Bác sĩ đút tay vào miệng người co giật trên máy bay: Cách sơ cứu sai



VNBTIMESTrên chuyến bay của Bamboo Airways từ Hà Nội đi Buôn Ma Thuột, nữ hành khách bất ngờ lên cơn co giật, tím tái và liên tục cắn lưỡi. Rất may cùng đi trên chuyến bay có một bác sĩ.

Bác sĩ mặc áo xanh đã dùng tay đút vào miệng người bị co giật.

Chiều 23/10, mạng xã hội lan truyền hình ảnh các tiếp viên tập trung trợ giúp một hành khách gặp vấn đề về sức khỏe trên chuyến bay của Bamboo Airways.

Theo nội dung bài đăng, một hành khách nữ khoảng 30 tuổi đi trên chuyến bay Hà Nội – Buôn Ma Thuột bất ngờ bị tím tái, co giật và liên tục cắn lưỡi.

Rất may, trong khoang có một nam hành khách là bác sĩ. Người này đã nhét tay vào miệng nữ hành khách để ngăn cô cắn lưỡi.

Tuy nhiên hình ảnh này đưa lên mạng xã hội đã nhận được nhiều phản hồi từ bác sĩ cho rằng đây là cách cấp cứu sai.

Bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển – Bệnh viện Tâm thần TP.HCM cho rằng nguyên tắc là không cố đút bất cứ cái gì vào miệng người đang co giật vì có thể gây hại cho bệnh nhân. Thường thì lưỡi nằm trọn trong cung răng nên khả năng bị cắn lưỡi rất thấp, có cắn cũng không tử vong ngay.

Việc cần làm là sau cơn co giật (thường rất ngắn, chỉ 15-30 giây) cho bệnh nhân nằm đầu nghiêng sang 1 bên, nới lỏng quần áo và nhất là đừng có tập trung đông người để không khí cho bệnh nhân thở.

Khi gặp người bị co giật những người xung quanh cần thực hiện các bước dưới đây:

Thứ nhất, bình tĩnh, chừa một không gian đủ lớn cho người co giật, giữ khoảng cách giữa mọi người xung quanh và người đang co giật. Người đang co giật mất tri giác, có thể gây tổn thương tới người xung quanh.

Thứ hai, đảo đảm môi trường an toàn cho người co giật. Tránh xa vùng có nước, điện, thủy tinh, vật sắc nhọn, đồ dùng có thể ngã đổ gây chấn thương.

Thứ ba, kê vật mềm dưới đầu người co giật để tránh chấn thương đầu trong lúc co giật.

Thứ tư, nới lỏng quần áo quanh cổ, nữ trang, cravat nếu cần để không bị quấn chặt cổ gây nghẹt thở.

Thứ năm, không cần đưa bất cứ vật gì vào miệng, không có tác dụng gì nhưng có nguy cơ tổn thương niêm mạc miệng, gãy răng gây hít sặc nhất là trẻ nhỏ còn răng sữa chưa ổn định.

Thứ sáu, ghi lại thời gian co giật nếu có thể.

Thứ bẩy, nhẹ nhàng xoay bệnh nhân nằm nghiêng để làm thông thoáng đường thở, đàm nhớt sẽ chảy ra bên ngoài miệng tránh việc hít sặc nước bọt của chính mình. Khi trẻ con sặc sữa cũng nằm nghiêng là vì lý do này.

Đặc biệt không đè nặng người bệnh vì co giật cơ là tự phát không ý thức, đè chặt hay trói người bệnh không hề làm ngưng co giật mà sẽ gây chấn thương cho người co giật.

Sau khi người co giật tỉnh lại, đừng bỏ người ta một mình mà phải theo dõi xem đã hồi phục tri giác chưa, có yếu cơ hay liệt không, không cho ăn uống gì cho tới khi chắc chắn đã hồi phục. Giải thích cho người bị co giật chuyện gì đã xảy ra.

Theo K.Chi/ Infonet

There are no comments yet

Tin mới hơn ...