Doanh nghiệp giữ tiền tỷ, người lao động đi xuất khẩu hụt nhận “trái đắng”



VNBTIMESLợi dụng nhu cầu đi làm việc tại Nhật Bản tăng cao, thời gian gần đây nhiều công ty không có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài nhưng dùng đủ chiêu trò để tuyển dụng, sau đó om nhiều tỷ đồng tiền cọc bỏ trốn, khiến không ít lao động trẻ lao đao vào cảnh nợ nần.

Om nhiều tỷ đồng tiền cọc của người lao động

Theo đơn phản ánh của một nhóm lao động gửi đến báo Tiền Phong, vào tháng 8/2018, nhóm này gồm 5 người là L.V.H (32 tuổi, quê ở Đông Hỷ, Thái Nguyên), V.T.H (26 tuổi, quê ở Can Lộc, Hà Tĩnh), N.H.T (28 tuổi, quê ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh) và H.Đ.P, H.Q.T (27 tuổi, quê ở Thăng Bình, Quảng Nam) đến Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ AFS Thăng Long (gọi tắt là Cty AFS Thăng Long, địa chỉ tại ngõ 176 Mai Dịch, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) để tham gia thi tuyển đơn hàng kỹ sư điện tử làm việc tại Nhật Bản.

Tại đây, nhóm lao động trên được Công ty AFS Thăng Long hứa hẹn sau khi học xong khóa tiếng Nhật, công ty sẽ làm thủ tục xuất cảnh sang Nhật sớm. Phía công ty yêu cầu mỗi người phải đóng trước 4.000 USD (khoảng 94 triệu đồng) để đặt cọc và cam kết đến ngày 10/2/2019 sẽ xuất cảnh.

Cty AFS Thăng Long thu hàng tỷ đồng của người lao động nhưng hiện vẫn chưa trả lại

Tuy nhiên, đến tháng 1/2019, chỉ còn 1 tháng trước khi xuất cảnh phía Công ty AFS Thăng Long vẫn chưa xin được tư giấy cách lưu trú tại Nhật. Lúc này, bà Nguyễn Thị Vân, Phó giám đốc Công ty AFS Thăng Long và ông Trần Huy Công (người bảo lãnh và làm đầu mối với các xí nghiệp Nhật của đơn hàng) tiếp tục hứa hẹn đến cuối tháng 2/2019, nếu không xin được giấy tư cách lưu trú sẽ hoàn trả lại toàn bộ số tiền mà những người này đã đóng.

Nhưng đến hẹn, Công ty AFS Thăng Long bất ngờ thông báo không đưa được người lao động sang Nhật làm việc. Khi được hỏi về việc hoàn trả tiền, bà Trần Thị Vân và ông Trần Huy Công đều trốn tránh trách nhiệm.

“Sau nhiều lần đòi nợ, đến nay chúng tôi mới chỉ nhận được khoảng 10-15 triệu đồng mỗi người, có người chưa nhận được đồng nào. Số tiền còn lại của mỗi người hơn 80 triệu đồng, bà Vân và ông Công không những không chịu trả mà còn nói giọng rất thách thức”, L.V.H bức xúc nói.

Theo tìm hiểu của Tiền Phong, không chỉ nhóm lao động 5 người trên, hiện có 16 kỹ sư khác và gần 50 thực tập sinh cũng đang tố cáo Công ty AFS Thăng Long chiếm giữ hàng chục triệu đồng tiền đặt cọc. Số tiền chiếm giữ lên tới hàng tỷ đồng.

Liên hệ với hai người này, khi phóng viên mới chỉ giới thiệu, cả hai liền tắt máy và không có bất kỳ phản hồi nào.

Chạy xe ôm bám trụ để… đòi nợ

Tình trạng các công ty không được cấp phép đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài nhưng hoạt động trong lĩnh vực này đang diễn ra khá phổ biến.

