Những dự án hối hả và nỗi buồn ở đảo ngọc Phú Quốc



VNBTIMESĐi cáp treo từ An Thới ra Hòn Thơm, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy khu du lịch của Sun Phú Quốc được cách ly với khu dân cư hiện hữu.

Phải băng qua một đoạn đường đang thi công, chúng tôi mới tiếp cận được những người dân bị ảnh hưởng bởi dự án này.

Đường hư, gia tăng rác thải

Nhiều người đang bám trụ ở đây không chỉ than phiền về giá bồi thường thấp mà còn cảm thấy bất bình vì bị đẩy khỏi quê hương.

“Họ làm dự án cáp treo, khu du lịch sinh thái thì đâu cần lấy nhiều đất như thế. Tại sao nhà nước lại vội vàng thu hồi đất của dân để giao cho họ? Nguyện vọng của gia đình tôi là muốn ở lại đây, không muốn phải đi đâu hết” – ông Nguyễn Văn X., một trong những hộ dân có diện tích đất lớn ở Hòn Thơm, bày tỏ.

Trao đổi với chúng tôi, nhiều chuyên gia từng tham gia thực hiện các dự án du lịch sinh thái tỏ ra khá bất ngờ về cách thực hiện dự án du lịch của Sun.

“Du lịch sinh thái mà không có sự tham gia của người dân bản địa thì thật khó hiểu. Nếu du khách chỉ quanh quẩn trong khu vực vui chơi của Sun mà không có hoạt động của người dân địa phương thì quá nhàm chán. Nó không giống như một dự án du lịch” – một chuyên gia nói.

Một dự án căn hộ cao cấp của Sun Group ở Phú Quốc

Chỉ cho chúng tôi xem một con đường bê tông bị nứt toác với vết bánh xe tải còn mới toanh, ông Đ. (ấp Bãi Nam, xã Hòn Thơm, H.Phú Quốc) không khỏi ngậm ngùi: “Dự án của Sun mang lợi lộc chi chưa thấy mà xe tải chở vật liệu thi công làm hư đường rồi. Đây là đường do nhà nước và nhân dân cùng làm, vậy mà họ có hỏi dân tiếng nào đâu”.

Theo ghi nhận của chúng tôi, tại khu vực thi công khu du lịch của Sun, có một số xe tải chở những bao tải chạy ra khu dân cư và lưu thông trên những con đường bê tông nhỏ khiến đường bị nứt, lún. Đây là con đường dẫn lên bãi rác tạm ở Hòn Thơm.

Tại bãi rác, chúng tôi nhìn thấy nhiều chất thải dạng vật liệu xây dựng như vữa xi măng, đất cát được đổ chung. Người dân địa phương cho biết, từ khi dự án cáp treo – khu du lịch Hòn Thơm được xây dựng, lượng rác tại bãi đổ tạm tăng đáng kể. Hiện bãi rác tạm này có dấu hiệu quá tải, ruồi nhặng đậu đầy và mùi hôi phát tán ngày càng nặng.

Nhìn con đường dẫn lên bãi rác in hằn những vệt bánh xe tải, ông Đ. – nhà gần bãi rác – chua chát: “Trước giờ, bãi rác này chỉ chứa rác sinh hoạt của bà con ở đây.  Giờ nó phải gánh thêm đủ loại rác khác, không ô nhiễm mới lạ. Đường sá ở đây lâu nay chỉ có xe máy, xe đạp, giờ lại có xe tải, xe cơ giới lưu thông, hỏi sao không hư hỏng. Giá như họ cũng sốt sắng làm đường, xây trạm xử lý rác rồi triển khai dự án thì tốt biết mấy”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ nhiều năm trước, Sun Phú Quốc đã bắt đầu thực hiện nhiều dự án ở huyện đảo Phú Quốc, gồm: dự án Bãi Khem, mũi Ông Đội, cáp treo Hòn Thơm, sân golf Bãi Khem.

Những căn nhà ở đây được ra bán với giá từ 15-22 tỷ đồng

Từ đầu năm 2016, UBND tỉnh Kiên Giang đã đốc thúc các đơn vị liên quan sớm thu hồi đất để Sun thực hiện dự án. Trong đó, dự án cáp treo – khu vui chơi Hòn Thơm dự kiến sẽ bố trí tái định cư cho người dân. Tuy nhiên, khu tái định cư 73ha này không được người dân ủng hộ vì cho rằng nó nằm ở nơi thường xuyên hứng chịu mưa bão, không thích hợp để làm nhà.

Đảo ngọc ra sao khi rừng mất, sông cạn?

Các tài liệu do chúng tôi thu thập được cho thấy, dù các dự án du lịch, thương mại ở Phú Quốc được UBND tỉnh Kiên Giang kêu gọi đầu tư từ nhiều năm trước nhưng các dự án an sinh – xã hội như bệnh viện, khu xử lý chất thải rắn chỉ mới được kêu gọi đầu tư từ năm 2018.

Nhìn bức tranh đầu tư ồ ạt vào Phú Quốc mất cân đối giữa hạ tầng kỹ thuật, an sinh xã hội với các dự án du lịch, nhà ở thương mại, một chuyên gia về quy hoạch băn khoăn: “Nhìn từ trên cao, dễ dàng nhận thấy, mảng xanh núi rừng ở Phú Quốc bị mất khá nhiều. Một số đảo nhỏ bị bê tông hóa gần hết. Có lẽ đã quá muộn, nhưng còn hơn không. Cần phải đánh giá lại hiện trạng quy hoạch ở Phú Quốc; nếu cần thiết, nên điều chỉnh quy hoạch để bảo vệ các cảnh quan tự nhiên. Nếu Phú Quốc mất hết rừng và cảnh quan tự nhiên thì vẻ đẹp của “Đảo Ngọc” cũng không còn”.

