Imperial Plaza 360 Giải Phóng: Thế chấp chồng chéo, không giao sổ hồng cho dân
VNBTIMESDù dự án Imperial Plaza 360 Giải Phóng đã hoàn thành và được bàn giao cho khách hơn 2 năm, nhưng hiện nay các cư dân ở đây vẫn chưa được bàn giao sổ hồng bởi những uẩn khúc thế chấp chồng chéo của chủ đầu tư.
Hơn 2 năm, chủ đầu tư vẫn không bàn giao sổ hồng
Dự án Imperial Plaza 360 Giải Phóng là Dự án khu hỗn hợp nhà ở, dịch vụ công cộng, văn phòng và trường học tại 360 đường Giải Phóng (phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, Hà Nội) do Công ty CP Tập đoàn đầu tư và thương mại Thăng Long làm chủ đầu tư.
Theo giới thiệu, dự án gồm các toà chung cư cao tầng kết hợp dịch vụ, văn phòng và khu nhà ở thấp tầng với tổng diện tích 3,6ha, gồm 3 tòa chung cư 29 tầng, 40 căn liền kề. Giai đoạn 1 gồm 3 tòa IP1, IP2 và IP3 – chung cư Imperial Plaza và đã đi vào sử dụng. Giai đoạn 2 được khởi công xây dựng từ quý 3/2017 nhằm xây dựng tòa IP4 – chung cư Skyview Plaza, trên diện tích đất hơn 4.800m2, chiều cao 35 tầng, với 5 tầng hầm, bể bơi trong nhà 250m2 và khu thương mại dịch vụ tại tầng 1.
Mặc dù được giới thiệu dự án là kênh đầu tư hấp dẫn bởi tiềm năng tăng giá trong tương lai và khả năng khai thác cho thuê cao, nhưng theo tìm hiểu của phóng viên, dự án này vướng vào một loạt những “lùm xùm”. Đặc biệt, những tháng đầu năm năm 2020, người treo băng rôn, khẩu hiệu tố cáo chủ đầu tư – Công ty Thăng Long không bàn giao sổ hồng.
Theo xác nhận của cư dân sinh sống tại đây, đến thời điểm hiện tại họ vẫn chưa được nhận sổ hồng. Chị Nguyễn Thị Thu Thảo – cư dân sinh sống tại tòa nhà IP2 (chung cư Imperial Plaza) cho biết: “Chúng tôi chưa được nhận có cái gì hết. Đợt trước, cư dân phải căng băng rôn, khẩu hiệu Công ty Thăng Long chây ỳ, lừa đảo thì họ mới chịu thương lượng đến cuối năm nay họ làm sổ đó. Tôi cùng các hộ ở đây sẽ chờ đến cùng, nếu không làm chúng tôi lại căng băng rôn tiếp”.
Điều đáng nói, Ban đại diện cùng cư dân đã nhiều lần kiến nghị, yêu cầu Công ty Thăng Long thực hiện cam kết bàn giao sổ hồng, nhưng Công ty liên tục hứa rồi thất hứa, gây bức xúc cộng đồng cư dân.
Trong vai khách hàng có nhu cầu mua nhà của dự án, phóng viên đã liên hệ số hotline của một sàn giao dịch bất động sản bán dự án này và được nhân viên tư vấn: “Chị yên tâm, chủ đầu tư đang chuẩn bị làm sổ cho cư dân rồi. Tòa IP1 tới tháng 9 sẽ được làm sổ hồng, còn tòa IP2, IP3 tới tháng 12. Chủ đầu tư làm sổ thì bọn em mới bán gần hết được dự án chứ. Làm sổ phải theo đợt chứ đâu thể muốn là được”.
Chủ đầu tư bàn giao tòa IP1 vào tháng 9/2018, tòa IP 2 bàn giao vào tháng 3/2019 và tòa IP 3 bàn giao tháng 10/2019, nhưng hiện nay có hàng trăm trường hợp chưa được chủ đầu tư bàn giao sổ đỏ. Trong khi, theo ký kết hợp đồng, khách hàng đã đóng 95% giá trị hợp đồng, số tiền còn lại là 5% khách hàng đóng cho chủ đầu tư là công ty Thăng Long sau khi nhận sổ. Khách hàng đã trả đầy đủ số tiền nhưng sổ thì vẫn không thấy đâu.
