Cô gái lập startup đồ lót mới, tăng trưởng 300% và đang trên đà vượt mặt công ty cũ



VNBTIMESChiến lược cạnh tranh của Michelle Cordeiro Grant là để khách hàng tự tạo nên thương hiệu cho công ty của mình.

Khi còn nhỏ, Michelle Cordeiro Grant nghĩ rằng mình sẽ trở thành bác sỹ hoặc luật sư, những công việc đem lại thu nhập cao và ổn định cho một người nhập cư đến từ Ấn Độ như cô. Thế nhưng công việc tại Victoria’s Secret đã thay đổi toàn bộ sự nghiệp của cô.

Hiện Grant là người sáng lập kiêm CEO của một thương hiệu đồ lót đang tăng trưởng nhanh chóng và cạnh tranh mạnh mẽ với công ty cũ của mình.

Cô chia sẻ: “Tôi luôn nghĩ đến việc tận dụng sức mạnh của thương hiệu để xây dựng một cộng đồng phụ nữ, nơi chúng ta có thể nói về những điều mình muốn làm và động viên nhau thực hiện những ý tưởng điên rồ mà chúng ta gọi là hoài bão. Thế giới này sẽ ra sao nếu phụ nữ thực sự sống với hết tiềm năng của mình thay vì chỉ mãi quẩn quanh trong vùng an toàn? Đó chính là một trong những lý do Lively ra đời”.

Lively được thành lập tháng 4/2016 và đã phát triển mạnh kể từ đó. Trong năm nay, họ đã hợp tác với thương hiệu bán lẻ nổi tiếng của Mỹ Nordstrom. Hãng tập trung chủ yếu vào dòng áo ngực đem lại sự thoải mái và sản phẩm activewear mang đậm ảnh hưởng của trang phục thể thao như thiết kế tiện dụng, chất liệu thoáng mát và phối màu trẻ trung.

Giá của mỗi chiếc áo ngực của Lively có giá 35 USD, ngoài ra hãng còn sản xuất áo phông, bralette, áo lót nâng ngực và áo quây. 70% sản phẩm của họ không có dây và kích thước từ cỡ 32A đến 40DD. Tuy nhiên, Grant cho biết công ty sẽ hoàn thiện thêm nhiều sản phẩm với kích cỡ đa dạng hơn.

Bên trong một cửa hàng Lively.

Một yếu tố khác đóng vai trò trong thành công của Lively lại đến từ đối thủ của họ. Trong tháng 8, cổ phiếu của L Brands, nhà bán lẻ thời trang sở hữu thương hiệu Victoria’s Secret đã giảm 10% xuống còn 28,66 USD/cổ phiếu – mức thấp nhất từ năm 2011. Nguyên nhân chủ yếu là do L Brands không theo kịp xu hướng đa dạng kích cỡ sản phẩm.

Ngược lại, Lively đã tìm ra thị trường ngách tiềm năng này và đang phát triển rực rỡ với mức tăng trưởng 300% trong năm 2017 và dự kiến sẽ tăng gấp 3 lần trong năm nay. Tuy công ty không tiết lộ doanh thu nhưng theo Forbes, họ đã thu về hơn 10 triệu USD trong năm qua.

Lively trở nên nổi bật trên thị trường đồ lót khổng lồ trị giá 7 tỷ USD không chỉ nhờ việc bán sản phẩm với nhiều mẫu mã và kích cỡ mà còn nhờ tổ chức các sự kiện liên quan cho người tiêu dùng.

Mới đây, công ty của Grant đã hợp tác với Nordstrom và sản phẩm của họ đã có mặt trên trang web bán lẻ cũng như 11 cửa hàng của đối tác tại San Diego, Los Angeles, Dallas và Seattle… Grant cho biết quan hệ đối tác này giúp Lively hiểu hơn về thị trường thông qua không gian cửa hàng thực thụ.

