Bán dự án cho nước ngoài, Hưng Hải Group kiếm tiền “khủng”?



VNBTIMES Mới đây, 3 dự án điện mặt trời Lộc Ninh 1, 2, 3 đã công bố lựa chọn nhà thầu Trung Quốc làm tổng thể thầu. Các dự án này được tỉnh Bình Phước giao cho Hưng Hải Group làm chủ đầu tư nhưng sau đó đã được nhà đầu tư Thái Lan đánh tiếng mua lại với giá “khủng”.

Thu hút đầu tư vào lĩnh vực năng lượng là rất cần thiết nhưng cũng cần đặc biệt cân nhắc đảm bảo yếu tố an ninh quốc phòng. Ảnh: Minh họa (Internet)

Cẩn trọng vốn Trung Quốc tại lĩnh vực năng lượng

Thu hút đầu tư vào lĩnh vực năng lượng là rất cần thiết nhưng cũng cần đặc biệt cân nhắc đảm bảo yếu tố an ninh quốc phòng, nhất là trong bối cảnh không ít doanh nghiệp trong nước “xin” dự án năng lượng rồi “sang tay” cho nhà đầu tư ngoại, trong đó có nhà đầu tư Trung Quốc.

Số liệu của Cục Đầu tư Nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, 4 tháng đầu năm, lượng nhà đầu tư từ Trung Quốc thực hiện giao dịch rót vốn đầu tư qua hình thức mua bán và sáp nhập (M&A) của doanh nghiệp Việt Nam lên đến 557 lượt với tổng vốn góp là hơn 230 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, số lượt góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp Trung Quốc với doanh nghiệp Việt Nam trong 4 tháng đầu năm nay tăng hơn 154 lượt giao dịch (tăng hơn 38%) với số tiền tăng thêm khoảng 65 triệu USD.

Ngay cả lĩnh vực có nguy cơ rủi ro cao về an ninh quốc gia như: Dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 (Bình Thuận) hiện đã thuộc sở hữu của China Souther Power Grid Co.Ltd (chiếm 55% vốn), China Power International Holding Limited (CPIH) 40%. Hay dự án Nhiệt điện Vũng Áng 2 (Hà Tĩnh) cũng đã “rơi vào tay” Công ty One Energy Asia. Đáng chú ý, các nhà đầu tư Trung Quốc không chỉ rót vốn vào dự án mà còn đóng vai trò nhà thầu xây dựng, như ở hàng loạt nhà máy: Nhiệt điện Duyên Hải 3, Nhiệt điện Hải Dương, Nhiệt điện Cẩm Phả, Nhiệt điện Hải Phòng, Nhiệt điện Vĩnh Tân 2…

Mới đây nhất, 3 dự án điện mặt trời Lộc Ninh 1, 2, và 3 đã lựa chọn Tập đoàn Xây dựng Điện lực Trung Quốc (China Power Construction – CPC) làm nhà thầu. Theo Weixin, ngày 28/5/2020, CPC và Công ty Chaoneng của Trung Quốc đã tổ chức hội nghị trực tuyến, chính thức ký kết hợp đồng phát triển dự án điện mặt trời 550MW tại Lộc Ninh, Việt Nam. Trong đó, ông Jormsup – Chủ tịch Tập đoàn Siêu Năng của Thái Lan (Super Energy Coporation – SEC) đã cùng các đối tác Trung Quốc là ông Quý Hiểu Dũng (Ji Xiaoyong, Tổng Giám đốc Power Construction International Corporation) và ông Phùng Thụ Vinh (Feng Shurongm, Chủ tịch Central South Institute) ký kết hợp đồng.

Sự hiện diện của nhà thầu Trung Quốc tại các dự án năng lượng cũng dấy lên nhiều quan ngại liên quan đến vấn đề kỹ thuật, vận hành, môi trường đã được Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR) chỉ ra trong một báo cáo phát hành vào tháng 7/2019.

Xin dự án để bán cho nước ngoài kiếm lời

Trở lại với cụm dự án điện mặt trời Lộc Ninh, SEC đã công khai kế hoạch mua lại cụm 4 dự án điện mặt trời Lộc Ninh có tổng công suất 750MW do CTCP Tập đoàn Hưng Hải (Hưng Hải Group) làm chủ đầu tư với giá không quá 456,7 triệu USD.

