Độc đáo du lịch làng nghề Bắc Ninh



VNBTIMESCách thủ đô Hà Nội khoảng 30 km, Bắc Ninh từ lâu đã nổi tiếng bởi nhiều làng nghề truyền thống với những sản phẩm thủ công tinh xảo, hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.

Làng nghề thủ công Bắc Ninh phong phú, đa dạng từ chế biến nông sản, thực phẩm, sản xuất các vật dụng gia đình đến các mặt hàng mỹ nghệ, các sản phẩm nghệ thuật giàu sáng tạo, thể hiện sự khéo léo, tài tình của người thợ, nghệ nhân làng nghề.

Một điều hết sức đáng quý là cho đến nay hầu hết các làng nghề vẫn lưu giữ được bản sắc đậm đà vùng Kinh Bắc xưa. Bên cạnh đó, các làng nghề đều gắn liền với những di tích lịch sử – văn hóa, khu vực có những lễ hội cổ truyền như Đền Đô, chùa Dâu, chùa Bút Tháp, đồi Lim… tạo sức hút du khách, trở thành điểm đến hấp dẫn cho các tour du lịch văn hóa, lịch sử.

Những điểm du lịch làng nghề được nhiều du khách yêu thích là: làng tranh Đông Hồ (huyện Thuận Thành), gốm Phù Lãng (huyện Quế Võ), đúc đồng Đại Bái (huyện Gia Bình), làng mây tre đan Xuân Lai (Gia Bình đúc đồng Đại Bái (huyện Gia Bình), làng chạm khắc gỗ Phù Khê (Từ Sơn), làng sơn mài Đình Bảng (Từ Sơn)…

Đến nơi đây, du khách không chỉ được thấy tận mắt quá trình làm ra sản phẩm của làng nghề, mà còn có thể tìm hiểu cách thức sản xuất, trực tiếp tham gia vào quá trình làm sản phẩm, tìm hiểu cuộc sống của cư dân nông nghiệp vùng châu thổ sông Hồng kết hợp khám phá cảnh quan nông nghiệp, nghỉ ngơi, thưởng thức ẩm thực làng quê và mua sắm hàng lưu niệm…

Làng Tranh Đông Hồ: thuộc xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh cách Hà Nội khoảng 35 km, nằm trên bờ Nam sông Đuống. Tranh Đông Hồ với tên đầy đủ là tranh khắc gỗ dân gian Đông Hồ, là một dòng tranh dân gian Việt Nam.

Tranh Đông Hồ

Tranh Đông Hồ khá gần gũi với người dân Việt Nam, đặc biệt vào dịp tết cổ truyền hầu như gia đình nào cũng lựa chọn một vài bức tranh để trang trí nhà cửa. Hình ảnh tranh Đông Hồ đã đi vào thơ, văn cổ và cận, hiện đại:

Thơ Tú Xương về tranh Đông Hồ ngày Tết có câu:

“Đì đoẹt ngoài sân tràng pháo chuột

Om sòm trên vách bức tranh gà”

Nhà thơ Hoàng Cầm cũng miêu tả nét đẹp của tranh Đông Hồ trong bài “Bên kia Sông Đuống”:

“Tranh Đông Hồ, gà lợn nét tươi trong

Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”

Du khách sẽ được tìm hiểu các đặc điểm về đường nét và bố cục, màu sắc và chất liệu giấy in.

Yếu tố làm nên sự khác biệt của tranh Đông Hồ chính là ở chất liệu giấy. 2 nguyên liệu chính được sử dụng từ vỏ con điệp (một loại sò vỏ mỏng ở biển) nghiền nát, trộn với hồ (làm từ bột gạo) rồi dùng chổi lá thông quét lên mặt giấy dó, tạo nên những đường quét ấn tượng và vỏ điệp tự nhiên cho màu trắng với ánh lấp lánh những mảnh điệp nhỏ dưới ánh sáng.

Làng Gốm Phù Lãng: cách Hà Nội khoảng 50km, làng Phù Lãng thuộc huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh được coi là nơi có phong cảnh hữu tình của vùng Kinh Bắc. Từ xa xưa, Phù Lãng đã hội tụ đầy đủ điều kiện cho nghề gốm ra đời và phát triển. Cùng với Thổ Hà, Bát Tràng, Chu Đậu…, Phù Lãng là một trong những trung tâm gốm cổ hiện vẫn tồn tại và phát triển tại miền Bắc cho đến ngày nay.

Gốm Phù Lãng

Nguyên liệu để tạo ra những sản phẩm gốm Phù Lãng là đất sét có màu hồng nhạt, qua nhiều công đoạn, đất sét được luyện dẻo mịn rồi tạo hình trên bàn xoay bằng bàn tay tài hoa của những người thợ thủ công. Với bàn tay khéo léo và nhiệt huyết với nghề, các nghệ nhân đã và đang sáng tạo, phát triển những tinh hoa của nghề gốm.

Làng đúc đồng Đại Bái: thuộc huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, là một trong số ít những làng nghề đúc đồng nổi tiếng ở Việt Nam.

Đúc đồng Đại Bái

Nghề đúc đồng, gò đồng Đại Bái đang phát triển mở rộng đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao như chạm khắc hàng mỹ nghệ… Với bàn tay tài hoa và sự năng động sáng tạo, người Đại Bái đã làm ra những sản phẩm trang trí bằng đồng, mạ vàng mạ bạc phục vụ cho người tiêu dùng trong nước và du khách nước ngoài từ các bình hoa, các bộ đồ trà, tranh gò đồng nổi, tranh chữ, hoành phi câu đôi…. đến các sản phẩm dành cho văn phòng như: tranh phong thủy, quà tặng bằng đồng, tượng đồng, logo – huy hiệu…

Khai thác thế mạnh về các giá trị văn hóa lịch sử và mua sắm sản phẩm đặc trưng của làng nghề, nhiều doanh nghiệp lữ hành ở Hà Nội và Bắc Ninh đã mở các tour du lịch kết hợp tham quan các điểm di tích lịch sử nổi tiếng với một số làng nghề tiêu biểu. Đây là một hướng đi đúng bởi không chỉ tạo nên sự đa dạng cho các tour du lịch, quảng bá văn hóa mà còn là cách thức giới thiệu, tạo lập thị trường tiêu thụ sản phẩm cho các làng nghề…

Theo Xuân Anh/ Tạp chí Du Lịch

There are no comments yet

Tin mới hơn ...