): Nước sông Cầu Bây tưới cho khu vực Gia Lâm, Long Biên (Hà Nội). Tiêu nước vào sông Kim Sơn. Bị ảnh hưởng của nước thải sinh hoạt, công nghiệp quận Long Biên và Gia Lâm. Một số chỉ số vượt quy chuẩn cho phép cao: TSS: 1,33 lần; BOD5: 1,98 lần; COD: 2,76 lần ; NH4 +: 32,98 lần; Coliform: 124 lần. Chất lượng nước không đạt tiêu chuẩn phục sản xuất nông nghiệp.
Cống Phần Hà: Nước kênh trần Thành Ngọ, tưới cho 1 phần diện tích xã Bắc Sơn (huyện Ân Thi) và huyện Mỹ Hào. Tiêu nước vào sông Kim Sơn. Bị ảnh hưởng bởi nước thải KCN Dệt may phố Nối, KCN Thăng Long 2, nước thải sinh hoạt và các doanh nghiệp dọc đường 5, làng nghề thu gom phế liệu Phan Bội của xã Dị Sử (huyện Mỹ Hào, Hưng Yên ). Một số chỉ số vượt quy chuẩn cho phép cao: BOD5: 2,19 lần; COD: 2,95 lần ; NH4 +: 3,11 lần; Coliform: 108 lần. Chất lượng nước không đạt tiêu chuẩn phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Cống Bình Lâu: Tiêu nước thải TP Hải Dương khu vực nhà máy sứ, bệnh viện tỉnh HD vào sông Kim Sơn. Một số chỉ số vượt quy chuẩn cho phép cao: BOD5 : 3,05 lần; COD: 4,30 lần; NH4 +: 34,53 lần; Coliform: 2.133,33 lần. Chất lượng nước không đạt tiêu chuẩn phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho rằng, quá trình đô thị hóa nhanh gây nhiều bất cập về môi trường. Thành phố Hà Nội đã đặt các trạm quan trắc để phát hiện, xử lý kịp thời các vi phạm. UBND thành phố Hà Nội đề nghị các Bộ, ngành Trung ương liên quan hỗ trợ về vấn đề quy hoạch, cơ chế đầu tư để giải quyết ô nhiễm môi trường, các quy chuẩn về kỹ thuật về chất lượng nước thải. Với vấn đề ô nhiễm, UBND tỉnh Hưng Yên ngoài thực hiện phối hợp với các Bộ, ngành về bảo vệ môi trường cũng đã nâng quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường của riêng tỉnh Hưng Yên để đảm bảo công tác bảo vệ môi trường được thực hiện tốt nhất.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà ghi nhận nỗ lực của các cơ quan chức năng cũng như các địa phương về những hành động, đề xuất để “cứu” sông Bắc Hưng Hải khỏi nguy cơ ô nhiễm nghiêm trọng như hiện nay. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà: “Việc quản lý, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ môi trường đối với hệ thống sông Bắc Hưng Hải hiện nay còn chồng chéo, chưa xác định rõ phạm vi, chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm giữa ngành tài nguyên môi trường, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn và giữa các địa phương”.
Kiên quyết đóng cửa những đơn vị xả thải không tuân thủ pháp luật
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị các cơ quan liên quan cần phải đánh giá lại toàn bộ chức năng của sông Bắc Hưng Hải so với mục tiêu ban đầu là trữ nước, tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp và hiện nay là nơi chứa các nguồn xả thải từ các hoạt động sản xuất, sinh hoạt, chăn nuôi, làng nghề… đồng thời đưa ra những quy hoạch tổng thể mới cho sông Bắc Hưng Hải để đảm bảo cung cấp đủ nước cho tưới tiêu và duy trì dòng chảy tối thiểu trên các sông trong hệ thống để giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước; có các phương án ngăn vùng ô nhiễm, không làm ảnh hưởng môi trường mang tính liên tỉnh trên hệ thống sông.
