Agribank và sự bê bối chưa hồi kết
VNBTIMESNhững năm gần đây, Ngân hàng Nông nghiệp phát triển nông thôn (Agribank) liên tục vướng vào các vụ bê bối khiến hàng loạt lãnh đạo cấp cao phải vào tù. Mới đây nhất, ngân hàng này lại bị hai chị em ruột tố cáo là tự ý “ghi nợ” hàng chục tỉ đồng trong khi họ không hề vay tiền.
Món nợ “trên trời rơi xuống”
Hai chị em nói trên là bà Nguyễn Kim Mai (52 tuổi) và bà Nguyễn Kim Lan (45 tuổi), cùng ngụ quận 11, TP.Hồ Chí Minh. Trao đổi với chúng tôi, bà Kim Lan cho biết, vào năm 2018 vì muốn mua bất động sản, bà làm hồ sơ xin vay tiền và bỗng nhiên nhận thông báo mình có tên trong danh sách nợ xấu của Agribank chi nhánh Trung tâm Sài Gòn.
Tính đến tháng 11/2018, cả bà Lan và bà Mai đều bị ghi nợ với số tiền vốn lẫn lãi hơn 6,3 tỉ đồng mỗi người. Bà Lan khẳng định, tại thời điểm đó mình và chị ruột chưa bao giờ vay vốn hay thế chấp bất kì tài sản nào tại Agribank.
Bất ngờ vì khoản nợ “trên trời rơi xuống”, bà Lan nhiều lần đến Agribank chi nhánh Trung tâm Sài Gòn đề nghị giải quyết vụ việc. Đến ngày 3/12/2018, chị em bà Lan nhận được thông báo của chi nhánh ngân hàng về việc xử lý tài sản bảo đảm thu hồi nợ vay, do ông Phan Đình Điền – Giám đốc Agribank chi nhánh Trung tâm Sài Gòn kí tên.
Thông báo nêu rõ, ngày 29/7/2011, hai chị em bà Lan có đứng tên hợp đồng vay vốn tại chi nhánh ngân hàng này. Kèm theo đó, là hợp đồng thế chấp tài sản từ ba người mà chị em bà không hề quen biết. Theo thông báo, bà Lan và bà Mai đều vay số tiền gần 3,5 tỉ đồng, tính đến cuối tháng 11/2018, tiền nợ gốc và lãi lên đến hơn 6,3 tỉ đồng mỗi người.
Bà Lan bức xúc: “Sau nhiều lần lên xuống, ngân hàng chỉ hứa suông mà không hề giải quyết cho chị em chúng tôi. Do nghi ngờ có người giả chữ kí của chị em tôi để làm hồ sơ giả, rồi vay vốn trục lợi cá nhân, nên đến tháng 5/2019, chúng tôi có làm đơn khiếu nại gửi đến chi nhánh ngân hàng này”.
Tháng 6/2019, bà Lan nhận được công văn trả lời của chi nhánh ngân hàng, theo đó phía ngân hàng khẳng định sẽ tiến hành xử lý tài sản thu hồi nợ vay, không có thông tin trả lời về việc giả mạo chữ ký, hồ sơ vay. Cho rằng mình không vay tiền nhưng lại có hồ sơ vay, bà Lan tiếp tục đòi chi nhánh ngân hàng cho xem hồ sơ vay có tên mình để chứng thực việc giả chữ kí, nhưng ngân hàng từ chối. Và cho đến nay, hai chị em bà Lan vẫn chưa được xóa tên trong danh sách nợ xấu. Quá bức xúc, bà Lan đã gửi đơn tố cáo vụ việc đến cơ quan công an.
Và nhiều bê bối khác…
Trước đó, Agribank cũng rất tai tiếng với hàng loạt vụ việc nhân viên, cán bộ ngân hàng lừa đảo, chiếm đoạt hàng trăm tỉ đồng. Gần đây nhất, là sai phạm của các cán bộ nhân viên tại Agribank chi nhánh Trung tâm Sài Gòn (tên cũ là chi nhánh Mạc Thị Bưởi). Theo đó, vì không muốn chi nhánh có các khoản nợ xấu, các cán bộ ngân hàng này đã lập khống hồ sơ, để Công ty An Việt rút một phần tiền thanh toán nợ sử dụng vào mục đích khác, gây thiệt hại cho ngân hàng số tiền hàng trăm tỉ đồng.
Đến tháng 9/2019, TAND TP.Hồ Chí Minh đã tuyên phạt bị cáo Phí Thị Ong (sinh năm 1960, nguyên Giám đốc Agribank chi nhánh Mạc Thị Bưởi) 7 năm tù giam về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Ngoài ra còn có 8 cán bộ, nhân viên khác liên quan đến vụ án bị tuyên phạt các mức án từ 2 – 6 tháng tù treo cho đến 6 năm tù giam.
Trước đó không lâu, vào tháng 5/2019 HĐXX TAND tỉnh Đăk Lăk cũng tuyên án tử hình đối với Chu Ngọc Hải, nguyên cán bộ tín dụng tại Agribank Krông Bông, về tội Tham ô tài sản với số tiền lên đến 114 tỉ đồng.
Trong khoảng thời gian từ tháng 5/2015 – 2/2017, Hải đã làm giả hồ sơ của khách hàng vay tiền tại Agribank chi nhánh Krông Bông để rút hơn 114 tỷ đồng rồi chiếm đoạt, sử dụng vào mục đích cá nhân. Ngoài ra, vụ việc còn khiến 19 nguyên lãnh đạo, cán bộ, nhân viên tại Agribank Krông Bông phải nhận hình phạt tù giam, tù treo vì những sai phạm liên quan.
Năm 2016, dư luận không khỏi xôn xao vì vụ án Nguyễn Thanh Nhàn, nguyên Phó Trưởng phòng Marketing Agribank Bình Thạnh phạm tội trộm cắp tài sản phải nhận án tù chung thân. Theo hồ sơ vụ án, từ năm 2011, Nhàn đã lợi dụng lúc vận chuyển tiền đến các trụ ATM để trộm cắp các khay tiền có mệnh giá 500.000 đồng. Khi cho tiền vào ATM, Nhàn vẫn nhập số tiền vào hệ thống điện tử theo đúng con số đã nhận từ thủ quỹ để qua mắt ngân hàng. Đến tháng 10/2012, Ngân hàng Agribank lập tổ kiểm kê đột xuất đã phát hiện vụ việc. Tổng số tiền Nhàn đã chiếm đoạt sau nhiều lần trộm cắp là hơn 20 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, còn có rất nhiều khách hàng từng khiếu nại về việc bỗng nhiên bị mất tiền trong thẻ ATM, bị cán bộ ngân hàng chiếm đoạt tiền tiết kiệm…
Theo Ngọc Giàu/ Ngày nay
Tin mới hơn ...
- Hối hận muộn màng của những ‘sugar baby’ 21/08/2024
- Văn hóa doanh nghiệp giúp J&T Express “tạo đà” cho shipper nửa cuối năm 21/08/2024
- Huế công bố đường dây nóng phục vụ khách du lịch dịp Quốc khánh 2/9 20/08/2024
- Vụ tử vong sau thay van động mạch chủ qua da: Bệnh viện Bạch Mai nói gì? 20/08/2024
- Những khu vườn gần TP.HCM cho du khách hái rau bắt cá 19/08/2024
There are no comments yet