Các tập đoàn Hàn Quốc thà đền tiền hơn đầu tư cho an toàn của công nhân



VNBTIMESSamsung và các tập đoàn lớn Hàn Quốc khác thừa nhận ngày càng phụ thuộc vào các nhà thầu phụ và công nhân thời vụ để cắt giảm chi phí và tăng linh động trong công việc nhưng ít khi chịu trách nhiệm về tai nạn lao động.

Tai nạn rơi một phần cần cẩu xuống khu vực nghỉ ngơi của công nhân tại xưởng đóng tàu Geoje, Hàn Quốc khiến 6 người chết năm 2017 – Ảnh: AFP

Hãng tin Reuters ngày 30-10 đã thực hiện các cuộc phỏng vấn với hơn 20 công nhân, giám đốc điều hành nhà thầu phụ và chuyên gia để làm rõ vấn đề nêu trên.

Theo báo cáo chính phủ năm 2018, các bản án có tính khoan hồng đối với các công ty và quan chức lãnh đạo khiến nỗ lực giảm thiểu tai nạn lao động tại Hàn Quốc gặp khó khăn.

Nước này đứng thứ ba từ dưới lên về an toàn lao động trong số các quốc gia thuộc tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Báo cáo trên, phân tích 1.714 phán quyết về các vụ tai nạn lao động từ năm 2013 đến 2017, cho thấy hơn 90% bị can nhận án treo hoặc chịu án phạt nhẹ với số tiền nộp phạt ít hơn 10 triệu won (8.500 USD).

“Vì án phạt nhẹ, các nhà tuyển dụng có thể thấy đóng phạt và bồi thường thiệt hại ít tốn kém hơn đầu tư vào thiết bị an toàn lao động” – giáo sư luật Kim Sung Ryong của ĐH Quốc gia Kyungpook, tác giả chính của báo cáo, nhận định.

Những tập đoàn như Samsung đã trở thành xương sống thúc đẩy sự chuyển đổi kinh tế nhanh chóng tại Hàn Quốc từ sau chiến tranh Triều Tiên để trở thành một cường quốc kỹ thuật và sản xuất toàn cầu.

Tuy nhiên, Reuters dẫn lời các chuyên gia và quan chức trong ngành cho biết khi sự cạnh tranh tăng nhưng tăng trưởng chững lại, các tập đoàn lớn (chaebol) đã tăng cường thuê công nhân thời vụ và nhà thầu phụ để cắt giảm chi phí, thúc đẩy sản xuất và dễ dàng sa thải nhân viên hơn khi nhu cầu nhân sự thay đổi.

Chaebol là tên gọi những tập đoàn gia đình chi phối phần lớn hoạt động kinh tế, chính trị và xã hội tại Hàn Quốc.

Hãng tin Reuters dẫn một báo cáo khác của Hàn Quốc năm 2018 cho biết sau khi được nhà thầu chính thuê thì các nhà thầu phụ, đặc biệt trong ngành đóng tàu, lại tiếp tục thuê công nhân hạng ba để cắt giảm chi phí. Theo báo cáo, chính những công nhân không đủ trình độ này “làm tăng rủi ro tai nạn lao động”.

Lao động thời vụ chiếm 21,2% tổng lao động năm 2018 tại Hàn Quốc, gần gấp đôi mức trung bình là 11,7% của nhóm các nước OECD.

Theo báo cáo tháng 10-2018 của Viện Lao động Hàn Quốc, công nhân làm việc cho các nhà thầu phụ kiếm được bình quân 3,4 triệu won (334 USD) mỗi tháng, bằng 62% thu nhập của công nhân làm việc cho nhà thầu chính.

“Đây không chỉ là vấn đề của Samsung mà cho cả các tập đoàn khác ở Hàn Quốc. Các tập đoàn lớn thu lợi nhuận nhưng tránh được các trách nhiệm pháp lý nhờ tạo ra một cấu trúc nhà thầu phụ nhiều tầng” – luật sư Lyou Sung Gyou nhận định.

Bộ Lao động Hàn Quốc cũng thừa nhận đây là vấn đề “thiết yếu” cần giải quyết để tăng cường trách nhiệm về an toàn lao động của các nhà thầu chính đối với các nhà thầu phụ.

Bộ này nói với Reuters rằng họ đã sửa đổi luật an toàn lao động để mở rộng phạm vi chịu trách nhiệm của nhà thầu chính về sự an toàn của người lao động.

Theo Anh Thư/ Tuổi trẻ Online

There are no comments yet

Tin mới hơn ...