Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Có thời điểm quyết định đầu tư “hết sức tùy tiện”



VNBTIMESTrước khi Luật Đầu tư công được ban hành thì công tác điều hành quản lý đầu tư công của chúng ta rất phân tán, nằm ở các văn bản dưới luật nên trong thời gian này đã để lại một hệ quả hết sức lớn, đó là phân tán, dàn trải, quyết định đầu tư của các dự án hết sức tùy tiện.

Giải trình phiên chiều 29/10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa nhận, trước khi Luật Đầu tư công được ban hành thì công tác điều hành quản lý đầu tư công của chúng ta rất phân tán, nằm ở các văn bản dưới luật nên trong thời gian này đã để lại một hệ quả hết sức lớn, đó là phân tán, dàn trải, quyết định đầu tư của các dự án hết sức tùy tiện.

“Quyết định đầu tư nhưng không biết có tiền hay không, không biết tiền ở đâu và có bao nhiêu, quyết định đầu tư xong rồi, chúng ta mới tạo nên một áp lực rồi đi xin vốn, không xin được vốn thì không đủ vốn. Không đủ vốn thì xin ứng trước, không ứng trước thì kéo dài, kéo dài thì nợ đọng, hiệu quả dự án không có”, Bộ trưởng Dũng nói

Do đó, Bộ trưởng Dũng cho biết, giai đoạn 2016-2020 chúng ta phải tập trung xử lý, Luật Đầu tư công phải ban hành để khắc phục những tình trạng này.

Bộ trưởng Dũng cho biết, Luật Đầu tư công ra đời đã giảm được dàn trải và phân tán, tất nhiên là chưa triệt để nhưng đã giảm rất nhiều. Giai đoạn 2011 -2015, chúng ta khởi công thực hiện hơn 20.000 dự án. Gần 21.000 dự án nhưng trong kế hoạch 5 năm 2016 – 2020, chúng ta giảm chỉ còn 9.620 dự án, tức là đã giảm hơn 1 nửa số dự án đã thực thi.

Cũng theo Bộ trưởng, nợ đọng xây dựng cơ bản cũng đã chấm dứt đến 31/12/2014, tức là khi Luật Đầu tư công bắt đầu có hiệu lực, chúng ta không còn nợ đọng xây dựng cơ bản.

Bộ trưởng cũng chỉ ra những mặt hạn chế như giao vốn nhiều lần, giải ngân chậm, hiệu quả dự án.

Theo đó, Bộ trưởng cho biết phương hướng sắp tới trình Quốc hội sửa đổi một số vấn đề tồn tại trong Luật Đầu tư công. Thứ hai, đồng bộ với các văn bản pháp luật khác.

Thứ ba, phân cấp triệt để và từ trong lựa chọn dự án phân bổ vốn cho đến điều chỉnh vốn, thẩm định nguồn vốn, khả năng cân đối vốn nhưng tổ chức thực hiện tinh thần phân cấp triệt để cho các địa phương và các bộ ngành.

“Thứ tư, vẫn phải đảm bảo quản lý chặt chẽ, hiệu quả theo tinh thần của Luật Đầu tư công. Chúng ta đã tiến được một bước rất dài nhưng chúng ta cũng không được lơ là để quay trở lại giai đoạn trước là không được”, Bộ trưởng nói.

Liên quan đến kế hoạch 5 năm mà theo Bộ trưởng là “bước mang tính đột phá rất lớn”, Bộ trưởng Dũng cho biết, trước đây, khi chúng ta xây dựng kế hoạch hàng năm nên xảy ra tình trạng “ăn đong”, tình trạng xin – cho như một số đại biểu nêu, vốn thì ít nhưng dự án nhiều, dẫn đến dàn trải, dẫn đến nợ đọng, dẫn đến ứng trước, dẫn đến hậu quả. Bây giờ chúng ta sẽ làm cho kế hoạch 5 năm cộng kết hợp hàng năm, tức là để chúng ta thấy trong 5 năm sẽ có bao nhiêu tiền để chủ động chọn lựa dự án, sắp xếp thứ tự ưu tiên và tổ chức triển khai một cách hiệu quả nhất.

Vấn đề nguồn lực, theo Bộ trưởng, Chính phủ đang kiến nghị Quốc hội xem xét cho sử dụng dự phòng để xử lý một số trường hợp trong các nhu cầu cấp bách hiện nay của các bộ, ngành địa phương.

Về vấn đề giao vốn chậm, thành nhiều lần và giải ngân chậm, Bộ trưởng Dũng cho biết, quy định của pháp luật về đầu tư công quy định khi giao vốn kế hoạch đầu tư công thì phải đủ thủ tục và phải chờ đủ thủ tục thì tỉnh nọ lại chờ tỉnh kia, bộ nọ lại chờ bộ kia nên khi mà các bộ, ngành và địa phương không làm đủ thủ tục thì Chính phủ không thể giao kế hoạch được vì đây là một hành vi vi phạm pháp luật.

Liên quan đến vấn đề vốn ODA, Bộ trưởng thông tin rằng, hiện nay Chính phủ cũng đang trình với Quốc hội cho điều chỉnh tổng mức ODA, thêm 60 nghìn tỷ để bù đắp cho những dự án mới ký hiệp định và đã có chủ trương để đủ vốn cho các dự án này thực hiện trong thời gian tới

There are no comments yet

Tin mới hơn ...