Hệ sinh thái nghìn tỷ Aqua One Group của bà Đỗ Thị Kim Liên



VNBTIMESCTCP Nước Aqua One đang sở hữu 3 nhà máy nước có công suất lớn gồm Nhà máy nước mặt Sông Hậu, Nhà máy nước mặt sông Đuống và nhà máy nước mặt Xuân Mai – Hòa Bình.

Tháng 9 vừa qua, nhà máy nước mặt sông Đuống thuộc Tập đoàn Aqua One đã khánh thành giai đoạn 1. Theo giới thiệu từ CTCP Nước Aqua One – chủ sở hữu nhà máy, tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 nhà máy là 5.000 tỷ đồng (tương đương 225 triệu USD). Ngoài ra, giai đoạn 1 của dự án chia làm 2 phân kỳ: Phân kỳ 1 khánh thành tháng 10/2018 với công suất 150.000m3/ngày đêm. Phân kỳ 2 có công suất 300.000m3/ngày đêm, đảm bảo đủ cung cấp nguồn nước sạch cho khoảng 3 triệu người – chiếm 1/3 dân số Hà Nội và 1 số địa phương phụ cận như Bắc Ninh, Hưng Yên và dần thay thế nguồn nước ngầm đã và đang có nguy cơ ô nhiễm cao.

Sự ra đời của nhà máy nước mặt sông Đuống được đông đảo dư luận quan tâm, nhất là khi người dân tại một số quận thuộc TP.Hà Nội đang điêu đứng vì nguồn nước sạch từ nhà máy nước Sông Đà bị nhiễm dầu. TP. Hà Nội  phải chi 10.264 đồng/m3 để mua nước cho người dân từ nhà máy mới này. Theo tính toán, mức giá này cao gần gấp đôi so với các nhà máy nước sinh hoạt khác.

Cái tên Aqua One gắn liền với tên tuổi bà Đỗ Thị Kim Liên, hay còn gọi là Shark Liên. Hiện tại, bà đang giữ vị trí Tổng giám đốc, kiêm Người đại diện theo pháp luật Aqua One.

Trước đây, bà Liên (cùng chồng) đã tạo dựng tên tuổi khi sáng lập và điều hành CTCP Bảo hiểm AAA. Năm 2013, vợ chồng bà đã nhượng lại công ty này cho Tập đoàn AIG của Australia.

Tưởng chừng động thái này cho thấy bà rút khỏi mảng bảo hiểm, tuy nhiên bà cùng em gái là Đỗ Thị Minh Đức sau đó đã mua lại cổ phần trong Bảo hiểm Viễn Đông. Cùng với đó, bà tiếp tục mạnh tay đầu tư vào lĩnh vực này với việc ra mắt ứng dụng bảo hiểm Lian vào tháng 10/2018.

Ngoài ra, như Nhadautu.vn đã từng đề cập, Bảo hiểm Viễn Đông từng có khoản đầu tư 195 tỷ đồng vào CTCP Đầu tư và Xây dựng Toàn Mỹ 14 – chủ đầu tư dự án BOT qua tỉnh Đắk Nông với tổng mức đầu tư 1.023,79 tỷ đồng.

Đây là khoản đầu tư trái luật bảo hiểm, và sau bài viết của Nhadautu.vn, Bộ Tài chính đã yêu cầu Bảo hiểm Viễn Đông thoái hết khoản đầu tư trên.

Mạnh tay đầu tư mảng nước sạch

Ngoài việc nắm nhà máy nước mặt Sông Đuống, Aqua One còn sở hữu nhiều dự án nhà máy nước quy mô lớn khác.

Cụ thể, CTCP Nước Aqua One đang là chủ sở hữu Công ty TNHH Nước sạch Hòa Bình – Xuân Mai, chủ đầu tư nhà máy nước mặt Xuân Mai – Hòa Bình với diện tích 52,4 ha.

Đây là nhà máy có quy mô cấp nước vùng, với công suất 600.000 m3/ngày đêm, tổng công suất dự kiến là 900.00 m3/ngày đêm. Cụ thể, hợp phần 1 giai đoạn 1 (2021) là 150.000 m3/ngày đêm; hợp phần 2 (2023) là 300.000 m3/ngày đêm; phát nước giai đoạn 2 (2030) là 600.000 m3/ngày đêm và phát nước sau năm 2030 là 900.000 m3/ngày đêm.

Tổng vốn đầu tư của nhà máy và hệ thống cấp nước là 3.040 tỷ đồng và tuyến ống truyền tải nước sạch là 1.255 tỷ đồng.

Cùng với đó, CTCP Nước Aqua One cũng sở hữu CTCP Nước Aquaone Hậu Giang (thành lập ngày 20/04/2015). Đây là chủ đầu tư nhà máy nước mặt Sông Hậu, tổng mức đầu tư 1.900 tỷ, diện tích hơn 15 ha, sử dụng nước mặt Sông Hậu, quy mô công suất 100.000m3/ngày.  Trong giai đoạn 2, nhà máy dự kiến nâng công suất lên 500.000 – 1 triệu m3/ngày.

Không những thế, doanh nghiệp của Shark Liên còn sở hữu 55% vốn CTCP Kinh doanh Nước sạch số 2 Aqua One và 70% vốn CTCP Kinh doanh Nước sạch số 3 Aqua One.

Một số dự án khác

Ngoài mảng nước, Aqua One đang là chủ sở hữu CTCP Đầu tư Một Trăm (vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng), do em gái bà Liên làm Người đại diện theo pháp luật, kiêm Chủ tịch HĐQT.

Như Nhadautu.vn đã đưa tin, đây là cổ đông chiến lược của CTCP Đóng tàu và Dịch vụ Dầu khí Vũng Tàu (Vungtau Shipyard) – chủ đầu tư dự án Cảng tổng hợp và Container Cái Mép Hạ.

Được biết, dự án có quy mô 86,6 ha, tổng mức đầu tư 10.235 tỷ đồng. Quá trình triển khai dự kiến chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ năm 2010 đến năm 2013, hoàn thành và đưa vào khai thác 600m bến. Giai đoạn 2 từ năm 2013 đến năm 2015, hoàn thành và khai thác toàn bộ công trình.

Dù vậy, dự án đã bị thu hồi do chủ đầu tư không hoàn tất các thủ tục đầu tư theo quy định như: lập và trình phê duyệt quy hoạch xây dựng chi tiết; lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án (do thời gian phê duyệt từ năm 2008); cấp giấy phép xây dựng công trình; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Ngoài các dự án nêu trêu, tìm hiểu của Nhadautu.vn cho thấy chị em bà Liên đang nắm cổ phần/đứng tên cho một số doanh nghiệp khác.

Đơn cử, Công ty TNHH Đầu tư AAA Plus thành lập ngày 12/12/2013, đóng trụ sở tại số 19 Phùng Khắc Khoan, Phường Đa Kao, Quận 1, TP.HCM. Hoạt động kinh doanh chính là tư vấn quản lý. Ngày 15/5/2019, Công ty tăng vốn điều lệ từ 2 tỷ đồng lên 300 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông gồm: Bà Đỗ Thị Minh Đức nắm 88,3%, bà Đỗ Thị Kim Liên nắm 11,7%.

Ngoài ra, dữ liệu cho thấy bà Liên vẫn đang đứng tên cho CTCP Bảo hiểm AAA – chi nhánh Nam Sài Gòn, Đồng Nai, Phú Yên, Miền Tây.

Theo Hóa Khoa/Nhadautu

There are no comments yet

Tin mới hơn ...