Bộ trưởng cũng sốt ruột về nợ nước ngoài của doanh nghiệp



VNBTIMESRiêng năm 2017, nợ nước ngoài tự vay, tự trả của doanh nghiệp tăng tới 42%, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh khi giải trình trước Quốc hội chiều 29/10.

Bộ trưởng Dũng cũng là người đăng đàn sau cùng sau cả ngày thảo luận về các vấn đề ngân sách, đầu tư công của Quốc hội.

Trước đó, một số vị đại biểu cũng đã bày tỏ quan ngại khi mặc dù các chỉ tiêu về chỉ số nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trên GDP cơ bản vẫn giữ nguyên như năm 2018 xong số tuyệt đối vẫn tăng khá mạnh. Nhất là chỉ tiêu nợ nước ngoài đã sát ngưỡng cho phép 50% GDP.

Bộ trưởng giải thích, theo quy định của Luật Quản lý nợ công, nợ nước ngoài quốc gia bao gồm: nợ nước ngoài của Chính phủ chủ yếu là vay ODA, vay ưu đãi cho các chương trình và dự án. Các khoản vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh và nợ nước ngoài tự vay, tự trả của doanh nghiệp và của tổ chức tín dụng.

Đối với nợ nước ngoài của Chính phủ, Bộ trưởng cho biết, thời gian qua, Chính phủ đã tích cực cơ cấu lại theo hướng giảm dần tỷ trọng từ 60% năm 2011 xuống còn khoảng 40% vào cuối năm 2018. Theo đó, tỷ lệ nợ nước ngoài của Chính phủ giảm từ mức 24% GDP vào cuối năm 2011 xuống còn 21% GDP của giai đoạn 2016-2018.

Nợ nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh đã hạn chế cấp bảo lãnh cho các dự án mới. Theo đó, dư nợ được Chính phủ bảo lãnh giảm từ mức 10,9% GDP năm 2015 xuống còn 8,7% GDP năm 2018. Trong đó, bảo lãnh nước ngoài giảm từ mức 5,9% GDP vào cuối năm 2015 xuống còn khoảng 5% GDP vào cuối năm 2018.

Về con số một vị đại biểu “chất vấn” giải ngân ở khoản nợ này lại tăng lên 2.000 tỷ, Bộ trưởng lý giải đó là giải ngân của các khoản bảo lãnh trước năm 2018 còn năm 2018 cơ bản không cấp bảo lãnh mới.

Riêng đối với nợ nước ngoài, tự vay, tự trả của doanh nghiệp, thông tin từ người đứng đầu ngành tài chính là hiện chiếm khoảng 50% tổng nợ nước ngoài của quốc gia, có xu hướng tăng nhanh trong những năm gần đây và là nguyên nhân chính dẫn đến gia tăng nợ nước ngoài của quốc gia so với GDP.

Riêng năm 2017, nợ nước ngoài tự vay, tự trả của doanh nghiệp tăng tới 42%, trong đó có khoản vay của công ty Vietnam Beverage trị giá 4,8 tỷ USD để mua cổ phần của Sabeco. Khoản này cộng vào khoản vay của nước ngoài, cộng vào nợ nước ngoài quốc gia, Bộ trưởng giải trình.

Theo Bộ trưởng thì trước thực trạng trên, Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước chủ trì nghiên cứu đề xuất các giải pháp nhằm kiểm soát chặt chẽ hoạt động vay nước ngoài theo phương thức tự vay, tự trả của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng. Đồng thời thực hiện đồng bộ với các giải pháp khác nhằm quản lý chặt chẽ nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia trong giới hạn cho phép. Hạn chế tối đa cấp bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay mới.

“Không bảo lãnh cho doanh nghiệp để vay vốn nước ngoài và không sử dụng nguồn Chính phủ vay về để cho doanh nghiệp vay lại. Không sử dụng ngân sách nhà nước để cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, xử lý nợ xấu của ngân hàng và cấp vốn điều lệ cho các tổ chức tín dụng thương mại”, Bộ trưởng khẳng định.

Khái quát lại, Bộ trưởng đánh giá, kết quả cơ cấu lại ngân sách nhà nước 3 năm là tích cực, bám sát nghị quyết của Quốc hội và tính bền vững của ngân sách nhà nước được củng cố. Trong trường hợp không có những biến động lớn cùng với dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 đang trình với Quốc hội, các mục tiêu cơ bản của kế hoạch tài chính ngân sách 5 năm giai đoạn 2016 – 2020 sẽ cơ bản được hoàn thành.

Gói lại cả ngày thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nói: về bội chi và nợ công, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng bội chi ngân sách và nợ công giữ được mức trong giới hạn cho phép, tuy nhiên cần lưu ý khoản nợ nước ngoài đang có xu hướng vượt trần.

Về dự toán ngân sách nhà nước những tháng còn lại của năm 2018 và kế hoạch năm 2019-2022, Phó chủ tịch cho biết nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ giữ nguyên trần đầu tư công là 2 triệu tỷ gắn với kế hoạch bội chi cũng như trần nợ công theo kế hoạch tài chính 5 năm đã được Quốc hội quyết định. Cơ bản tán thành việc điều chỉnh nâng trần vay ODA từ 300 nghìn tỷ đồng lên 360 nghìn tỷ đồng để đáp ứng nhu cầu giải ngân vốn ODA và cho phép sử dụng nguồn vốn dự phòng, căn cứ theo tiến độ thu ngân sách và phải cân đối được nguồn vốn.

Đề nghị với Chính phủ phải rà soát và giải trình thêm bằng văn bản với Quốc hội về việc nguồn lực có đủ hay không để phân bổ nguồn dự phòng như ý kiến của một số đại biểu Quốc hội, ông Hiển nói.

Phó chủ tịch cũng thông tin thêm là Quốc hội đã giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định sử dụng nguồn dự phòng 200.000 tỷ, tuy nhiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội giữ nguyên tắc là phải trình ra Quốc hội, đến nay Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa sử dụng bất cứ đồng nào trong dự phòng ngân sách.

There are no comments yet

Tin mới hơn ...