Hầm đường bộ Hải Vân 2: Cuộc giải cứu từ lòng núi



VNBTIMESVới hầm đường bộ Hải Vân 2, điểm đen về tai nạn giao thông ở đây coi như đã được xóa. Sau khi thông hầm và đưa vào sử dụng trong thời gian tới, nơi này sẽ mở lối cho một hệ thống giao thông hiện đại tiên tiến của đất nước trong tương lai không xa.

Hầm đường bộ Hải Vân 2 đang trên đường về đích

Trao đổi với Nhadautu.vn, ông Võ Ngọc Trung, Giám đốc Xí nghiệp Quản lý vận hành hầm Hải Vân cho biết, 12 năm vận hành, khai thác (từ tháng 6/2005 đến nay), đã có hơn 20 triệu lượt xe qua hầm. Mỗi lần có sự cố như ô tô chết máy va chạm trong hầm là một lần đội quân quản lý vận hành lại phải đóng hầm giải quyết sự cố.

Thời gian qua, bộ phận quản lý vận hành đã ứng trực giải quyết tai nạn rất tốt, có những cuộc giải cứu chỉ tính bằng phút. Tuy nhiên, ông Trung chia sẻ: “Mãi thế này không ổn, phải sớm có ống hầm 2”.

Dự án mở rộng hầm đường bộ qua đèo Hải Vân hơn lúc nào hết lại được trông đợi sớm hoàn thành để đưa vào vận hành góp giảm thiểu tai nạn giao thông, góp phần phát triển thông thương hai miền Nam – Bắc. Tầm quan trọng của việc sớm xây dựng ống hầm thứ 2 tại Hải Vân được đặt ra và xem như cuộc “giải cứu” từ trong lòng núi.

Dự án mở rộng hầm đường bộ Hải Vân với giai đoạn 1 sửa chữa, nâng cấp hầm Hải Vân hiện tại (hầm Hải Vân 1) và cải tạo đoạn tuyến quốc lộ 1 qua đèo Hải Vân. Giai đoạn 2, mở rộng hầm lánh nạn hiện tại thành hầm giao thông (hầm Hải Vân 2) với quy mô 4 làn xe và mở rộng cầu, đường dẫn quy mô 4 làn xe. Giai đoạn một đã hoàn thành. Giai đoạn 2 đang băng về đích. Dự kiến năm 2020 sẽ đưa vào vận hành.

PGS.TS. Trần Chủng – Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, (Bộ Xây dựng) cho rằng: “Để giảm thiểu tối đa những yếu tố gây tại nạn, để tránh ách tắc giao thông, để an toàn hơn, tiết kiệm thời gian lưu thông qua hầm thì khi ống hầm thứ 2 đi vào vận hành sẽ giải quyết được những vấn đề đó”.

PGS.TS. Trần Chủng – Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, (Bộ Xây dựng)

PGS.TS Trần Chủng phân tích, việc lưu thông 2 làn xe chạy cùng chiều trong ống hầm sẽ  khắc phục tối đa các hạn chế về tổ chức giao thông và quản lý vận hành của hầm Hải Vân 1 như hiện nay: Quẩn khí, tốn kém trong vận hành hệ thống lọc bụi tĩnh điện (3 trạm lọc bụi tĩnh điện), hệ thống hút khí bẩn và cấp khí tươi và nguy cơ mất ATGT do lưu thông 2 làn xe ngược chiều trong một ống hầm…

Trong khi đó, hệ thống thông gió dọc với ống hầm lưu thông cùng chiều tạo được dòng không khí sạch (hiệu ứng pít tông), nên theo tính toán chi phí bảo trì chỉ bằng khoảng 40% – 50% chi phí bảo trì cho một đường hầm như hầm Hải Vân hiện nay”.

Bộ GTVT cũng đã đánh giá việc triển khai giai đoạn 2 của dự án sẽ góp phần đảm bảo năng lực vận hành, khai thác hầm Hải Vân trong thời gian tới, đặc biệt trước đà tăng trưởng lưu lượng phương tiện 10-15%/năm, ngăn ngừa tình trạng quá tải ở ống hầm Hải Vân 1 hiện nay, đồng thời đồng bộ quy mô 4 làn xe trên toàn tuyến QL1.

2020, nhức nhối về điểm đen tai nạn tại Hải Vân sẽ được giảm thiểu tối đa, đẩy ký ức tang thương lùi vào quá khứ, rộng mở cơ hội giao thương cho Huế – Đà Nẵng, cho miền Trung và cho cả nước.

Dự án mở rộng hầm lánh nạn Hầm đường bộ Hải Vân thành hầm chính có điểm đầu thuộc thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc (TT-Huế) và điểm cuối thuộc phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) với tổng chiều dài hơn 12,6km, trong đó, đường dẫn phía Bắc (nằm ở thị trấn Lăng Cô) dài 2,1km, đường dẫn phía Nam (nằm ở phường Hòa Hiệp Bắc) dài 4,3km, đường hầm dài hơn 6,2km, rộng 9,75m và tĩnh không hầm là 5m.

Tổng mức đầu tư dự án này dự kiến trên 7.296 tỷ, được khởi công vào đầu năm 2016.

Theo Phan Chính/Nhadautu

There are no comments yet

Tin mới hơn ...