Trước đây, Grant từng đảm nhiệm nhiều vị trí khác nhau và cô đã từng giữ chức giám đốc ở Victoria’s Secret. Tuy nhiên, sau 5 năm làm việc, cô cảm thấy không thể kết nối với sản phẩm của hãng. Dù doanh số bán lẻ đồ lót tại Mỹ duy trì ổn định ở mức gần 7 tỷ USD nhưng Grant cảm thấy ngành công nghiệp này vẫn chưa đáp ứng được hết nhu cầu của khách hàng về mặt kích cỡ sản phẩm.

Cô chia sẻ: “Tôi không còn muốn trở thành khách hàng của Victoria’s Secret nữa. Tôi rất yêu quý hãng trên quan điểm của một giám đốc nhưng với tư cách là một người tiêu dùng, tôi lại không thích sản phẩm của họ. Tôi nhận ra rằng mình đã tiếp thị cho những sản phẩm khiến tất cả mọi người đều mong muốn được như các thiên thần nội y và sự thật là không phải ai cũng có được thân hình lý tưởng như họ để mặc đồ của Victoria’s Secret”.

Chân dung nhà sáng lập Lively.

Những ngày đầu thành lập Lively, việc tìm kiếm vốn khởi nghiệp rất khó khăn. May mắn thay, Grant đã gặp CEO của Gelmart International, nhà sản xuất hàng may mặc lớn nhất thế giới và bắt đầu sự hợp tác cần thiết để khởi động công việc kinh doanh của mình. Gelmart trở thành nhà đầu tư sáng lập của Lively đồng thời là đối tác sản xuất để tạo cho công ty phương tiện xâm nhập thị trường.

Kể từ đó, thương hiệu của Grant đã huy động được 15 triệu USD trong 3 vòng tài trợ từ 3 nhà đầu tư chính: Gelmart, GGV Capital và Chủ tịch của Nautica Harvey Sanders.

Trong vòng 45 ngày kể từ ngày ra mắt, Lively đã bán sản phẩm độc quyền trực tuyến và giao hàng đến mọi tiểu bang trên khắp nước Mỹ. Tháng 7 vừa qua, hãng đã mở cửa hàng flagship đầu tiên ở thành phố New York.

Grant cho biết kế hoạch cạnh tranh với những đối thủ lớn như L Brands của cô là để khách hàng tạo nên thương hiệu cho công ty. Hãng không chỉ tập chung vào xây dựng thương hiệu mà còn xây dựng cả một cộng đồng. Nhờ các phương tiện truyền thông xã hội mà hãng biết được khách hàng mong muốn tác động đến sản phẩm họ mua ra sao. Lively không bảo người tiêu dùng nên mua gì mà chính người tiêu dùng mới là người nói cho họ biết nên sản xuất sản phẩm như thế nào.

Hãng đã quyết định mở một cửa hàng trải nghiệm ở Manhattan với chuỗi sự kiện được nhiều phụ nữ quan tâm như trồng cây mọng nước, đạp xe trong nhà và những giờ sinh hoạt vui vẻ. Ngoài ra, khách hàng còn được tư vấn để xác định kích cỡ áo ngực chính xác nhất để chọn sản phẩm phù hợp.

Bên cạnh đó, mạng xã hội cũng góp phần không nhỏ vào thành công của thương hiệu. Lively tung ra chiến dịch trên Instagram vào tháng 2/2016 và đã chọn 75 đại diện để ra mắt thương hiệu vào tháng 4. Tính đến nay, họ đã có 50.000 đại sứ và 122.000 người theo dõi trên Instagram.

Lời khuyên của Grant dành cho các bạn trẻ muốn học theo thành công của cô: “Đừng sợ những điều bạn không biết bởi vì hầu hết chúng ta đều không biết mình sẽ làm gì tiếp theo và khi nhận ra rằng bạn không cần phải biết hết mọi điều, bạn sẽ tìm ra câu trả lời”.

Theo Trí Thức Trẻ/CNBC

There are no comments yet

Tin mới hơn ...