Bài 4: Bức tử hồ Đại Lải – Cần thu hồi Quyết định 41 vi phạm Luật Thủy lợi của UBND tỉnh Vĩnh Phúc
VNBTIMESBáo Nhân Dân đã đăng ba kỳ về những sai phạm nghiêm trọng của doanh nghiệp đang bức tử hồ Đại lải, mà nguyên nhân là từ Quyết định 41/QĐ-UBND ngày 5-11-2017 trái pháp luật của UBND tỉnh Vĩnh phúc, cùng với đó là sự buông lỏng quản lý, thờ ơ, vô trách nhiệm của các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc. Tuy nhiên, hơn 10 ngày trôi qua, tỉnh Vĩnh Phúc chưa có bất cứ phản hồi nào về sai phạm nghiêm trọng này?
Hết thời “con voi chui lọt lỗ kim”
Trong công cuộc phòng chống tham nhũng Đảng ta khởi xướng mà người đứng đầu là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, trong thời gian qua, hàng loạt vụ án nghiêm trọng, liên quan đến nhiều ngành, nhiều người, trong đó có không ít những trường hợp bị điều tra, khởi tố, kết án là những người nắm vị trí cao và rất cao trong hệ thống chính trị trong đó có những Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, cấp tướng lĩnh trong quân đội, công an… Điều đó cho thấy, công cuộc chống tham nhũng của Đảng ta không có vùng cấm và đang được triển khai quyết liệt, bài bản, có chiều sâu, tạo được niềm tin nơi quần chúng nhân dân và dư luận quần chúng nhân dân rất tin tưởng vào kết quả tốt đẹp mà công cuộc phòng chống tham nhũng của Đảng đang triển khai.
Trở lại vụ việc nghiêm trọng xảy ra tại hồ Đại Lải tỉnh Vĩnh Phúc, việc doanh nghiệp ngang nhiên lấp hồ Đại Lải giữa thanh thiên bạch nhật, coi thường kỷ cương phép nước, bất chấp luật pháp là có lý do, đó là Quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 khu nhà ở sinh thái và biệt thự nghỉ dưỡng Đại Lải trái pháp luật, vi phạm nghiêm trọng Luật Thủy lợi của UBND tỉnh Vĩnh Phúc.
Cụ thể, tại Quyết định 41/QĐ-UBND ngày 5-11-2017 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc do Phó Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc Vũ Chí Giang ký phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu nhà ở sinh thái và biệt thự nghỉ dưỡng Đại Lải cho Công ty TNHH Đại Lải đã vi phạm nghiêm trọng Luật thủy lợi. Theo bản đồ quy hoạch tổng mặt bằng sử dụng đất tỷ lệ 1/500, phạm vi giao đất xây dựng biệt thự có diện tích dưới cao trình mực nước dâng thường xuyên (MNDTX) gồm các mảnh số 2 OBT 63, 64, 66; mảnh số 3 OBT 58, 61, 62 và mảnh số 7 OBT 35, 38. Theo ông Nguyễn Đắc Long, Vụ trưởng Vụ pháp chế – Thanh tra (Tổng cục Thủy lợi, Bộ NN&PTNT) giải thích, phạm vi bảo vệ hồ chứa nước Đại Lải tính từ đường biên có cao trình bằng cao trình đỉnh đập (+23m) trở xuống phía lòng hồ. Theo quy định tại Thông tư số 27/2012/TT-BNNPTNT ngày 26-6-2012 của Bộ NN&PTNT ban hành quy chuẩn quốc gia thì: Vùng ngập thường xuyên của hồ chứa nước Đại Lải là vùng mặt đất của lòng hồ nằm từ cao trình mực nước dâng bình thường (+21.50m) trở xuống. Vùng bán ngập của hồ được tính từ cao trình mực nước dâng bình thường (21.50m) đến cao trình mực nước lũ kiểm tra (+22.50m).