Ngay trong tháng 1/2020, Super Solar Co., Ltd (thành viên của SEC) đã thành lập 3 pháp nhân mới tại Việt Nam là SSE Vietnam 1, SSE LN2 và SSE BP3 với quy mô vốn điều lệ lần lượt là 63 tỷ đồng, 50 tỷ đồng và 50 tỷ đồng. Trong đó, Super Solar chỉ nắm giữ 49% vốn, số cổ phần còn lại (51%) do các cổ đông là bà Châu Mộng Như và ông Tạ Xuân Thắng sở hữu. Tổng số tiền tối đa SEC dự kiến chi ra để mua lại số cổ phần từ các cá nhân người Việt trên vào khoảng 76,05 triệu USD. Tính ra, mỗi một cổ phần 4 pháp nhân trên được định giá gấp 8,3 lần.

Đến tháng 4/2020, SEC đã có thông báo về việc ký kết thỏa thuận khung đầu tư 3 dự án điện mặt trời Lộc Ninh 1, 2 và 3 (tổng công suất 550MW).

Trong trường hợp đúng là nhà đầu tư Thái Lan mua thành công 3 dự án Lộc Ninh với giá khủng như trên, thì vấn đề ở đây không chỉ là chọn lọc nhà đầu tư, mà còn cho thấy mối lợi từ lĩnh vực năng lượng tái tạo là rất lớn, đồng nghĩa với lợi ích của Nhà nước đang không được tối ưu hoá.

Cần phải nhấn mạnh, việc nhiều nhà đầu tư kém về tên tuổi, yếu về năng lực nhưng vẫn giành được những dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn, để rồi nhanh chóng sang tay cho nhà đầu tư ngoại kiếm lời đã phổ biến trong thời gian qua. Trước sự việc này, Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản số 3778/VPVP-CN ngày 14/5 gửi Bộ Công thương liên quan đến thông tin về lỗ hổng trong giao nhà đầu tư các dự án năng lượng tái tạo mà báo chí đã phản ánh.

Tham vọng của Hưng Hải Group không dừng lại ở các dự án điện mặt trời Lộc Ninh. Công ty đang rất sốt sắng trên thị trường điện gió, trong đó có siêu dự án Nhà máy Điện gió Hưng Hải Gia Lai đã được tỉnh Gia Lai đề xuất Bộ Công thương bổ sung vào Quy hoạch Phát triển Điện lực Quốc gia giai đoạn 2011 – 2020, có xét đến năm 2030.

Một dự án lớn khác cũng đang xin quy hoạch là Nhà máy Điện mặt trời Sông Bình 6 do Hưng Hải Group và Công ty Cổ phần Sữa Thông Thuận làm chủ đầu tư tại Bình Thuận. Dự án có công suất 250MW, tổng mức đầu tư 5.613 tỷ đồng.

Ngoài ra, một số pháp nhân được nhóm Hưng Hải thành lập vừa qua như Công ty Cổ phần Năng lượng Duy Phong (Bình Thuận), Công ty Cổ phần Năng lượng Thay thế CH, Công ty Cổ phần Năng lượng Vũng Tàu, Công ty Cổ phần Phong Thuỷ Văn Lang… cũng phần nào hé lộ những bước đi tiếp theo của nhà đầu tư đất Bắc.

Tạm tính 3 đại dự án mà Hưng Hải đang theo đuổi là Điện mặt trời Lộc Ninh, Điện gió Gia Lai và Sông Bình 6, tổng mức đầu tư lên tới 38.600 tỷ đồng. Tính theo tỷ lệ vốn chủ sở hữu tham gia 20%, Hưng Hải Group phải bỏ ra ngót nghét 8.000 tỷ đồng, để đối ứng với hơn 30.000 tỷ đồng vốn tín dụng. Tuy vậy, bằng việc sang tên cho các nhà đầu tư nước ngoài giàu tiềm lực không khó để Hưng Hải hái ra tiền từ các dự án này.

Ngoài lĩnh vực năng lượng, theo tìm hiểu Hưng Hải Group, cũng tham gia và có mối liên hệ với một loạt các doanh nghiệp hoạt động trong ngành công thương, đặc biệt là lĩnh vực khai thác tài nguyên ở khu vực Tây Bắc, Lai Châu, Lào Cai…

Theo Thanh Tra

There are no comments yet

Tin mới hơn ...