Đại gia Khoa ‘khàn’ rút lui, chủ mới Golden Palace A là ai?



VNBTIMESDự án hiện nay được quảng bá với tên gọi mới là Imperia Eden Park, có thể hiểu là để sử dụng thống nhất thương hiệu Imperia của chủ sở hữu mới, và đồng thời "đoạn tuyệt" luôn với chuỗi Golden Palace của doanh nhân lừng lẫy một thời - Khoa "khàn"

Phối cảnh dự án Golden Palace A

Thăng trầm dự án “Cung điện Vàng”

Cuối thập niên trước, sau khi chuyển đổi sang mô hình tập đoàn kinh tế, Tập đoàn Dầu khí (PVN) mang trong mình tham vọng lớn khi mở rộng ra nhiều mảng đầu tư, với tầm nhìn tiếp tục trở thành trụ cột của nền kinh tế. Để tương xứng với tầm vóc của mình, lãnh đạo PVN khi đó đã đề xuất siêu dự án Tháp Dầu khí 102 tầng (PVN Tower), khi hoàn thành sẽ là biểu tượng mới, không chỉ của ngành dầu khí mà còn là Thủ đô Hà Nội cũng như cả nước.

Với mức độ ảnh hưởng của PVN lúc bấy giờ, dự án không mất nhiều thời gian để được phê duyệt. Theo quy hoạch 1/500 được công bố tháng 8/2010, PVN Tower có tổng vốn đầu tư lên tới 1 tỷ USD, được xây dựng trong ô đất 6,5ha thuộc xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm, trong quần thể toàn dự án thương mại rộng 39,8 ha.

Tuy vậy, dự án sau đó mang tới không ít nghi ngại về tính khả thi, nhất là trong bối cảnh bản thân PVN gặp khó khăn và thị trường địa ốc suy thoái. Đầu năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo PVN không tiếp tục thực hiện dự án để tập trung nguồn lực cho hoạt động của ngành, nghề kinh doanh chính theo đúng chủ trương.

Thực hiện yêu cầu của Thủ tướng, PVN tuyên bố rút khỏi dự án và chuyển giao lại cho công ty con là Tổng công ty Xây lắp Dầu khí (PVC), với quy mô giảm xuống còn 79 tầng thay vì 102 tầng như thiết kế ban đầu, số vốn đầu tư giảm xuống còn trên 600 triệu USD. Tuy nhiên PVC với thực trạng tài chính thua lỗ nặng nề cũng đã không thể hiện thực hoá tham vọng biểu tượng ngành dầu khí.

Tháng 2/2015, Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc chuyển đổi chủ đầu tư dự án, đồng thời giao UBND TP. Hà Nội xem xét đề xuất của CTCP Đầu tư Mai Linh, quyết định việc chuyển đổi chủ đầu tư đảm bảo hiệu quả quỹ đất.

Đến tháng 7/2015, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ký văn bản số 1081/TTg-KTN thông báo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đồng ý UBND TP. Hà Nội được giao đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất và lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định để thực hiện Dự án “Công viên giải trí, trường học và Tổ hợp nhà ở, thương mại dịch vụ Golden Palace A” tại Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Ngày 1/12/2015, UBND TP. Hà Nội có Quyết định số 6578/QĐ-UBND phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết dự án Khu chức năng đô thị Golden Palace A, tỷ lệ 1/500 có diện tích nghiên cứu lập quy hoạch 39,8 ha.

Đầu tư Mai Linh tiếp tục được “dọn đường” khi quyết định do nguyên Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo ký nêu rõ: “UBND quận Nam Từ Liêm, UBND các phường Mễ Trì, Phú Đô có trách nhiệm tạo điều kiện cho CTCP Đầu tư Mai Linh trong quá trình triển khai lập quy hoạch để đáp ứng các yêu cầu về chất lượng và thời gian lập đồ án quy hoạch”. Ngày 21/11/2016, quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 dự án đã được Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội chấp thuận tại Quyết định số 6978/QĐ-QHKT.

