Cả chục doanh nghiệp ‘băm nát’ thắng cảnh quốc gia hồ Tuyền Lâm
VNBTIMESCả chục doanh nghiệp đã vi phạm từ phá rừng, tự ý chuyển đổi đất rừng, đến xây dựng sai phép, không phép…, trong đó có nhiều hạng mục công trình vi phạm tại khu vực bảo vệ I của di tích thắng cảnh quốc gia hồ Tuyền Lâm (TP.Đà Lạt).
Trong báo cáo mới đây gửi Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Lâm Đồng nêu tên 10 doanh nghiệp vi phạm bao gồm các công ty cổ phần như Lý Khương, Nhật Nguyên, Thiên Nhân, Sao Đà Lạt, Đầu tư và du lịch Toàn Cầu, Du lịch sinh thái Lạc Nam; các công ty TNHH như Li Mi, Trà Vườn Thương; DN tư nhân Phong Phú – Lâm Đồng…
Công ty CP Thiên Nhân có nhiều sai phạm trong quá trình triển khai dự án khu nghỉ dưỡng Highland resort như phá rừng phòng hộ trái phép tại 2 vị trí ở tiểu khu 266 với tổng diện tích 800m2, tự ý chuyển mục đích sử dụng 700m2 đất rừng phòng hộ; xây dựng 23 công trình sai phép và 5 công trình không phép.
UBND TP.Đà Lạt đã ban hành 3 quyết định xử lý vi phạm hành chính và 1 quyết định cưỡng chế thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, nhưng đến nay Công ty CP Thiên Nhân vẫn chưa chấp hành khắc phục hoàn toàn các sai phạm.
Công ty CP đầu tư và du lịch Toàn Cầu đã xây dựng 15 công trình không phép; phá rừng, chặt hạ trái phép 40 cây thông 3 lá; xây dựng cầu tạm nằm ngoài ranh đất được thuê và vi phạm khu vực bảo vệ I di tích hồ Tuyền Lâm.
UBND TP.Đà Lạt cũng đã ban hành 1 quyết định xử phạt vi phạm hành chính 15 công trình không phép, 1 quyết định cưỡng chế thực hiện khắc phục hậu quả và Hạt Kiểm lâm TP.Đà Lạt xử phạt hành vi khai thác trái phép 40 cây thông 3 lá.
Đến nay, ngoài việc tháo dỡ cầu tạm và nộp phạt 30 triệu đồng về hành vi phá rừng, Công ty Toàn Cầu vẫn chưa được tháo dỡ toàn bộ các công trình không phép.
Công ty CP Sao Đà Lạt có tới 43 hạng mục công trình xây dựng, lắp đặt không phép, trong đó có nhiều hạng mục đang trong quá trình xin điều chỉnh quy hoạch dự án nên chưa thể khắc phục hậu quả một cách triệt để.
Các vụ việc sai phạm, hạng mục công trình không phép (xâm phạm khu vực bảo vệ I của hồ Tuyền Lâm) của các Công ty TNHH Li Mi, Công ty TNHH Trà Vườn Thương, doanh nghiệp tư nhân Phong Phú – Lâm Đồng… cũng chưa được khắc phục dứt điểm.
UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết đã giao UBND TP.Đà Lạt tiếp tục theo dõi thời hạn khắc phục hậu quả của các doanh nghiệp nói trên, nếu không chấp hành sẽ cưỡng chế thực hiện trong thời gian tới.
Tỉnh Lâm Đồng cũng đã chỉ đạo một số ban, ngành, đơn vị tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc để xảy ra sai phạm tại hồ Tuyền Lâm để có hình thức kỷ luật phù hợp.
Theo Kim Anh/ Tiền Phong
Tin mới hơn ...
- Miễn nhiệm chức Chủ tịch HĐND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang 08/10/2024
- Cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang góp phần tăng tính kết nối liên vùng 21/08/2024
- Vùng núi và trung du Bắc Bộ mưa lớn, có nơi trên 230 mm 21/08/2024
- Sắp diễn ra ngày hội yoga và pilates quy mô lớn tại Nghệ An 21/08/2024
- Gian nan đường đến trường của học sinh vùng lũ Sơn La 19/08/2024
There are no comments yet