Hậu phương “khủng” của ông chủ lớn Nước sạch Sông Đà
VNBTIMESVới việc Gelex sở hữu hơn 60% tại Nước sạch Sông Đà, doanh nhân Nguyễn Văn Tuấn là ông chủ lớn đứng sau. Vài năm qua, ông Nguyễn Văn Tuấn có những bước thăng tiến “chóng mặt” và đằng sau doanh nhân này luôn có dàn hậu phương “khủng”.
Những ngày qua, sự cố ô nhiễm nước tại Nhà máy nước sông Đà đang gây xôn xao dư luận. Trả lời báo chí, ông Nguyễn Văn Tốn – Tổng giám đốc CTCP Đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco-mã VCW) cho biết, ông cũng chỉ làm thuê. Vậy ông chủ thực sự của Nước sạch Sông Đà là ai?
Viwasupco tiền thân là Ban chuẩn bị sản xuất Nhà máy nước trực thuộc Tổng Công ty Cổ phần Vinaconex.
Năm 2009, doanh nghiệp này cổ phần hóa. Tính đến thời điểm hiện tại, cơ cấu cổ đông của Nước sạch sông Đà khá cô đặc khi phần lớn tỷ lệ sở hữu chỉ nằm trong tay hai công ty là Công ty TNHH MTV Năng lượng Gelex (60,46%) và CTCP Cơ điện lạnh (35,88%).
Công ty TNHH MTV Năng lượng Gelex được biết đến là công ty con của Tổng CTCP thiết bị điện Việt Nam (mã GEX) với tỷ lệ sở hữu 100%.
GEX hiện nay do ông Nguyễn Văn Tuấn (SN 1984) làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc.
Trước khi được bầu làm Tổng giám đốc GEX, ông Nguyễn Văn Tuấn được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT CTCP Kho vận miền Nam – Sotrans (mã STG) thay thế ông Trần Quyết Thắng. Hiện GEX cũng đang là cổ đông lớn nhất nắm 54,78% cổ phần của STG.
Ngoài ra, vị doanh nhân tuổi Giáp Tý còn đảm nhiệm chức Chủ tịch HĐQT của CTCP dây cáp Điện Việt Nam (Cadivi, mã: CAV). Tính đến 31/12/2018, Công ty TNHH Thiết bị điện GELEX sở hữu 93,83% vốn điều lệ của Cadivi.
Ngày 16/4/2019, HĐQT của CTCP Thiết bị điện (Thibidi, mã: THI) bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Tuấn làm Chủ tịch nhiệm kì 2019 – 2014. Hiện, Công ty TNHH Thiết bị điện GELEX đang sở hữu 80,31% vốn điều lệ của Thibidi.
Và tháng 6/2019, ông Nguyễn Văn Tuấn còn được bầu làm Chủ tịch HĐQT Viglacera (mã: VGC).
Có thể nói, doanh nhân Nguyễn Văn Tuấn đã gặt hái được nhiều thành công từ khi mới 30 tuổi khiến nhiều phải ngưỡng mộ. Song sau sự thành công của ông Tuấn là một hậu phương cũng rất “khủng”.
Theo báo cáo của Công ty Cổ phần Chứng khoán IB (Mã CK: VIX), bà Đào Thị Lơ là mẹ và bà Dương Thị Hồng Hạnh là vợ ông Nguyễn Văn Tuấn.
Được biết, bà Dương Thị Hồng Hạnh (SN 1987, thường trú quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) là cổ đông giữ 50,9% cổ phần Công ty TNHH Thiết bị và Xây lắp Huy Hoàng có vốn điều lệ 952 tỷ đồng, trụ sở chính tại phường Gia Sàng, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên.
Bà Hạnh cũng từng đấu giá thành công 4,5 triệu cổ phần Công ty TNHH MTV DAP- VINACHEM.
Còn bà Đào Thị Lơ (SN 1952) cũng là cổ đông lớn của Công ty TNHH Thiết bị và Xây lắp Huy Hoàng với 49,1% cổ phần.
Bà Lơ còn là cổ đông giữ 10% của CTCP Vật tư Nông nghiệp Thống nhất Tây Nguyên với vốn điều lệ 300 tỷ đồng. Đây là công ty con của GTNFoods.