Trên cơ sở đó, UBND TP. Hà Nội ngày 20/2/2017 đã có Quyết định số 1208/QĐ-UBND chính thức công nhận CTCP Đầu tư Mai Linh làm chủ đầu tư dự án. Vốn đầu tư theo đó là 4.460 tỷ đồng, tuy nhiên đáng chú ý là tổng diện tích sử dụng đất của dự án lúc này chỉ còn 206.337 m2, bằng già nửa so với diện tích nghiên cứu quy hoạch ban đầu (39,8 ha).

Những tưởng dự án sẽ nhanh chóng được khởi động, song tổ hợp thương mại có tên dịch sang tiếng Việt là “Cung điện Vàng” sau đó tiếp tục chịu cảnh quây tôn, đắp chiếu, đi kèm với nhiều đồn đoán về vợ chồng doanh nhân Trần Đăng Khoa – Nguyễn Thị Minh Hồng.

Đổi chủ

Ngày 29/6/2018, một sự kiện mang tính bước ngoặt xảy đến với Mai Linh khi một nhân vật quan trọng trong hệ sinh thái của ông Khoa ‘khàn’ là ông Nguyễn Anh Lê bị miễn nhiệm Tổng giám đốc kiêm Người đại diện theo pháp luật. Người thay thế là ông Vũ Tiến Đức. Trước đó, ba pháp nhân đã nhận chuyển nhượng toàn bộ 600 tỷ đồng mệnh giá cổ phần của Mai Linh là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Linh Sơn, Công ty TNHH Thương mại – Dịch vụ LTVN và Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ ANC Sài Gòn, với tỷ lệ lần lượt là 99,8%; 0,1%; 0,1%.

Như vậy, sau 12 năm gắn bó, vợ chồng ông Khoa ‘khàn’ đã hoàn toàn rút khỏi Mai Linh, nhường chỗ cho chủ sở hữu mới là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Linh Sơn (hai pháp nhân còn lại nhiều khả năng chỉ đứng tên để duy trì mô hình công ty cổ phần của Mai Linh).

Như Nhadautu.vn đã đề cập trong bài viết trước, cả ba nhà đầu tư này đều có nhiều liên hệ, và nói không quá là thành viên của MIK Group – một tập đoàn bất động sản nổi lên rất nhanh thời gian qua. Mối liên quan này cụ thể ra sao?

Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Linh Sơn từng được biết tới với vai trò là nhà đầu tư nắm 15% cổ phần dự án Imperia Garden 203 Nguyễn Huy Tưởng (quận Thanh Xuân, Hà Nội).

Doanh nghiệp này được thành lập năm 2015 với vốn điều lệ 450 tỷ đồng, gồm hai thành viên góp vốn là ông Nguyễn Anh Tuấn và bà Nguyễn Thị Thu Hương. Sau nhiều lần thay đổi cơ cấu sở hữu, tới tháng 1/2019, Công ty TNHH Kinh doanh Quốc tế Silver Field và Công ty TNHH Sàn Giao dịch Bất động sản Sài Gòn Alpha nắm lần lượt 55,3% và 44,7% vốn Linh Sơn, vốn điều lệ được tăng lên 2.345,8 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, bà Nguyễn Thu Minh – vợ ông Nguyễn Anh Tuấn – một trong hai thành viên sáng lập của Linh Sơn là cổ đông lớn, nắm khoảng 2,77 triệu cổ phần CTCP Be Group – nhà phát triển ứng dụng gọi xe công nghệ Be được ra mắt cuối năm ngoái.

Về phần mình, Silver Field hoạt động từ năm 2014 với vốn 770 tỷ đồng, thuộc sở hữu của ông Đinh Quốc Sỹ – Chủ tịch kiêm TGĐ; trong khi Sài Gòn Alpha cũng là công ty con 94,4% vốn của Silver Field (doanh nhân Đinh Quốc Sỹ nắm 5,6% còn lại).

