‘Đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp, chưa chín thì cần cân nhắc kỹ’



VNBTIMESGóp ý dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) khi đưa hộ kinh doanh vào luật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng vấn đề nào đã rõ, "chín" thì mới bổ sung, chứ không nên sửa đổi những vấn đề chưa đánh giá tác động.

Sáng 16/10, phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).

Nhiều băn khoăn đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp

Thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng trình bày tờ trình dự án luật và cho biết luật này sửa đổi 66 điều, bãi bỏ 2 điều, bổ sung 1 chương và 8 điều (bổ sung chương VIIa về hộ Kinh doanh, bao gồm 5 điều).

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay dự thảo luật đã bổ sung chương VIIa về hộ kinh doanh, quy định về nội dung và nguyên tắc cơ bản của quy định về hộ kinh doanh.

Dự thảo tiếp tục thừa nhận sự tồn tại của “hộ kinh doanh” là một hình thức kinh doanh, bên cạnh các loại hình doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty TNHH, công ty cổ phần, đảm bảo sự đa dạng hình thức kinh doanh, trao thêm quyền cho nhà đầu tư lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp.

. Ảnh: Bảo Lâm.

Bộ trưởng Dũng khẳng định, luật không ép buộc hành chính hộ kinh doanh phải chuyển tChủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngânhành doanh nghiệp hoặc xóa bỏ hình thức hộ kinh doanh.

Dự thảo luật cũng quy định rõ ràng địa vị pháp lý và trách nhiệm dân sự của hộ kinh doanh phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự (hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên gia đình đăng ký), bãi bỏ hạn chế của quy định hiện hành đối với hộ kinh doanh như chỉ được sử dụng dưới 10 lao động, không được mở chi nhánh, văn phòng đại diện.

Cho ý kiến về vấn đề này, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng trước khi luật hóa quy định về hộ kinh doanh thì cần phải trả lời câu hỏi: “Vì sao hộ kinh doanh không thích lên doanh nghiệp?”

Ông Nguyễn Hạnh Phúc nhận định: “Lên doanh nghiệp thuế má rất phức tạp, hộ kinh doanh làm gì có kế toán, có gian nhà con con mấy chục mét vuông thì kinh doanh đơn giản thôi, rồi lên doanh nghiệp tiếp thanh tra, kiểm tra cũng chết, không ai mong muốn điều này cả”.

Theo ông, nếu, dự luật đưa hộ kinh doanh vào luật thì đương nhiên coi họ như doanh nghiệp, phải có đánh gía tác động kỹ chứ không vội được nên ông chưa đồng tình lắm về quy định này

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng đề nghị cân nhắc việc bổ sung hộ kinh doanh vì đặc trưng kinh tế của Việt Nam khác với các nước khác. Ông nói: “Nên có cơ chế thoáng để phát triển sản xuất kinh doanh, không phải vì hộ kinh doanh thực hiện thuế khoán nay đưa vào thì quản lý thuế chặt chẽ hơn, quan trọng là khoán có sát không”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định bổ sung quy định về hộ kinh doanh vào dự thảo luật là vấn đề lớn nhưng chưa có sự đánh giá tác động đầy đủ.

Theo Chủ tịch Quốc hội, vấn đề nào đã rõ, đã “chín” thì mới bổ sung, còn nếu không thì chỉ sửa những vấn đề bất cập để phát triển doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi dễ dàng chứ không nên sửa đổi những vấn đề chưa đánh giá tác động.

“Chúng ta phải trả lời được câu hỏi lớn nhất là sửa đổi luật có giải quyết được bất cập hiện nay hay không và phải bảo đảm không tạo ra sự không tương thích mới, ảnh hưởng đến tính thống nhất của hệ thống pháp luật”, bà Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.

Đề xuất thay đổi khái niệm doanh nghiệp nhà nước

Cũng theo tờ trình do Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trình bày, nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng tại nghị quyết hội nghị Trung ương 5 khóa 12 về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, dự thảo Luật Doanh nghiệp đã sửa đổi quy định về doanh nghiệp nhà nước.

Cụ thể, doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước được cụ thể hóa bằng tiêu chí Nhà nước “sở hữu trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết” của doanh nghiệp đó.