Trong khi, theo Điều 13 Luật Kinh doanh Bất động sản ghi rõ: Trách nhiệm của chủ đầu tư dự án kinh doanh bất động sản đã quy định rất cụ thể như sau: “Chỉ được phép bàn giao nhà, công trình xây dựng cho khách hàng khi đã hoàn thành xong việc xây dựng nhà, công trình xây dựng và các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo tiến độ ghi trong dự án đã được phê duyệt, bảo đảm kết nối với hệ thống hạ tầng chung của khu vực; trường hợp bàn giao nhà, công trình xây dựng thô thì phải hoàn thiện toàn bộ phần mặt ngoài của nhà, công trình xây dựng đó.
Trong thời hạn 50 ngày kể từ ngày bàn giao nhà, công trình xây dựng cho người mua hoặc kể từ ngày hết hạn thuê mua thì phải làm thủ tục để cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho bên mua, bên thuê mua, trừ trường hợp bên mua, bên thuê mua có văn bản đề nghị tự làm thủ tục cấp giấy chứng nhận“.
Như vây, Công ty CP Tập đoàn Đầu tư và Thương mại Thăng Long đang làm trái so với quy định của pháp luật, làm ảnh hưởng tới quyền lợi và lợi ích của khách hàng.
Ngoài ra, dự án này chỉ mới hoàn thiện và đưa vào sử dụng 3 tòa IP1, IP2 và IP3. Riêng đối với tòa IP4 xây dựng đến tầng 14 thì dừng lại đến nay không rõ lý do. Khi phóng viên hỏi nhân viên bán hàng cho dự án này thì được câu trả lời “Đợt trước chủ đầu tư không đủ tài chính nên dừng lại, nhưng sắp tới họ sẽ xây dựng lại rồi nên chị yên tâm. Hiện tại, chúng em đang tạm dừng bán căn hộ của tòa này nhưng sẽ sớm triển khai bán tiếp”.
Câu hỏi được đặt ra, có hay không việc dự án chậm triển khai tòa IP4, chưa bàn giao giấy chứng nhận nhà cho cư dân trong thời gian dài là do chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính để hoàn thiện dự án này hay vì lý do nào khác nữa?
Dự án Imperial Plaza bị thế chấp chồng chéo
Dự án này đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/2000 tại Quyết định số 3768/QĐ-UBND ngày 22/8/2012, được Sở Quy hoạch Kiến trúc TP Hà Nội chấp thuận quy hoạch 1/500 tại Văn bản số 2730/QHKT-P2 ngày 17/9/2012, chấp thuận phương án kiến trúc tại Văn bản số 344/QHKT-P2 ngày 4/2/2013.
Tuy nhiên, theo điều tra của phóng viên, dự án Imperial Plaza 360 Giải Phóng đã được Công ty Thăng Long mang đi thế chấp tại ngân hàng. Cụ thể, ngày 07/07/2016, chủ đầu tư đã thế chấp toàn bộ quyền tài sản và lợi ích của Bên Bảo Đảm phát sinh từ hoặc có liên quan tới Dự án TINCOM CITY (hỗn hợp nhà ở, dịch vụ công cộng, văn phòng và trường học) tại số 360 đường Giải Phóng với tổng giá trị là 1.300 tỷ đồng cho PVcombank (Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam) với số hợp đồng là 2777.2016/HĐTC.
Và trong hợp đồng thế chấp có sự xuất hiện của 2 cái tên có quyền và nghĩa vụ liên quan, đó là Công ty CP đầu tư và kinh doanh bất động sản có địa chỉ tại số 102 Bà Triệu (phường Nguyễn Du, Hai Bà Trưng, Hà Nội) và Công ty TNHH Nhà nước MTV cơ khí Quang Trung cũng có địa chỉ trùng với Công ty Thăng Long (số 360 đường Giải Phóng, phường Phương Liệt, Thanh Xuân, Hà Nội).
Đến ngày 3/10/2016, hợp đồng thế chấp này lại được đáo hạn với tổng hạn mức không thay đổi.
Đến tháng 3/2017, chủ đầu tư tiếp tục thực hiện Giai đoạn 2 của dự án Imperial Plaza nhằm xây dựng tòa IP4, nhưng đến 1 năm sau, tháng 8/2018, dự án mới được UBND TP Hà Nội cấp Quyết định chủ trương đầu tư số 4093/QĐ-UBND.
Điều lạ lùng là chỉ một tháng sau đó, dự án lại được Công ty CP Tập đoàn Đầu tư và Thương mại Thăng Long tiếp tục đem ra thế chấp cho PVcombank. Nhưng cho đến thời điểm hiện tại dự án vẫn bị “đắp chiếu” và chưa có dấu hiệu khởi công xây dựng lại.