Dương gia ở Thái Nguyên
Với việc mẹ và vợ nắm 100% cổ phần tại Xây lắp Huy Hoàng, trong khi công ty này cũng là chủ sở hữu Công ty TNHH MTV đầu tư GEX (Công ty sở hữu 69 triệu cổ phần tại GEX) có vốn điều lệ 800 tỷ đồng, trụ sở chính tại Thị trấn chùa Hang, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên.
Nhắc đến Xây lắp Huy Hoàng, công ty này được thành lập từ năm 2012 với vốn điều lệ 3 tỷ đồng do hai cổ đông sáng lập gồm: Nguyễn Việt Hùng (66,67%) và Dương Hoàng Đại (33,33%).
Tuy nhiên, ngày 13/4/2016, công ty này bất ngờ tăng vốn điều lệ lên 952 tỷ đồng, hai cổ đông sáng lập đều thoái vốn. Lúc này, mẹ và vợ của ông Nguyễn Hữu Tuấn nắm đến 73,8% vốn điều lệ tại Xây lắp Huy Hoàng.
Đáng chú ý, trong nhóm cổ đông của Xây lắp Huy Hoàng xuất hiện hai cổ đông họ Dương khác là Dương Hữu Tồn và Dương Hữu Hiệu.
Ông Dương Hữu Hiệu được biết đến là người đại diện pháp luật của Công ty TNHH thương mại Thành Hiệu và Chi nhánh CTCP đầu tư và xây dựng Trường Sơn. Ông Hiệu được giới thiệu là em trai của ông Dương Hữu Hiếu – Chủ tịch HĐQT CTCP thương mại và khai thác khoáng sản Dương Hiếu (mã DHM).
Còn ông Dương Hữu Tồn chính là bố đẻ của ông Dương Hữu Hiếu.
Nói về CTCP thương mại và khai thác khoáng sản Dương Hiếu, công ty này được thành lập vào năm 2003 với ngành nghề ban đầu là cung cấp vật tư thiết bị trong các ngành công nghiệp nặng.
Đến năm 2010, DHM mở rộng kinh doanh sang bất động sản và khoáng sản. Theo bản cáo bạch năm 2012, DHM đang sở hữu 6 mỏ khoáng sản gồm: mỏ đồng Dần Thàng; mỏ đá Seo Phả; mỏ đá Nạm Ban 2; mỏ vàng sa khoáng trên Sông Đà; mỏ vàng sa khoáng trên suối Nậm Há và mỏ đá xây dựng tại Quảng Nam.
Ngoài bố và em trai, ông Dương Hữu Hiếu còn hai anh trai, một chị và một em gái. Trong đó đáng chú ý là ông Dương Quang Sơn – Giám đốc Công ty điện lực Bắc Kạn.
Ngoài DHM, ông Hiếu còn được biết đến là Chủ tịch HĐQT CTCP khoáng sản Việt Thái Sơn. Công ty này có trụ sở tại tỉnh Lai Châu và từng mở chi nhánh tại phường Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội. Theo dữ liệu từ Tổng cục thuế, chi nhánh của CTCP khoáng sản Việt Thái Sơn đã ngừng hoạt động.
Có một điểm trùng hợp, vợ doanh nhân Nguyễn Văn Tuấn là bà Dương Thị Hồng Hạnh từng là giám đốc chi nhánh này.
Nữ doanh nhân Dương Thị Hồng Hạnh có mối liên hệ như thế nào với “Dương gia” của ông Dương Hữu Hiếu – Chủ tịch DHM?
Theo Bảo Bảo/Nhadautu
Tin mới hơn ...
- Nỗi xót xa của ông chủ mới đậu phộng Tân Tân sau hơn 10 năm mua cổ phần 21/08/2024
- Bữa sáng của tỷ phú: Những người thành công ăn gì? 20/08/2024
- Chủ tịch FPT chia sẻ nhiều bài học tại buổi gặp gỡ Doanh nhân trẻ Khởi nghiệp xuất sắc 2024 13/08/2024
- Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đẩy mạnh hợp tác tại diễn đàn Lan Thương – Mê Kông 13/08/2024
- Công bố Top 10 doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc 2024 13/08/2024
There are no comments yet