Theo đó, khái niệm doanh nghiệp nhà nước được sửa đổi để bao gồm cả 2 loại doanh nghiệp: Doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ và doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Cũng theo Bộ trưởng KH&ĐT, nhằm nâng cao yêu cầu về quản trị đối với công ty TNHH, công ty cổ phần có sở hữu của nhà nước trên 50% vốn điều lệ, tăng mức độ kiểm soát tập quyền, chống xung đột lợi ích và bảo đảm tính minh bạch hóa trong hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, dự thảo luật đã bổ sung quy định để mở rộng phạm vi đối tượng không người có liên quan không được làm thành viên HĐQT, giám đốc hoặc tổng giám đốc. Bao gồm, con rể, con dâu, anh em bên chồng.

Dự thảo cũng bổ sung quy định công khai hóa thông tin của doanh nghiệp; sửa đổi quy định về cổ phần ưu đãi biểu quyết do Nhà nước nắm giữ (cổ phần “vàng”) theo hướng không giới hạn về thời gian và mức độ biểu quyết ưu đãi,..

“Cơ quan soạn thảo đã rà soát toàn diện, đánh giá tác động do sửa đổi khái niệm doanh nghiệp nhà nước trong dự thảo Luật doanh nghiệp (sửa đổi), đã tổ chức nhiều buổi tham vấn riêng về nội dung này. Tổng số có 9 luật có liên quan, nhưng chỉ có 2 luật cần phải được sửa đổi do thay đổi khái niệm doanh nghiệp nhà nước trong Luật Doanh nghiệp, bao gồm Luật Ngân sách nhà nước và Luật Thủy lợi”, ông Nguyễn Chí Dũng nói.

Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: Bảo Lâm.

Do dó, dự thảo Luật doanh nghiệp (sửa đổi) đã bổ sung vào điều khoản thi hành nội dung về sửa đổi luật có liên quan. Theo đó khái niệm “doanh nghiệp nhà nước” trong 2 luật ngân sách nhà nước và thủy lợi sẽ được thay bằng khái niệm ‘doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ’ nhằm đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Trình bày báo cáo thẩm tra về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, nhiều ý kiến cho rằng, với cách phân loại doanh nghiệp nhà nước tại dự thảo luật, cần nghiên cứu, xác định tỷ lệ Nhà nước nắm giữ vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết phù hợp, có thể là 75% nhằm bảo đảm Nhà nước nắm giữ phần vốn góp hoặc cổ phần chi phối, bám sát với quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết Trung ương 5.

“Quy định về tỷ lệ sở hữu vốn góp hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của Nhà nước tại dự thảo luật chưa bảo đảm sự chi phối của Nhà nước đối với các quyết định quan trọng, chi phối hoạt động của doanh nghiệp, bao gồm việc thông qua nghị quyết của HĐTV trong công ty trách nhiệm hữu hạn và nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông trong công ty cổ phần”, ông Vũ Hồng Thanh cho hay.

Do vậy, Ủy ban Kinh tế đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, xác định tỷ lệ nắm giữ vốn góp hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của Nhà nước phù hợp, bảo đảm được sự chi phối của Nhà nước trong việc quyết định các vấn đề quan trọng của doanh nghiệp, đồng thời hài hòa với quyền, lợi ích hợp pháp của các thành viên góp vốn, cổ đông khác nhằm tạo thuận lợi trong việc thực hiện mục tiêu cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Một số ý kiến tại cơ quan thẩm tra đề nghị tiếp tục nghiên cứu, làm rõ tác động của việc thay đổi khái niệm doanh nghiệp nhà nước tới việc tổ chức quản trị, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp có liên quan, không ảnh hưởng tới tiến trình thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Đồng thời, rà soát, sửa đổi các quy định về doanh nghiệp nhà nước, bảo đảm tính tự chủ, công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, giám sát, kiểm tra, kiểm soát đối với hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, không để xảy ra thất thoát, lãng phí vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.

Ủy ban Kinh tế đề nghị cơ quan soạn thảo báo cáo đánh giá tác động của việc thay đổi khái niệm doanh nghiệp nhà nước tới số lượng, hoạt động quản trị của các doanh nghiệp sẽ trở thành doanh nghiệp nhà nước theo quy định của dự thảo luật này, bảo đảm phù hợp với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; nghiên cứu bổ sung quy định điều khoản chuyển tiếp nhằm tránh gây xáo trộn, khó khăn không cần thiết cho hoạt động của doanh nghiệp.

Theo Thắng Quang/Nhadautu

There are no comments yet

Tin mới hơn ...