Trong phần mô tả tài sản đảm bảo có ghi “Toàn bộ nguồn thu, lợi nhuận hình thành trong tương lai thuộc sở hữu của Bên Bảo Đảm phát sinh từ Dự án “Khu hỗn hợp nhà ở, dịch vụ công cộng, văn phòng và trường học – IMPERIAL” tại số 360 đường Giải Phóng, phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội do Bên Bảo Đảm là Chủ đầu tư theo Quyết định chủ trương đầu tư số 4093/QĐ-UBND ngày 09/08/2018 của Ủy Ban Nhân Dân thành phố Hà Nội và các giấy tờ pháp lý khác kèm theo sau khi trừ đi chi phí đầu tư Dự án và các nghĩa vụ tài chính của Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Đông Thịnh Phát với Ngân Hàng”.
Lần này thay vì liên quan tới Công ty CP đầu tư và kinh doanh bất động sản và Công ty TNHH Nhà nước MTV cơ khí Quang Trung, chủ đầu tư Dự án 360 Giải Phóng lại gắn tới cái tên hoàn toàn khác – Công ty CP Đầu tư và phát triển Đông Thịnh Phát và Công ty TNHH Nhà nước MTV cơ khí Quang Trung.
Cũng trong tháng 6 này, toàn bộ quyền và nghĩa vụ liên quan đến hợp đồng với Công ty CP Đầu tư và thương mại Thăng Long đã được Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đông Thịnh Phát mang đi thế chấp tại PVcombank với hạn mức khoản vay 1.300 tỷ đồng.
Để làm rõ sự việc cũng như đảm bảo quyền lợi cho những hộ dân đang sinh sống tại dự án Imperial Plaza 360 Giải Phóng, PV đã đặt lịch làm việc với Sở Xây dựng, nhưng hơn 30 ngày qua Sở Xây dựng Hà Nội không có hồi âm, mặc dù phóng viên đã gọi điện liên hệ lại nhiều lần. Còn đối với và Công ty CP Đầu tư và thương mại Thăng Long thì trả lời vòng vo và có sự né tránh.
Được biết, khu đất thực hiện dự án nhà ở thương mại được xây dựng trên nền nhà máy cũ của Công ty TNHH nhà nước MTV cơ khí Quang Trung trước khi được di dời về Cụm công nghiệp Quất Động, Thường Tín. Công ty Quang Trung là công ty con của Tổng công ty Máy và Thiết bị Công nghiệp (trực thuộc Bộ Công Thương), do đơn vị này nắm giữ 100% vốn.
Vậy vai trò của các công ty (Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đông Thịnh Phát, Công ty CP đầu tư và kinh doanh bất động sản – Công ty TNHH Nhà nước MTV cơ khí Quang Trung) trong dự án như thế nào, các khoản thu từ việc bán hàng (căn hộ) tại Dự án Imperial Plaza 360 Giải Phóng được hạch toán, báo cáo tài chính ra sao?
Liên quan tới Công ty TNHH Nhà nước một thành viên cơ khí Quang Trung, vừa qua, Toà án nhân dân TP Hà Nội đã mở phiên toà hình sự sơ thẩm xét xử vụ án Nguyễn Duy Xuyên (SN 1955, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nhà nước một thành viên cơ khí Quang Trung, kiêm Giám đốc Xí nghiệp Kinh doanh Xuất nhập khẩu tổng hợp) lợi dụng việc Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty uỷ quyền lập hồ sơ vay vốn đã cùng đồng phạm thực hiện các hành vi gian dối để chiếm đoạt của hai ngân hàng hơn 49 tỷ đồng.
Tin mới hơn ...
- Nhà ‘siêu dị’ 4m2 giữa Hà Nội, trả 1 tỷ/m2 không bán, bên trong gây bất ngờ 21/08/2024
- Prodezi đón đầu xu hướng phát triển khu công nghiệp – đô thị sinh thái 21/08/2024
- Gu làm nội thất khoe bộ sưu tập hàng trăm triệu đồng 21/08/2024
- Đấu giá đất xuyên đêm tại Hà Nội: Đầu cơ đẩy giá hay nhu cầu thực của người dân? 20/08/2024
- Thị trường đang thiếu loại hình nhà ở đặc biệt này, các ông lớn bất động sản đã nhanh chóng nắm bắt 19/08/2024
There are no comments yet