Giải mã “tài liệu mật” về nhà thầu dự án cao tốc Bắc Nam tuyến Cam Lộ – La Sơn
VNBTIMESTại lễ khởi công xây dựng dự án tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn, dự án đầu tiên trong 11 dự án thành phần của cao tốc Bắc – Nam phía Đông, danh tính các nhà thầu đã được Bộ GTVT (chủ đầu tư) niêm yết công khai.
Công bố danh tính các nhà thầu
Theo đó, thông tin về chủ đầu tư và nhà thầu được niêm yết công khai như sau: Chủ đầu tư: Bộ GTVT; Đại diện chủ đầu tư: Ban QLDA đường Hồ Chí Minh. Đơn vị tư vấn giám sát: Tổng Công ty Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải – CTCP, Công ty Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải 4, Công ty CP Tư vấn Xây dựng công trình giao thông 5, Công ty CP Tấn Phát, Công ty CP Xây dựng VNC, và Công ty CP Tư vấn Trường Sơn.
Về phía nhà thầu thi công, gói thầu xây lắp 1 được thực hiện bởi Liên danh Công ty CP Đầu tư và Xây dựng 703 và Tổng Công ty Thành An (Bộ Quốc phòng). Gói thầu xây lắp 2 được thực hiện bởi Liên danh Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn (Bộ Quốc phòng), Công ty CP Xây dựng Dịch vụ và Thương mại 68, và Công ty CP Đầu tư xây dựng và Xuất nhập khẩu 168 Việt Nam.
Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam là công trình quan trọng quốc gia ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2017-2020, đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư và được bố trí vốn với 11 dự án thành phần, trong đó đoạn Cam Lộ – La Sơn qua hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế có chiều dài gần 100km, tổng mức đầu tư 7.669 tỷ đồng. Dự kiến, dự án sẽ hoàn thành vào năm 2021.
Đáng chú ý, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2019, trả lời báo chí về kết quả sơ tuyển thầu đường bộ cao tốc Bắc Nam, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết: “Về kết quả sơ tuyển dự án cao tốc Bắc Nam, quá trình sơ tuyển bắt đầu từ tháng 5/2019 Ban quản lý dự án đã mở hồ sơ sơ tuyển, tháng 7/2019 nhận hồ sơ các nhà đầu tư. Hiện tại Ban quản lý dự án đã thành lập hội đồng thanh tra, báo cáo kết quả lên Bộ GTVT. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật về đấu thầu, quá trình đánh giá, thẩm định, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện theo chế độ hồ sơ mật, không cung cấp cụ thể được”.
Trao đổi với PV Infonet, ông Nguyễn Trí Đức – Chánh văn phòng Bộ GTVT cho biết, theo quy định của Luật Đấu thầu, chủ đầu tư phải có trách nhiệm bảo mật thông tin về nhà thầu khi chưa có kết quả đầu thầu chính thức.
“Còn khi đã có kết quả đấu thầu thì việc công khai thông tin về nhà thầu là đương nhiên”, ông Nguyễn Trí Đức nói.
60 nhà thầu trong nước và quốc tế tham gia
Theo Bộ GTVT, đến thời điểm này, 8/8 dự án thành phần đã mở thầu bước sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư với 60 nhà đầu tư trong nước và quốc tế tham gia. Theo lộ trình dự kiến, từ tháng 10/2019 đến tháng 1/2020, Bộ GTVT phát hành hồ sơ mời thầu. Từ tháng 1 đến tháng 2/2020, đánh giá hồ sơ mời thầu và đến tháng 3/2020, thẩm định, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư. Tất cả dự án này sẽ được triển khai ngay sau khi ký kết hợp đồng, dự kiến vào tháng 4/2020.
Ông Lâm Văn Hoàng, Giám đốc Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh – đơn vị được giao nhiệm vụ đại diện chủ đầu tư, cho biết tổng mức đầu tư tuyến cao tốc Cam Lộ – La Sơn khoảng 7.699 tỉ đồng, sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Trong đó, vốn đầu tư xây lắp khoảng 5.586 tỉ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 434 tỉ đồng. Toàn tuyến dài hơn 98 km, đi qua 2 tỉnh Quảng Trị (hơn 37 km) và Thừa Thiên Huế (61 km). Điểm đầu của dự án tại Km0 thuộc địa phận xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị; điểm cuối tại Km102+200 thuộc địa phận xã Lộc Sơn, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế (trùng với điểm đầu dự án thành phần La Sơn – Túy Loan).
Trong giai đoạn đầu, dự án được đầu tư với quy mô 2 làn xe, bề rộng nền đường 12 m, riêng các đoạn vượt có quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường là 23 m; vận tốc thiết kế 80-100 km/giờ. Giai đoạn hoàn chỉnh có quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường là 23 m.
Ông Nguyễn Viết Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (Vụ PPP – Bộ GTVT), cho biết dự án được chia thành 11 dự án thành phần, trong đó có 3 dự án đầu tư công và 8 dự án PPP (đối tác công – tư), loại hợp đồng BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao).
Trong 3 dự án đầu tư công, ngoài dự án Cam Lộ – La Sơn còn có dự án Cao Bồ – Mai Sơn và cầu Mỹ Thuận 2. Dự án cầu Mỹ Thuận 2 xây dựng cách cầu Mỹ Thuận hiện hữu khoảng 350m về phía thượng lưu, phần cầu chính vượt sông Tiền, nối Tiền Giang với Vĩnh Long. Cầu sẽ nối thông với đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận tại nút giao An Thái Trung, điểm cuối nối với đường cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ tại nút giao đầu tuyến Quốc lộ 80. Toàn tuyến đường và cầu chính dài khoảng 6,6 km. Cầu Mỹ Thuận 2 thiết kế rộng 6 làn xe, phần đường dẫn vào cầu được phân kỳ đầu tư 2 giai đoạn, giai đoạn trước mắt 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/giờ; giai đoạn hoàn chỉnh đầu tư 6 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/giờ. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 5.000 tỉ đồng, dự kiến khởi công cuối năm 2019.
Tám dự án PPP, loại hợp đồng BOT bao gồm: Mai Sơn (Ninh Bình) – Quốc lộ 45 (Thanh Hóa) dài 63 km; Quốc lộ 45 – Nghi Sơn (Thanh Hóa) dài 43 km; Nghi Sơn – Diễn Châu (Nghệ An) dài 50 km; Diễn Châu – Bãi Vọt (Hà Tĩnh) dài 50 km; Nha Trang – Cam Lâm (Khánh Hòa) dài 29 km; Cam Lâm – Vĩnh Hảo (Bình Thuận) dài 91 km; Vĩnh Hảo – Phan Thiết (Bình Thuận) dài 106 km; Phan Thiết – Dầu Giây (Đồng Nai) dài 98 km.
Theo Hiền Anh/Infonet
Tin mới hơn ...
- Người Mỹ bung tiền mua nông sản Việt, có mặt hàng thu thêm cả tỷ USD 21/08/2024
- Vĩnh Long mời gọi đầu tư 20 dự án, vốn hơn 30 ngàn tỷ đồng 21/08/2024
- Đồng Nai quyết gỡ vướng Khu đô thị phía Tây cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu 21/08/2024
- Thêm 2 cao tốc được kiến nghị bổ sung vào quy hoạch mạng lưới đường bộ toàn quốc 21/08/2024
- Đồng Nai: Dự án điện rác 2 năm chưa xong báo cáo nghiên cứu khả thi 21/08/2024
There are no comments yet