Như vậy, với việc cấp phép cho Công ty TNHH Đại Lải Việt Nam đổ đất san lấp tới cốt nền thấp nhất là 17,65m, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã vi phạm nghiêm trọng Luật thủy lợi khi cho phép Công ty TNHH Đại Lải đổ đất san lấp lòng hồ Đại Lải. Do vậy, UBND tỉnh Vĩnh Phúc cần sớm đứng ra nhận trách nhiệm trong vụ việc này, đồng thời cần có ngay những giải pháp cấp bách thu hồi quyết định trái pháp luật, khắc phục hậu quả, trả lại nguyên trạng lòng hồ Đại Lải.
Theo luật sư Nguyễn Danh Huế, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật TNHH Hừng Đông – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: “Việc san lấp hồ Đại Lải để xây dựng nhà để bán hay vì bất cứ mục đích gì là hành vi vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng. Việc ngang nhiên san lấp hồ còn là hành vi thách thức pháp luật, coi thường kỷ cương phép nước cần phải xử lý thật nghiêm.
Hồ Đại Lải không những là nơi vui chơi, giải trí nghỉ ngơi rất ý nghĩa của cộng đồng mà còn là công trình thuỷ lợi chống lũ, điều tiết nước và phục vụ sản xuất nông nghiệp. Vì thế, hành vi san lấp hồ để phục vụ lợi ích của một nhóm người bất chấp lợi ích cộng đồng là không thể chấp nhận được.
Theo tôi, các cơ quan chức năng cần vào cuộc ngay lập tức để xác minh điều tra và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật. Thậm chí có thể khởi tố vụ án hình sự nếu có dấu hiệu của “tội vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thuỷ lợi” theo Điều 238 Bộ luật Hình sự.
Để ngăn chặn các hành vi tương tự xảy ra, cần xử lý thật nghiêm không chỉ doanh nghiệp mà còn cả các cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước có liên quan, xử lý trách nhiệm người đứng đầu. Cần điều tra làm rõ có hay không việc bao che, dung túng, thậm chí là tiếp tay cho sai phạm để trục lợi, không thể để “con voi chui lọt lỗ kim”.
Hoàn trả nguyên trạng lòng hồ Đại Lải
Sau khi Báo Nhân Dân đăng ba kỳ về sự việc bức tử hồ Đại Lải, nhiều bạn đọc đã phản hồi tích cực, cảm ơn và hoan nghênh Báo Nhân Dân trong việc đấu tranh với tiêu cực. Nhiều bạn đọc bày tỏ sự xót xa, phẫn uất với hành động lấp hồ Đại Lải của các doanh nghiệp, đồng thời gửi gắm tâm tư mong muốn các cơ quan Trung ương, địa phương khẩn trương vào cuộc ngăn chặn, điều tra đưa ra ánh sáng những tổ chức, cá nhân liên quan đến sai phạm nghiêm trọng này. Hầu hết các phản hồi đều mong muốn và hy vọng các cơ quan chức năng cần xử lý quyết liệt và triệt để trả lại nguyên trạng lòng hồ Đại Lải.
Ngay sau khi Báo Nhân Dân đăng tải sự việc, Bộ NN-PTNT cùng với Cục Cảnh sát Môi trường Bộ Công an đã ngay lập tức xuống địa bàn kiểm tra và ghi nhận sai phạm. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, tỉnh Vĩnh Phúc vẫn im lặng, chưa hề có động thái gì với những sai phạm nghiêm trọng mà các doanh nghiệp đã gây ra. Sự im lặng này là một dấu hỏi lớn mà công luận đang đặt ra với tỉnh Vĩnh Phúc.
Theo Giai Thanh/ Nhân Dân
Tin mới hơn ...
- Đồng Nai quyết gỡ vướng Khu đô thị phía Tây cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu 21/08/2024
- Thêm cung đoạn Nam Định 1 – Phố Nối đóng điện thành công 20/08/2024
- Đường dây 500kV mạch 3 đoạn Quỳnh Lưu – Thanh Hóa vừa được đóng điện 19/08/2024
- Bình Dương lấy nông nghiệp công nghệ cao làm chiến lược hút vốn đầu tư 13/08/2024
- Đèo Lương Sơn thách thức runner VM Nha Trang thế nào? 06/08/2024
There are no comments yet