Khảo sát, hoàn thiện sản phẩm du lịch khu vực hồ Hòa Bình



VNBTIMES – Từ ngày 28-30/10/2019, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình tổ chức đoàn khảo sát sản phẩm du lịch đi bộ, đạp xe hai bờ sông Đà (thuộc Khu du lịch hồ Hòa Bình) cho doanh nghiệp du lịch và các cơ quan thông tấn báo chí.

Đoàn gồm đại diện các doanh nghiệp lữ hành và cơ quan báo chí truyền thông đã khảo sát một số điểm đến, cơ sở lưu trú, đơn vị cung ứng dịch vụ du lịch và trải nghiệm một số sản phẩm du lịch như: tham quan nhà máy thủy điện Hòa Bình; tuyến đi bộ, đạp xe thuộc xóm Sưng, xóm Ké, bản Mó Hém (huyện Đà Bắc); xem các chương trình biểu diễn văn nghệ truyền thống, chèo thuyền kayak trên hồ… Ngoài các cơ sở du lịch cộng đồng và homestay, đoàn cũng đến khảo sát dịch vụ tại một số khu lưu trú dành cho các phân khúc khách du lịch khác nhau như Mai Châu Hideaway, Ba Khan Village…

Kết thúc chương trình, đoàn khảo sát và Sở VHTTDL Hòa Bình đã có buổi làm việc để trao đổi ý kiến, hoàn thiện sản phẩm du lịch đi bộ, đạp xe hai bờ sông Đà (thuộc Khu du lịch hồ Hòa Bình). Bà Vũ Thị Thanh Hà – Giám đốc công ty Esyway Travel nhận định: Tuyến du lịch tại Đà Bắc có vẻ đẹp hấp dẫn, khung cảnh thanh bình, nguyên sơ chưa bị thương mại hóa. Tuy nhiên, phát triển du lịch ở khu vực này cần phải có quy hoạch, phân loại khách theo các thị trường khác nhau chứ không nên phát triển ồ ạt homestay; ngoài ra cần thêm các dịch vụ gia tăng, huy động người dân đóng góp cho du lịch bằng nhiều cách khác nhau như cung cấp sản vật địa phương, nguyên liệu thực phẩm, các điểm tham quan chụp ảnh hoặc trình diễn nghề, trình diễn nghệ thuật… Ông Lê Thắng – Giám đốc Altour Indochina Travel&Leisure cũng đánh giá cao vẻ đẹp của khu vực hồ Hòa Bình, tuy nhiên muốn khai thác được cần phải nâng cấp hạ tầng giao thông, bến cảng và đặc biệt là các nhà vệ sinh đạt chuẩn.

Cảm ơn và tiếp thu các ý kiến đóng góp, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Hòa Bình – Bùi Xuân Trường cho biết: Bên cạnh thu hút đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông thì Hòa Bình cũng chú trọng phát triển du lịch cộng đồng, hướng dẫn và hỗ trợ người dân làm du lịch gắn với nông nghiệp theo chương trình OCOP (Mỗi làng một sản phẩm) để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương. Ngoài ra, các sản phẩm du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa… cũng đang được hoàn thiện để thu hút khách du lịch. Trong thời gian tới, tỉnh Hòa Bình tiếp tục tập trung nhiều nguồn lực để phát triển du lịch, với mục tiêu đến năm 2025 cơ bản đáp ứng các tiêu chí của khu du lịch quốc gia và trở thành khu du lịch trọng điểm vào năm 2030.

Theo/Tạp chí Du lịch

There are no comments yet

Tin mới hơn ...