Giữa ‘cuộc chiến’ khốc liệt, DN bà Nguyễn Thanh Phượng tỏ sức mạnh



VNBTIMES Cuộc chiến đang trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết với sự xuất hiện của những nhân tố mới. Tuy nhiên, Chứng khoán Bản Việt của bà Nguyễn Thanh Phượng vẫn có sức mạnh từ những đường đi riêng.

Sau thương vụ huy động thành công 200 tỷ đồng trái phiếu, CTCP Chứng khoán Bản Việt – VCSC (VCI) của bà Nguyễn Thanh Phượng ngay lập tức công bố kết quả của đợt phát hành tiếp theo với 332 tỷ đồng.

Trong báo cáo hôm 25/12, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho biết đã hoàn tất phát hành trái phiếu không chuyển đổi, kỳ hạn 2 năm, lãi suất cuối kỳ 7-7,5%/năm với tổng trị giá hơn 332 tỷ đồng.

Tổng cộng các tổ chức mua tới 99,8%, còn lại một phần nhỏ do cá nhân mua.

Đây là một kết quả ấn tượng không chỉ ở tốc độ mà còn ở mức lãi suất được cho là khá thấp, so với mặt bằng chung trái phiếu doanh nghiệp lên tới 14-15%/năm, có những trường hợp lên tới 20% theo thỏa thuận giữa các bên.

Kết quả cũng là một phần trong kế hoạch huy động 500 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi, với kỳ hạn 2 năm với lãi suất khoảng 7-9% mà HĐQT của VCSC đã thông qua trước đó trong Nghị quyết số 20/2019/NQ-HĐQT.VCSC ngày 9/8/2019 do chủ tịch Nguyễn Thanh Phượng ký.

Đầu 2019, Chứng khoán Bản Việt đã phát hành thành công 800 tỷ đồng trái phiếu.

Chứng khoán Bản Việt huy động được thêm 332 tỷ đồng trong cuộc chiến khốc liệt trên TTCK.

Trên thị trường chứng khoán, cuộc chiến giữa các công ty chứng khoán (CTCK) trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết với dòng vốn ngoại đến từ Hàn Quốc và Trung Quốc đang dồn dập đổ vào và đẩy phí môi giới cũng như lãi cho vay ký quỹ margin xuống thấp chưa từng có.

Trong thời gian vừa qua, lần đầu tiên một CTCK có vốn Hàn Quốc đã đưa ra mức phí môi giới 0% cam kết trọn đời sau khi quy định bỏ phí sàn môi giới chứng khoán. Cục diện cạnh tranh trong khối các CTCK thay đổi nhanh chóng.

Theo Thông tư số 128/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính được ban hành, trong đó chỉ quy định mức trần giá dịch vụ môi giới mua, bán cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, chứng quyền có bảo đảm là 0,5% giá trị giao dịch, mà không còn quy định về mức sàn 0,15% như quy định cũ.

Sau khi thông tư có hiệu lực thi hành, kể từ ngày 15/2/2019, nhiều CTCK lập tức triển khai chương trình giảm phí giao dịch về 0% nhằm thu hút nhà đầu tư.

Trên TTCK hiện nay có hơn 70 CTCK, nhưng 10 công ty tốp đầu thường xuyên nắm giữ 65 – 70% thị phần môi giới. “Miếng bánh” khoảng 30% còn lại dành cho hơn 60 công ty chứng khoán và cuộc chiến thị phần ở nhóm này khốc liệt từ nhiều năm nay.

Việc dỡ bỏ mức sàn phí giao dịch đã tạo nên gây thêm sức ép lên tình hình cạnh tranh vốn đã rất căng thẳng trên thị trường môi giới chứng khoán. Thị trường cũng đón nhận ngày càng nhiều sự tham gia của các CTCK nước ngoài có tiềm lực về nguồn vốn, nhân sự, công nghệ… góp phần thay đổi cục diện cạnh tranh.

Bà Nguyễn Thanh Phượng nổi bật với Chứng khoán Bản Việt.

Trải qua 2019, mặc dù giá cổ phiếu VCSC giảm mạnh nhưng Bản Việt vẫn có sức mạnh đáng nể với vị thế là một trong các CTCK hàng đầu trên thị trường. Trong nhiều năm qua, VCSC của bà Phượng vẫn được xem là một trong các CTCK nổi bật trong lĩnh vực tư vấn tài chính doanh nghiệp, tư vấn phát hành vốn và môi giới.

Chứng khoán Bản Việt được thành lập năm 2007 và một trong những CTCK phát triển nhanh nhất tại Việt Nam. VCSC của bà Phượng có mối quan hệ tốt với nhiều tập đoàn của các tỷ phú hàng đầu Việt Nam như Masan của tỷ phú USD Nguyễn Đăng Quang, VietJet của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo…

Hồi giữa năm VietJet của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo đã đầu tư 350 tỷ đồng để mua trái phiếu không chuyển đổi của Chứng khoán Bản Việt, trong khi Masn của ông Quang cũng mua hàng chục tỷ đồng.

Trong năm 2019, VCI đặt mục tiêu doanh thu hơn 1,65 ngàn tỷ đồng với lợi nhuận trước thuế 850 tỷ đồng, giảm tương ứng 9,3% và 16% so với 2018. Trong quý 3, CTCK Bản Việt ghi nhận doanh thu hơn 1,1 ngàn tỷ đồng (giảm 21%) và lợi nhuận trước thuế đạt hơn 600 tỷ đồng.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), 27/12 chỉ số VN-Index giảm nhẹ. Nhóm cổ phiếu họ Vingroup vẫn chưa thoát áp lực bán đáng kể trong thời gian qua. Cổ phiếu ngành tiêu dùng MSN đi ngang sau một chuỗi ngày giảm sâu. Đa số các cổ phiếu ngân hàng đứng giá.

Thị trường giao dịch khá ảm đạm.

Một số công ty chứng khoán (CTCK) có những cái nhìn khá thận trọng.

Theo MBS, xu hướng hồi phục từ vùng hỗ trợ 950 điểm chưa có gì thay đổi dù phiên này thị trường không thể giữ được mốc 960 điểm. Thanh khoản đang trong xu hướng giảm kể từ đầu tuần và sự không đồng thuận của các nhóm cổ phiếu lớn là nguyên nhân khiến thị trường trượt dốc về cuối phiên, nhịp rung lắc có thể tiếp diễn ở xung quanh mốc 960 điểm trong các phiên tới.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 26/12, VN-Index giảm 2,33 điểm xuống 958,59 điểm; HNX-Index giảm 0,61 điểm xuống 102,32 điểm. Upcom-Index tăng 0,05 điểm lên 55,66 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 5,2 ngàn tỷ đồng.

Theo V.Hà/ Vietnamnet

There are no comments yet

Tin mới hơn ...