Như vậy, theo cách tính trực tiếp (qua Quốc tế Silver Field) và gián tiếp (qua Sài Gòn Alpha) – ông Sỹ hiện nắm toàn bộ 100% phần vốn trong Công ty Linh Sơn, đồng nghĩa với quyền phát triển tuyệt đối dự án Golden Palace A.

Tuy nhiên, doanh nhân sinh năm 1979 khó có thể coi là chủ sở hữu thực sự của Silver Field, khi toàn bộ phần vốn góp của ông đã được thế chấp tại VPBank từ cuối tháng 11 năm ngoái, và vai trò của ông Sỹ cũng chỉ dừng ở một mắt xích trong hệ sinh thái khổng lồ MIK Group.

Trong thương vụ M&A Golden Palace A, doanh nhân Vũ Tiến Đức (SN 1968) mới là nhân vật nổi bật hơn cả. Quan sát của Nhadautu.vn cho thấy ông Đức đóng vai trò điều phối hoạt động của các diễn biến trong thương vụ. Điều này không khó lý giải bởi ông Vũ Tiến Đức là chồng bà Nguyễn Quỳnh Anh – cựu Trưởng BKS VPBank. Vợ chồng bà từng nắm nhiều chục triệu cổ phiếu nhà băng này.

Hiện nay, doanh nhân vừa bước qua tuổi 52 đang đứng tên khoảng 10 pháp phân quan trọng trong hệ sinh thái MIK Group, như Công ty TNHH Đầu tư Starbay Hà Nội – công ty mẹ của CTCP Terra Gold Việt Nam – chủ đầu tư dự án Imperia Sky Garden 423 Minh Khai; CTCP Hải Dương Long Biên – công ty mẹ của Công ty TNHH Bất động sản Thạch Bàn Lakeside – chủ đầu tư dự án Elegant Park Villa tại Long Biên; hay CTCP Starbay Việt Nam – chủ đầu tư dự án Bãi Dài Resort quy mô 345.470,7 m2 tại Gành Dầu, Phú Quốc…

Ông Vũ Tiến Đức, như đã biết, từ cuối tháng 6/2018 đã trở thành TGĐ kiêm Người đại diện theo pháp luật mới của CTCP Đầu tư Mai Linh, đồng nghĩa trực tiếp phụ trách phát triển tổ hợp Golden Palace A. Với những thành công trong quá khứ, doanh nhân họ Vũ được kỳ vọng sẽ nhanh chóng biến khu đất gần 40 ha phía Tây Bắc Hà Nội trở thành một khu đô thị đồng bộ, hiện đại, góp phần vào sự phát triển chung của Thủ đô.

Được biết, sau khi về tay MIK Group, dự án đang có những chuyển biến tích cực. Tháng 1/2019, CTCP Đầu tư Mai Linh đã thu xếp được dòng vốn khi thế chấp toàn bộ diện tích 398.191 m2 tại VPBank. Các chiến dịch truyền thông cũng được đẩy mạnh. Dự án hiện nay được quảng bá với tên gọi mới là Imperia Eden Park, có thể hiểu là để sử dụng thống nhất thương hiệu Imperia của MIK Group, cũng đồng thời “đoạn tuyệt” luôn với chuỗi Golden Palace của doanh nhân lừng lẫy một thời – Khoa ‘khàn’.

Diễn biến thế chấp toàn bộ dự án với diện tích 398.191 m2 vào đầu năm nay là dấu hiệu cho thấy nhiều khả năng CTCP Đầu tư Mai Linh đã được chấp thuận giao nốt phần đất còn lại (khoảng 19,2 ha) trong quy hoạch ban đầu. Nếu giả thiết trên là chính xác, thì một câu hỏi cần đặt ra là việc giao đất này có được thực hiện thông qua đấu giá, hay tiếp tục được chỉ định như Mai Linh “phiên bản” Khoa “khàn” năm 2017?

Theo Lâm Tín/ Nhadautu

 

There are no comments yet

Tin mới hơn ...