Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa đồng tình với ý kiến của Phó Thủ tướng về việc Việt Nam phải có con đường phát triển riêng của mình
VNBTIMES - "Cần đánh giá GDP được trả bằng giá nào, với những hệ lụy gì và được phân phối, phân bổ như thế nào, có bền vững hay không?", Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa nêu tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội sáng 31/10.
Trong phần phát biểu của mình, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) cho rằng cần đánh giá kỹ hơn chỉ số tăng trưởng GDP để thấy được tính bền vững, những hệ lụy đi kèm.
Cụ thể, theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, nếu chỉ nhìn vào riêng con số GDP mà không kèm theo các đánh giá khác như GDP được trả bằng giá nào? có những hệ lụy gì? GDP được phân bổ, phân phối ra sao, có bền vững hay không? thì việc đánh giá sẽ chệch hướng, không thật sự chuẩn mực. Đại biểu TPHCM cũng cho biết đây là vấn đề đã được nhiều chuyên gia trong nước, chuyên gia quốc tế đã cảnh báo.
Đại biểu TPHCM cũng cho rằng, GDP không nên là tiêu chuẩn duy nhất để đánh giá năng lực lãnh đạo và thành tích của các địa phương.
“Ví dụ ở những vùng mà chúng ta cần bảo vệ môi trường, những vùng “phên dậu” của đất nước thì chúng ta đánh giá người lãnh đạo ở đó khác, không thể chạy theo GDP, nó sẽ dẫn đến chuyện là chạy theo con số được đo bằng tiền và tăng trưởng bằng cách đổ vốn ra để làm những công trình này, công trình kia mà không quan tâm đến nhiệm vụ chính của những vùng miền đó”, đại biểu này nói.
Ông cũng giải thích thêm, chúng ta đã có hệ thống phân bổ rồi, những nơi làm được nhiều, thuận lợi về phát triển kinh tế phải san sẻ cho những nơi khác. Cho nên, về phương pháp luận nếu không đánh giá đúng về GDP thì sẽ dẫn đến tình trạng chạy đua và sẽ chệch hướng.
Cũng trong phần phát biểu của mình, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nêu quan điểm riêng về 3 trụ cột về phát triển bền vững đất nước.
Ông bày tỏ đồng tình với ý kiến của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ về việc Việt Nam phải có con đường phát triển riêng của mình.
Theo ông, phát triển bền vững cần quan tâm đến 3 khía cạnh gồm: nâng cao văn hóa, bảo vệ môi trường và bảo tồn di sản. Cụ thể, nâng cao văn hóa gồm phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc và tiếp thu, tiếp cận văn hóa hiện đại của thế giới. Bảo vệ môi trường gồm bảo vệ môi trường thiên nhiên, không khí… và bảo vệ môi trường xã hội, gia đình nhà trường, cộng đồng, sắc tộc, tôn giáo…. Bảo tồn di sản gồm có di sản thiên nhiên, di sản lịch sử, di sản văn hóa.
“Tôi cho rằng để phát triển đất nước bền vững là song song với việc tạo ra giá trị tài sản vật chất, cần định hướng xã hội, định hướng công dân, định hướng các ngành, các vùng miền vào 3 trụ cột này. Nếu chỉ định hướng bằng tiền thì sẽ kêu gọi đầu tư nước ngoài ào ào vào để tăng GDP nhưng đánh mất chủ quyền, lệ thuộc kinh tế. Từ lệ thuộc kinh tế sẽ không thể tự chủ nhiều mặt khác nữa. Vì thế, xuyên suốt trong việc định hướng phát triển của chúng ta là ba trụ cột: văn hóa, môi trường và di sản… “, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh.
Theo Hà Giang/Tổ Quốc
Tin mới hơn ...
- Miễn nhiệm chức Chủ tịch HĐND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang 08/10/2024
- Cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang góp phần tăng tính kết nối liên vùng 21/08/2024
- Vùng núi và trung du Bắc Bộ mưa lớn, có nơi trên 230 mm 21/08/2024
- Sắp diễn ra ngày hội yoga và pilates quy mô lớn tại Nghệ An 21/08/2024
- Gian nan đường đến trường của học sinh vùng lũ Sơn La 19/08/2024
There are no comments yet