Trước mắt, Bộ trưởng đề nghị các địa phương cần quy hoạch các điểm tập kết chất thải rắn gần hệ thống sông Bắc Hưng Hải; tổ chức thu gom, xử lý chất thải rắn, chuyển giao cho các đơn vị có chức năng xử lý đúng quy định.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các nguồn xả thải trên địa bàn và chất lượng các nhánh sông trong khu vực. Bên cạnh việc xử lý hành chính, Bộ trưởng đề nghị các đơn vị xả thải cần có cam kết lộ trình lắp đặt các hệ thống quan trắc, đổi mới công nghệ xử lý nước thải trước khi xả thải ra môi trường. “Lộ trình tối đa là một năm, nếu các đơn vị không đáp ứng được thì các cơ quan chức năng nhà nước có thể đề xuất đóng cửa những đơn vị xả thải.” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong công tác thẩm định, cấp phép xả nước thải vào công trình thuỷ lợi Bắc Hưng Hải nhằm tăng cường hiệu quả công tác phòng ngừa ô nhiễm.
Bộ trưởng cũng đề nghị các Sở TN&MT địa phương cần rà soát, so sánh lại các quy chuẩn môi trường địa phương và quy chuẩn môi trường quốc gia để kịp khoanh vùng ô nhiễm nặng và nâng cao quy chuẩn lại vùng đó để đáp ứng được các tiêu chí bảo vệ môi trường; lập danh mục và cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước hệ thống sông Bắc Hưng Hải theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh, bổ sung Quy trình vận hành hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải theo hướng cập nhật năng lực vận hành các công trình thủy lợi đảm bảo duy trì dòng chảy tối thiểu, đặc biệt là vận hành cống Xuân Quan, tạo điều kiện thuận lợi cho việc lấy nước từ các sông khác để bổ cập cho sông Bắc Hưng Hải; kiểm soát nước thải, chất thải trong nông nghiệp để giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước trong các kênh, kênh mương tưới tiêu. UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo Sở xây dựng tập trung đôn đốc các chủ đầu tư đẩy mạnh đầu tư và sớm đưa vào vận hành vận hành 3 nhà máy xử lý nước thải ở quận Long Biên nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm sông Cầu Bây.
Thành lập Tiểu ban bảo vệ môi trường hệ thống sông Bắc Hưng Hải
Tại cuộc họp, các Bộ, địa phương đều nhấn mạnh rằng việc ngăn chặn, xử lý vi phạm xả nước thải, bảo vệ chất lượng nước của công trình thủy lợi là việc làm khó khăn, phức tạp, lâu dài đòi hỏi có sự vào cuộc của hệ thống chính trị, chính quyền địa phương và nhân dân. Cần phân rõ trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý các vi phạm làm ô nhiễm nước trong công trình thủy lợi. Đại diện các Bộ, địa phương đều thống nhất cần thành lập một Tiểu ban bảo vệ môi trường và quản lý hệ thống sông Bắc Hưng Hải và Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ là cơ quan đầu mối báo cáo Thủ tướng Chính phủ để cho phép thành lập Tiểu ban bảo vệ môi trường và quản lý tổng hợp hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải.
Từ đó, sẽ phân công các đơn vị chức năng chuẩn bị quy chế về bảo vệ môi trường chung của địa phương, có quy hoạch tài nguyên nước hệ thống Bắc Hưng Hải; ban hành hệ thống quy chuẩn thủy lợi chung cho các địa phương, trong đó làm rõ việc cấp phép giữa các Bộ và địa phương liên quan.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép sử dụng ngân sách để đầu tư hệ thống quan trắc địa phương và liên tỉnh; ban hành danh mục tạm thời chưa đầu tư các dự án xả thải ra hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, tuyệt đối không quy hoạch các bãi rác dọc hệ thống sông Bắc Hưng Hải; đầu tư ngay trạm bơm ở Xuân Quan để giải quyết nước cho vụ Đông Xuân và Hè Thu. Các cơ quan liên quan nghiên cứu để có cơ chế đặc thù huy động các dự án có năng lực tham gia xử lý nước thải, rác thải đối với làng nghề, khu, cụm công nghiệp, sẽ bổ sung vào trong Luật Bảo vệ môi trường đang sửa đổi.
Tin mới hơn ...
- Người Mỹ bung tiền mua nông sản Việt, có mặt hàng thu thêm cả tỷ USD 21/08/2024
- Vĩnh Long mời gọi đầu tư 20 dự án, vốn hơn 30 ngàn tỷ đồng 21/08/2024
- Đồng Nai quyết gỡ vướng Khu đô thị phía Tây cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu 21/08/2024
- Thêm 2 cao tốc được kiến nghị bổ sung vào quy hoạch mạng lưới đường bộ toàn quốc 21/08/2024
- Đồng Nai: Dự án điện rác 2 năm chưa xong báo cáo nghiên cứu khả thi 21/08/2024
There are no comments yet