Đối với những lao động trẻ, số tiền trên là cả một gia tài. Từ giấc mộng mong đổi đời nhờ xuất khẩu lao động, nay những thanh niên tỉnh lẻ lại trở thành những xe ôm bất đắc dĩ tại Hà Nội chạy xe kiếm sống qua ngày, tiếp tục công cuộc đòi nợ.

V.T.H kể, sau khi không đi được sang Nhật và bị Công ty AFS chiếm giữ tiền, mọi người đếu rất hoang mang. Vì sợ gia đình biết chuyện, từ tháng 2/2019, H không về nhà mà chạy khắp nơi vay mượn bạn bè, mua chiếc xe cũ với giá 2 triệu đồng để chạy xe ôm.

“5 anh, em thuê phòng trọ 1,5 triệu đồng/tháng để ở. Còn để có tiền ăn và tiền trọ, người đi chạy xe ôm, người đi phụ hồ, người đi làm thêm ở quán phở. May mắn thì mỗi ngày kiếm được 150 nghìn đồng. Cuối tuần, anh, em cùng nhau đi tìm bà Vân để đòi tiền”, H rưng rưng nói.

V.T.H đang chạy xe ôm để kiếm sống qua ngày, tiếp tục việc đòi lại tiền. Rất nhiều trường hợp bị Công ty AFS Thăng Long chiếm giữ tiền đặt cọc đang trong hoàn cảnh này.

Còn N.H.T tâm sự, mới thi đỗ 1 đơn hàng của công ty khác nhưng công ty này yêu cầu đóng phí tuyển dụng 2.000 USD. Sau nhiều lần xin gia hạn, đến nay công ty hủy đơn hàng và đòi bồi thường.

“Tiền cọc là số tiền gia đình vay nợ để em đi nước ngoài, đến giờ vẫn không đòi lại được. Thi đơn hàng khác cũng không có tiền. Bố, mẹ gọi liên tục hỏi sao vẫn chưa đi mà không biết trả lời thế nào”, T nghẹn ngào nói.

Vượt hơn 800 km, H.Đ.P và H.Q.T từ Quảng Nam ra Hà Nội với mong muốn thi được đơn hàng kỹ sư đúng chuyên ngành. Tuy nhiên, từ sau Tết đến nay, cả hai vẫn chưa dám về nhà. Kể về ước mong xuất khẩu lao động, cả P, T và L.V. H đều không khỏi ngán ngẩm. Hiện, các lao động đã nộp đơn tố cáo lên cơ quan công an.

Trao đổi với phóng viên, thiếu tá Nguyễn Ngọc Minh, Đội cảnh sát điều tra về kinh tế và chức vụ, Công an quận Cầu Giấy cho biết, sau khi nhận được đơn tố cáo, CA quận Cầu Giấy cũng đã triệu tập ông Đặng Văn Sơn (Giám đốc Công ty AFS Thăng Long), bà Nguyễn Thị Vân, và ông Trần Văn Công lên làm việc. Bước đầu, những người này thừa nhận Công ty AFS Thăng Long không được cấp phép đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và đang giữ tiền đặt cọc của người lao động.

Tuy nhiên, để kết luận nhóm người này có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay không, cơ quan công an đang phải liên hệ với Cục quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động thương binh và xã hội) và cơ quan chức năng của Nhật để xác minh việc đưa người lao động đi làm việc theo diện kỹ sư trực tiếp có được pháp luật hai nước cho phép hay không. Hiện, CA Quận cũng đang tiến hành vận động những người này hoàn trả lại tiền cho người lao động, Thiếu tá Minh cho hay.

Lãnh đạo Cục quản lý lao động ngoài nước cho biết, theo quy định, phía Nhật vẫn cho phép người lao động ký trực tiếp với các doanh nghiệp Nhật sang làm việc theo diện kỹ sư. Tuy nhiên, nếu qua môi giới hoặc công ty trung gian thì không được phép.

“Trường hợp Công ty AFS Thăng Long không được Cục cấp phép mà đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là hoàn toàn trái phép”, vị này khẳng định.

DƯƠNG HƯNG/ tienphong

There are no comments yet

Tin mới hơn ...