Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án Tam Đảo II – có gì bí mật?



VNBTIMESVới mong muốn phản ánh thông tin đầy đủ, khách quan, ngày 6/8, Báo Phụ Nữ TP.HCM đã gửi công văn số 160 đến Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị cung cấp báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) dự án Tam Đảo II.

Như đã nói, khi con đường chính nối liền thị trấn Tam Đảo (cũ) vắt qua các đỉnh đồi cheo leo dẫn thẳng đến trung tâm đại dự án bị bảo vệ ngăn lại, muốn đến lõi rừng, chúng tôi chỉ còn một cách duy nhất: từ chân núi phía sau chùa Tây Thiên băng qua những con đường không phải đường mòn, dốc, cực kỳ hiểm trở, nhiều lúc muốn bỏ về giữa chừng.

Thế nhưng, quá trình đó có lẽ không vất vả bằng quá trình “xin” báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án “Khu du lịch sinh thái Tam Đảo II – Bến Tắm – Thác 75 thuộc Vườn Quốc gia Tam Đảo” (gọi tắt là Tam Đảo II) từ Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Ngôi chùa giả mang tên Địa Ngục Tự vẫn đang được xây dựng ngay lõi rừng quốc gia Tam Đảo. Cây cối vẫn đang bị đốn hạ và mìn vẫn nổ mỗi ngày hai lần ở đây.

“Xin” ĐTM, lại cung cấp quyết định phê duyệt ĐTM

Với mong muốn phản ánh thông tin một cách đầy đủ, khách quan, ngày 6/8, Báo Phụ Nữ TP.HCM đã gửi công văn số 160 đến Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) đề nghị cung cấp bản ĐTM của dự án Tam Đảo II.

Ngày 16/8, chúng tôi có mặt tại trụ sở của bộ để hỏi về quá trình phúc đáp công văn. Tiếp đón chúng tôi, anh Bách – cán bộ của Vụ Thi đua, Khen thưởng và Tuyên truyền (thuộc Bộ TN-MT) cho biết, sẽ hỗ trợ hết sức; khi có tài liệu ĐTM, sẽ chuyển ngay cho báo qua đường công văn hoặc email.

Tuy nhiên, một tuần sau đó, Báo Phụ Nữ TP.HCM vẫn chưa nhận được tài liệu từ phía bộ. Khi liên lạc lại với anh Bách, chúng tôi vẫn chỉ nhận được những lời hứa chung chung: “Hiện đang trình lãnh đạo nội dung cung cấp cho báo chí, khi lãnh đạo phê duyệt, sẽ gửi ngay”. Anh này còn cho biết: “Sếp đang phê duyệt cung cấp quyết định phê duyệt ĐTM của dự án Tam Đảo II”.

Khi đặt vấn đề, văn bản mà Báo Phụ nữ TP.HCM đề nghị cung cấp là ĐTM, không phải quyết định phê duyệt ĐTM, cán bộ này nói: “Nếu muốn xin cả ĐTM thì lại phải đợi…”.

Đến ngày 25/8, tiếp tục liên lạc với cán bộ Bách, chúng tôi nhận được câu trả lời: “Vấn đề này đã báo cáo lãnh đạo bộ nhưng chưa được duyệt. Khi nào có, sẽ cung cấp ngay”. Trước sự hối thúc của chúng tôi, anh này miễn cưỡng đồng ý sẽ phản hồi chính thức vào sáng hôm sau.

Ngày 27/8, trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, ông Trịnh Xuân Quảng – Phó vụ trưởng Vụ Thi đua, Khen thưởng và Tuyên truyền – cũng “đọc nhầm” khi mở đầu cuộc nói chuyện: “Ý em thế nào, xin quyết định chứ gì?”.

Khi chúng tôi khẳng định lại một lần nữa rằng, văn bản mà báo cần là ĐTM, không phải quyết định phê duyệt ĐTM, cuộc trao đổi lại cứ quẩn quanh không có hồi kết.

Kết quả, đến nay, sau gần hai tháng gửi công văn đi, chúng tôi vẫn chưa cầm trong tay bản ĐTM – tài liệu quan trọng của dự án Tam Đảo II. Tài liệu này có gì bí mật mà phía Bộ TN-MT “chần chừ”, không thể cung cấp cho báo chí?