Nhiều chuyên gia bảo tồn thiên nhiên cũng cho rằng, nên đánh giá tổng thể sự tác động của các dự án ở Phú Quốc để thấy được các hậu quả sẽ xảy ra trong tương lai. “Cần đánh giá trên diện rộng chứ không chỉ từng dự án riêng lẻ, mới thấy hết các tác động đến môi trường sinh thái” – một chuyên gia bày tỏ.

Theo vị chuyên gia này, Phú Quốc là hòn đảo lớn nhất Việt Nam với nhiều cảnh quan thiên nhiên quý giá. Trong đó, ngoài lá phổi xanh là Vườn Quốc gia Phú Quốc, còn có hệ thống sông ngòi khá phong phú với sông Rạch Tràm ở phía bắc, sông Cửa Cạn ở phía tây, sông Dương Đông ở trung tâm đảo và một số sông suối nhỏ ở phía nam.

“Hệ thống sông ngòi này là nơi cư trú của khá nhiều loài cá nước ngọt. Do tất cả sông lớn ở Phú Quốc đều đổ ra biển nên khu vực sát biển cũng có một hệ cá nước lợ khá phong phú” – vị này phân tích thêm.

Từ năm 2008, Tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã WAR đã khảo sát sơ bộ về hệ cá nước ngọt trên đảo và đến năm 2012, đã ghi nhận 99 loài cá nước ngọt và nước lợ, trong đó có nhiều loài được ghi nhận là loài mới ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, cũng có nhiều nghiên cứu cho thấy, Phú Quốc có nhiều loài thực vật quý hiếm, trong đó có loài cau chuột được các chuyên gia về cau ở Việt Nam và Vườn Thực vật New York (Hoa Kỳ) lần đầu phát hiện.

Năm 2013, dựa trên các kết quả nghiên cứu của WAR, nhóm nghiên cứu của Trung tâm Sinh học nhiệt đới Việt – Nga đã công bố hai loài cá mới với tên khoa học là barbucca elongata và rasbora vietnamensis. Đây được xem là hai loại cá chưa từng được tìm thấy trên thế giới.

Bãi rác ô nhiễm ở Hòn Thơm là một trong những bức tranh về sự tương phản giữa các dự án du lịch, thương mại với dự án an sinh – xã hội ở Phú Quốc

Một chuyên gia về cá nước ngọt phân tích và cảnh báo: đặc thù của hệ cá nước ngọt trên các hòn đảo là sự phụ thuộc chặt chẽ với nguồn nước. Thảm thực vật tự nhiên trên đảo Phú Quốc giúp cho nguồn nước được sạch sẽ và ổn định. Khá nhiều loài cá nước ngọt trên đảo Phú Quốc như trigonostigma espei, rasbora vietnamensis, barbucca elongata tồn tại được dựa vào chất lượng nước tốt của thủy vực.

Quá trình phát triển du lịch của đảo Phú Quốc đã dẫn tới sự gia tăng đột biến của các công trình du lịch, chủ yếu tập trung ở ven biển, một số khu vực lấn sâu vào thảm thực vật tự nhiên.

“Mặc dù phần lớn các công trình này nằm ven biển nhưng sự gia tăng đột biến của các công trình du lịch đi kèm với sự gia tăng số lượng khách du lịch nên chắc chắn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc tiêu hao nguồn nước, dẫn đến việc sụt giảm chất lượng nước cũng như hạ mức thủy cấp, làm ảnh hưởng đến môi trường sống của các loài cá”.

Vị chuyên gia khuyến nghị thêm: “Về cơ bản, sự thu hút khách du lịch sẽ gây những tác động rất lớn đến môi trường sinh thái. Do vậy, nếu không bảo vệ tốt chúng, chất lượng hoạt động du lịch sau một thời gian tăng cao có thể bị suy thoái. Theo tôi, nên điều tra về sự bùng nổ du lịch của Phú Quốc trong 10 năm qua. Dựa trên lượng khách du lịch, tính ra lượng nước tiêu hao, lượng chất thải thải ra và những tác hại của nó. Từ đó, mới có phương án bảo vệ Phú Quốc một cách hợp lý nhất”.

Sun tài trợ tiền tỷ, khảo sát có khách quan?

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong năm 2018, Công ty TNHH Mặt Trời Phú Quốc (Sun Phú Quốc) muốn tài trợ hơn 2,2 tỷ đồng cho một đơn vị để điều tra, khảo sát hiện trạng đa dạng sinh học ở khu bảo tồn biển Phú Quốc.

Trao đổi với chúng tôi, nhiều chuyên gia về đa dạng sinh học cho rằng, việc doanh nghiệp tư nhân hỗ trợ tiền rất dễ dẫn đến sự thiếu công tâm khi điều tra, khảo sát.

“Sun là đơn vị đang thực hiện nhiều dự án ở Phú Quốc. Nếu lấy tiền của Sun để điều tra, khảo sát về đa dạng sinh học, liệu có đảm bảo tính công tâm, khách quan? Đây là tình thế rất dễ xảy ra xung đột về lợi ích giữa các bên liên quan” – một chuyên gia đặt vấn đề.

Theo Phunuonline

There are no comments yet

Tin mới hơn ...