Ai sẽ vượt qua bà Nguyễn Thị Nga để sở hữu những sân golf đắt giá nhất Việt Nam?



VNBTIMESThời gian qua, sức nóng của các dự án sân golf đã lan rộng từ Bắc chí Nam. Trong đó, những sân golf ở các vị trí đắc địa nhất nằm trong tay các đại gia bất động sản như bà Nguyễn Thị Nga, ông Dương Công Minh, ông Trịnh Văn Quyết, hay ông Trần Văn Dĩnh…?

Hiện Việt Nam có 78 sân golf đã đi vào hoạt động và 43 sân khác đang trong các giai đoạn hoàn thiện khác nhau, theo Báo cáo mới nhất về Thị trường Golf thế giới của R&A, dựa trên cơ sở dữ liệu toàn cầu của National Golf Foundation.

“Bà hoàng sân golf” Nguyễn Thị Nga

Bà Nguyễn Thị Nga năm nay 64 tuổi, là một trong những nữ doanh nhân thuộc thế hệ lão làng trong khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam.

Sau gần 20 năm đầu tư, bà Nga đã lần lượt mua lại và phát triển thêm các sân golf mới. Hiện tại, BRG là tập đoàn sở hữu và vận hành nhiều sân golf nhất cả nước, với tổng cộng 7 sân. Riêng tổ hợp sân golf Đồng Mô đã có ba sân 18 hố là Lakeside, Mountainview và Kings Course. Tiếp đó phải kể đến là Ruby Tree (Hải Phòng), sân Legend Hill (Sóc Sơn, Hà Nội), hay gần đây là sân BRG Da Nang Golf Resort, trước đó vốn là Danang Golf Club. Sắp tới, BRG có kế hoạch nghiên cứu làm sân golf tại TP.HCM.

Sân golf Kings Course (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) được đánh giá là một trong những sân golf đẹp nhất Việt Nam.

Tập đoàn BRG của bà Nguyễn Thị Nga hiện cũng là là tập đoàn dẫn đầu Việt Nam về các sân golf có số lượng khách chơi đông nhất, có cảnh quan đẹp, chất lượng sân cỏ tốt nhất và đặc biệt là tốc độ lăn của bóng rất chuẩn.

Dương Công Minh – Ông chủ của sân golf trên đất quốc phòng

Him Lam hợp tác với một số đối tác đã đầu tư vào các dự án sân golf Long Biên (quận Long Biên, TP Hà Nội), dự án sân golf Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) cùng với các tiện ích công cộng khác như: biệt thự cho thuê, khách sạn, nhà hàng, khu liên hợp thể thao, phòng hội nghị,…

Sân golf Long Biên được Him Lam “rót” trên 1.500 tỷ đồng

Còn tại dự án sân golf Long Biên, doanh nghiệp này xin cắt 7,68 ha từ quỹ đất 119,19 ha đã được UBND TP Hà Nội cấp phép xây dựng sân golf để xây dựng khu nhà ở sinh thái Him Lam Long Biên, với mục đích kinh doanh thương mại. Điều này khiến Bộ Xây dựng phải bày tỏ lo ngại về việc chuyển đổi đất quốc phòng (sân bay Gia Lâm) tại đây sang đất xây nhà thương mại để bán và tác động của việc chia tách dự án sân golf Long Biên.

Cụ thể là vào tháng 7/2018, trong văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã yêu cầu UBND TP Hà Nội làm rõ một số vấn đề về đánh giá quỹ đất cây xanh theo quy hoạch chung Thủ đô, làm rõ giải pháp cân bằng quỹ đất cây xanh trong khu vực quận Long Biên khi chuyển đổi quỹ đất 7,8 ha từ đất cây xanh cấp thành phố sang đất nhà ở.

Đồng thời làm rõ việc sử dụng đất quốc phòng (sân bay Gia Lâm) và tác động ảnh hưởng của vấn đề chia tách dự án Khu nhà ở sinh thái cho thuê Him Lam Long Biên trong tổng thể dự án sân golf và dịch vụ Long Biên.

Giấc mơ “hệ sinh thái sân golf” của ông Trịnh Văn Quyết

FLC sở hữu hệ thống 29 sân golf đang và sắp đi vào hoạt động trên cả nước, bao gồm FLC Ha Long Golf Club, FLC Sam Son Golf Links, FLC Quy Nhon Golf Links, sân tập Golfnet tại Hà Nội, FLC Quang Binh Golf Links…

FLC đặt mục tiêu đến năm 2022 sẽ sở hữu khoảng 100 sân golf trên khắp cả nước.

Tham vọng là vậy, nhưng trong khi xây dựng các sân golf, FLC cũng liên tục vướng lùm xùm. Dự án sân golf, nghỉ dưỡng FLC HaLong Bay Golf Club & Luxury Resort (FLC Hạ Long) từng bị đoàn khảo sát của Tổng cục Môi trường yêu cầu ngừng ngay các hoạt động thi công dự án cho đến khi được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Vin Group không bỏ qua món hời khi đầu tư sân golf

Tập đoàn Vingroup cũng đầu tư cả hệ thống Vinpearl Golf tại nhiều tỉnh, thành như Hải Phòng, Hà Nội, Đà Nẵng, Phú Quốc… Năm 2018, Vinhomes – đơn vị thành viên của Vingroup – đã trở thành cổ đông sở hữu 98% vốn điều lệ của GS Củ Chi, đơn vị phát triển dự án sân golf Củ Chi ở Tây Bắc TP.HCM.

Novaland cũng mạnh tay chi tiền xây một loạt sân golf

Novaland cũng đã đặt chân vào thị trường này. Tập đoàn này đã ký kết hợp tác cùng Công ty Greg Norman Golf Course Design phát triển 4 sân golf mang thương hiệu Greg Norman trong chuỗi quần thể du lịch nghỉ dưỡng tại Cần Thơ, Bà Rịa-Vũng Tàu, Phan Thiết… Tổng giá trị đầu tư ước tính 100 triệu USD.

Đại gia ẩn mình Trần Văn Dĩnh âm thầm thâu tóm nhiều sân golf

Năm 2018, sân golf Kim Bảng (Stone Valley) do Công ty Cổ phần Golf Trường An đầu tư tại thị trấn Ba Sao, Kim Bảng, tỉnh Hà Nam chính thức khai trương. Đây cũng là dự án sân golf đầu tiên tại tỉnh Hà Nam. Tuy nhiên, Thanh tra Bộ Xây dựng đã từng ban hành văn bản xử phạt vi phạm hành chính với số tiền là 50 triệu đồng đối với chủ đầu tư dự án này vì đã xây dựng nhiều hạng mục không có giấy phép.

Sở hữu sân golf Kim Bảng là một đại gia khá kín tiếng tại Nam Định – doanh nhân Trần Văn Dĩnh. Ông Dĩnh cũng là chủ của dự án sân golf Việt Yên tại xã Trung Sơn và Hương Mai (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) mới được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết (tỷ lệ 1/500) vào đầu năm 2019.

Sân golf Kim Bảng từng dính lùm xùm về thi công không phép

Từ tháng 9/2017, golf Trường An đã tiến hành nghiên cứu, khảo sát, lập quy hoạch xây dựng dự án sân golf hồ Núi Cốc 36 hố với diện tích 162,76ha tại xã Phúc Trìu, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên. Dự án được thực hiện với tổng mức đầu tư trên 1.200 tỷ đồng.

Theo Mai Anh/Infonet

There are no comments yet

Tin mới hơn ...