Học cách kiếm tiền từ di sản



VNBTIMESCâu chuyện từ Mã Pì Lèng (Hà Giang) đang đặt ra một vấn đề lớn: phải học cách kiếm tiền từ di sản.

Phố cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Phố cổ Hội An (Quảng Nam) được UNESCO đánh giá “như một hình mẫu” truyền cảm hứng bảo tồn cho thế giới trong việc kết hợp chính sách với quy chế riêng, nhằm gắn chặt quyền lợi của người dân vào sự tồn tại của di sản.

Chung tay bảo vệ di sản

Trong khi Hội An được xem là điển hình trong việc hài hòa giữa bảo tồn – phát triển, huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) cũng chọn bảo tồn, lấy người dân làm trung tâm của sự phát triển và đang trở thành điểm đến thu hút hàng trăm ngàn du khách mỗi năm.

Bà Phạm Thị Thanh Hường, trưởng Ban văn hóa – Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, khẳng định Hội An là một ví dụ điển hình, một di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được bảo tồn trong mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa chính quyền các cấp và cộng đồng địa phương với nhiều loại hình sở hữu di sản khác nhau.

“Ngoài sự tham gia của cộng đồng trong nước, Hội An cũng đã tận dụng rất tốt những đóng góp của cộng đồng quốc tế để làm nên một Hội An hết sức đặc trưng” – bà Hường nói.

Theo ông Nguyễn Chí Trung – nguyên giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, với đặc thù là có cả cộng đồng người dân sống gắn liền với di tích nên chính quyền thành phố đã chủ động ban hành một số quy chế được người dân ủng hộ, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả cộng đồng, các cấp chính quyền.

Bộ máy quản lý bảo tồn Hội An cũng bám rất sát mọi chuyển động của phố cổ nhờ những bộ quy chế riêng, được người dân đồng tình và đóng góp ý kiến vào để tạo sự đồng thuận.

Chẳng hạn, Hội An vẫn đang duy trì và áp dụng tốt các bộ quy chế riêng liên quan đến việc quản lý, bảo tồn, sử dụng di tích trong khu phố cổ; quản lý hoạt động tham quan du lịch; quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thương mại; phối hợp cấp phép và kiểm tra xử lý vi phạm xây dựng trong khu phố cổ…

Khi các quy định dưới dạng luật không đủ sức để bao quát tất cả góc cạnh, chuyển động rất nhanh của đời sống phố cổ, những bộ quy chế này – một dạng “hương ước” – là công cụ hiệu quả để phố cổ được đi theo đúng trật tự.

Cũng theo ông Trung, phố cổ sẽ chỉ là “bảo tàng” nếu không có hơi thở người dân và sự tham gia của cộng đồng. Phố cổ phải được bảo tồn nguyên vẹn, nhưng cộng đồng sống được nhờ di sản. Do đó, Hội An đã có các chính sách đãi ngộ để người dân tham gia giữ gìn di sản.

“Đến nay di sản đô thị Hội An vẫn còn được bảo tồn khá nguyên vẹn về cảnh quan, không gian kiến trúc và là nơi người dân vẫn sống cuộc sống đời thường ngay trong di sản với những phong tục, tập quán, nếp ứng xử, ẩm thực, sinh hoạt văn hóa truyền thống còn được giữ gìn” – ông Trung nói.

Giữ vẻ đẹp hoang sơ để hút khách

Những năm trở lại đây, huyện đảo Lý Sơn đã thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước, biến Lý Sơn từ đảo nông ngư nghiệp trở thành đảo dịch vụ du lịch. Du khách đến mang lại nguồn thu ổn định, nhưng cũng lộ ra những vấn đề về môi trường như rác thải, nguồn nước… cùng với đó là những danh thắng, di tích trên đảo chưa được bảo tồn đúng mức.

Theo ông Nguyễn Viết Vy – bí thư Huyện ủy Lý Sơn, địa phương này bắt đầu tính đến sức chứa của điểm đến, hàng loạt vấn đề được đặt ra từ môi trường đến công tác bảo tồn. “Chúng tôi nhận thấy cần sắp xếp lại huyện đảo phát triển trong trật tự. Giữ được vẻ đẹp hoang sơ mới thu hút được du khách” – ông Vy nói.

Cơ quan chức năng mạnh tay cắt ngọn, đình chỉ công trình trái với quy định. Những khu vực danh thắng tuyệt đối không cho xây dựng. Chẳng hạn tại đảo Bé, chính quyền huyện Lý Sơn từ chối mọi đầu tư “hạng nặng” của các công ty, tập đoàn lớn; chỉ hợp tác với những doanh nghiệp phát triển theo tư duy bảo tồn, lấy người dân làm trung tâm của sự phát triển.

Dịch vụ lưu trú homestay bên đảo Bé cũng đầy hoang dã với những căn nhà bằng gỗ, hoặc những lều bạt trải ra biển. Theo anh Được – chủ homestay Gió Biển tại đảo Bé, chính quyền địa phương không đồng ý cho bất kỳ công trình nào “mọc” trong vùng di sản hay khu vực cộng đồng.

“Với vùng di sản, di tích như Lý Sơn luôn vấp hai luồng ý kiến đối lập, đẩy mạnh phát triển và bảo tồn. Đến giờ này huyện chọn bảo tồn, lấy người dân làm trung tâm của sự phát triển” – ông Vy khẳng định. Theo TS môi trường Chu Mạnh Trinh, gần như 100% du khách đến Lý Sơn nói riêng và các danh thắng thiên nhiên trên cả nước nói chung đều muốn tận hưởng thiên nhiên 5 sao, không ai đến vì dịch vụ 5 sao cả.

“Nếu Lý Sơn có đầu tư ồ ạt cũng không thể có được dịch vụ như ở các thành phố Đà Nẵng, Hà Nội. Không ai cất công ra tận đảo để ngắm các công trình bêtông cả. Cho nên chúng ta phải giữ được vẻ hoang sơ trước khi nghĩ đến chuyện phát triển. Nếu quyết định sai sẽ không lấy lại được vẻ đẹp của thiên nhiên đã bị xâm hại” – ông Trinh nói.

Người dân phải chung tay gìn giữ

Theo ông Nguyễn Sự (nguyên bí thư Thành ủy Hội An), bản chất của Hội An là một “di tích sống, di sản sống”, chính người dân đã giữ di sản chứ không ai khác.

Vấn đề mấu chốt là làm sao chính quyền nói mà dân “nghe được”, sâu sát với người dân, khi đưa ra chính sách nào cũng phải tạo sự đồng thuận để người dân hiểu mà chung tay gìn giữ. Bởi người dân khi hiểu rằng nơi họ đang sinh sống sẽ càng có giá trị nếu giữ tốt, tự khắc người dân sẽ đồng lòng để bảo vệ di sản.

Theo Tuổi Trẻ

There are no comments yet

Tin mới hơn ...