Ngày 25/9, Báo Phụ Nữ TP.HCM tiếp tục gửi hai công văn: công văn (lần 2) chuyển đến Bộ TN-MT và công văn chuyển đến Vụ Thẩm định đánh giá tác động môi trường (Tổng cục Môi trường).

Cả hai công văn này đều cùng một nội dung: đề nghị cung cấp bản ĐTM hoàn chỉnh của dự án Tam Đảo II. Không biết đường đi của công văn lần này có thuận lợi hơn không, phải chờ hồi sau mới rõ.

Công văn Báo Phụ Nữ TP.HCM đề nghị Bộ Tài nguyên Môi trường cung cấp Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án Khu du lịch sinh thái Tam Đảo II – Bến Tắm – Thác 75 thuộc Vườn Quốc gia Tam Đảo gởi đi đã gần 2 tháng, nhưng không được phản hồi

Dấu hỏi lớn cho Bộ Tài nguyên và Môi trường

Theo điều 131, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, “thông tin môi trường phải được công khai”. Là “phải”, chứ không phải là “có thể”, cũng không phải thích thì cung cấp, không thích thì giấu nhẹm đi.

Căn cứ vào Hiến pháp, luật được soạn ra, được Quốc hội thảo luận, thông qua, được Chủ tịch nước ban hành lệnh công bố; vì thế, Bộ TN-MT – cơ quan của Chính phủ thực hiện các chức năng quản lý nhà nước về các lĩnh vực tài nguyên và môi trường – không có quyền “độc quyền” ĐTM, báo cáo đánh giá môi trường chiến lược hay bất cứ đánh giá nào khác liên quan.

Điều 16 Nghị định 18/2015/NĐ-CP cũng quy định cụ thể trách nhiệm của chủ dự án sau khi ĐTM được phê duyệt. Trong đó, chủ dự án lập kế hoạch quản lý môi trường của dự án trên cơ sở chương trình quản lý và giám sát môi trường đã đề xuất trong ĐTM và niêm yết công khai tại trụ sở ủy ban nhân dân cấp xã nơi tham vấn ý kiến trong quá trình thực hiện đánh giá tác động môi trường theo hướng dẫn của bộ.

Điều ai cũng biết, Tam Đảo II là dự án do một tập đoàn tư nhân – cụ thể là Sun Group – thực hiện, không phải dự án thuộc danh mục bí mật Nhà nước. Thế nhưng, việc tiếp cận ĐTM – một báo cáo mà lẽ ra phải được công khai – còn khó hơn cả việc tìm đường vào trong lõi rừng quốc gia.

Một nhà nghiên cứu cho hay, ở các nước, người ta minh bạch việc chia sẻ thông tin liên quan đến môi trường. Ở Việt Nam, dường như người ta không thích làm theo luật; không một thông tin nào được chia sẻ. Muốn có thông tin, phải cậy nhờ các mối quan hệ, hoặc bỏ tiền mua thông tin, mà chưa chắc đó là thông tin hữu dụng.

Chúng tôi không rõ, vai trò của Bộ TN-MT trong các dự án liên quan đến TN-MT, nhất là những dự án đầu tư trong vùng bảo vệ nghiêm ngặt, khu bảo tồn thiên nhiên, rừng quốc gia… mà cụ thể ở đây là Tam Đảo II, là gì?

Có lẽ nào, cung cấp ĐTM lại là việc khó đến thế? Và vì sao, khi công văn của Báo Phụ Nữ TP.HCM gửi đến Bộ TN-MT, khi tuyến bài Sun Group – “Ông trời” không từ trên cao còn chưa được xuất bản, ngày 27/8, trong lúc chúng tôi đang nói chuyện với ông Quảng qua điện thoại, cũng là lúc chuông điện thoại của một người trong nhóm chúng tôi vang lên, đầu máy bên kia là đại diện truyền thông của Sun Group đề nghị một cuộc hẹn?

Những dấu hỏi này, chúng tôi xin chuyển tới Bộ TN-MT. Các vị đang nắm mọi đàng.

Theo Nhóm phóng viên/Phunuonline

There are no comments yet

Tin mới hơn ...