Dầu thải đổ vào nguồn nước cực kỳ độc hại, xử lý mất nhiều năm
VNBTIMESCác chuyên gia cho biết với hàng tấn dầu bị đổ trộm vào đầu nguồn của Nhà máy nước sông Đà, việc xử lý sẽ rất tốn kém, hậu quả kéo dài nhiều năm.
Xung quanh việc nước đầu nguồn Nhà máy nước sông Đà bị đổ trộm dầu thải với lượng lên đến 2,5 tấn, UBND Hà Nội cùng với các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều biện pháp bảo vệ nguồn nước, ngăn dầu thải tiếp tục trôi vào hệ thống xử lý của nhà máy.
Các chuyên gia nhận định việc khẩn trương xử lý dầu thải ở khu vực đầu nguồn là cấp bách, song các cơ quan chuyên môn cần đánh giá lại mức độ nghiêm trọng và chuẩn bị các giải pháp phù hợp để đối phó với hậu quả để lại sau nhiều năm nữa.
Cực kỳ độc hại, nguy hiểm
Trao đổi với Zing.vn, ông Phạm Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam, cho rằng dầu thải luôn được liệt dưới dạng chất thải nguy hại. Trong trường hợp này, loại dầu được đổ trộm còn nguy hiểm hơn các loại dầu thải thông thường.
“Đây không phải loại dầu thải thông thường, bởi các loại dầu thải đó vẫn còn giá trị kinh tế, có thể tái chế và sử dụng và người ta còn mất tiền mua lại các loại dầu thải. Dầu bị đổ trộm có thể là phế cặn sót lại không thể tái chế được. Chất cặn này còn nguy hiểm, độc hại hơn nhiều”, ông Sơn nhận định.
Theo ông Sơn, điều lo ngại nhất trong quá trình xử lý bây giờ là lượng lớn dầu thải đã ngấm xuống đất. Các chất độc hại này tích tụ lượng lớn trong đất và nhả dần ra môi trường theo thời gian.
“Dầu này có thể tồn tại nhiều thế kỷ trong đất, có thể ra đến nước ngầm. Khi chất thải ngấm vào nước ngầm nó là câu chuyện nghiêm trọng hơn nhiều”, ông Sơn phân tích.
Ngoài ra, việc xử lý lượng dầu thải trôi xuống suối cũng rất phức tạp bởi một phần nổi trên mặt nước, phần lắng đọng xuống lòng hồ, còn một phần thì bị khuếch tán trong nước. Lượng khuếch tán sẽ chủ yếu trôi vào hệ thống xử lý nước của Nhà máy sông Đà.
“Người dân phản ánh chất lượng nước từ ngày 10/10 thì vụ việc chắc chắn đã xảy ra từ trước, đây là điều hết sức tồi tệ. Vị trí đổ cách nguồn nước không xa nên không loại trừ ý đồ phá hoại”, ông Sơn bày tỏ.
Không tin chỉ có styrene vượt chuẩn
Theo báo cáo mới nhất của UBND Hà Nội về vụ việc tại Nhà máy nước sông Đà, các mẫu xét nghiệm nước đều có hàm lượng styrene cao hơn giới hạn cho phép theo quy định của Bộ Y tế từ 1,3 đến 3,65 lần.
Tuy nhiên, ông Phạm Văn Sơn cho rằng việc nước sinh hoạt của người dân bốc mùi cháy khét, chuyển màu là do nhiễm dầu thải, mà kết quả xét nghiệm lại chỉ có 1 chất vượt chuẩn là khó tin. Styrene cũng không được liệt vào các chất quá nguy hại cho sức khỏe con người.
“Tôi nghĩ việc đánh giá chất lượng nước phải được thực hiện làm 3 bước, phải lấy mẫu nước đầu nguồn, mẫu nước trong nhà máy và mẫu nước thành phẩm. Ngoài ra, phải có ít nhất 3 cơ quan quan trắc mới cho số liệu khách quan, hiện giờ tôi mới thấy có kết quả của Sở Y tế TP”, ông Sơn cho hay.
Styrene không phải là điều mà cơ quan chức năng cần dành nhiều quan tâm lúc này. Thay vào đó, ông Sơn cho rằng người dân cần biết các chỉ số khác trong nước như nồng độ kim loại nặng, vi sinh vật, các hóa chất độc hại khác.
TS Vũ Đức Thảo (Viện Khoa học Công nghệ Môi trường, ĐH Bách khoa Hà Nội) cho hay styrene là một chất hữu cơ thường được sử dụng để làm nhựa PS, một số loại nhựa này còn được dùng để sản xuất vật dụng cho con người, đồ dùng gia đình.
Tuy nhiên, nếu phát hiện nước sinh hoạt có chất này thì tất nhiên nước không đảm bảo, sử dụng lâu ngày có thể dẫn đến các triệu chứng sức khỏe. Theo vị chuyên gia, styrene có thể được xử lý qua các máy lọc nước của gia đình bởi các máy lọc nước này đều có hệ thống lõi là than hoạt tính. Dù vậy, ông vẫn đề nghị các hộ dân nên ngừng sử dụng nước sinh hoạt cấp bởi Nhà máy nước sông Đà, chờ đến khi có thông báo chính thức.
Xử lý thế nào?
Theo PGS.TS Vũ Đức Thảo, Hà Nội cần khẩn trương ngăn chặn lượng nước nhiễm dầu thải tiếp tục trôi vào nhà máy và súc rửa toàn bộ khu vực bể chứa nước, hệ thống xử lý của Nhà máy nước sông Đà.
“Rửa sạch các bồn, bể chứa, ở nguồn cấp thì nhất thiết phải chặn dòng lại ngay, không để nhánh sông nhiễm dầu thải tiếp tục tham gia vào quá trình cấp nước cho nhà máy nữa”, ông Thảo nói.
Ngoài ra, Nhà máy nước sông Đà cần bơm toàn bộ nước nhiễm bẩn ra ngoài, để khô các bể chứa trong vài ngày để làm công tác vệ sinh. Nếu cần thiết, lắp đặt các hệ thống cấp nước tạm cho người dân, đến khi xử lý xong hoàn toàn mới bắt đầu sản xuất nước trở lại.
Còn theo Giám đốc Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam, việc cần làm là đào toàn bộ lượng đất, cát ở khu vực nhiễm dầu thải, đem đi xử lý. Nếu trên đất có cây trồng thì phải chặt đi.
“Các lớp đất cát này sau khi được xúc lên phải được đốt theo công nghệ đảm bảo an toàn theo 2 cấp, sơ cấp và thứ cấp ở nhiệt độ 1.200 độ C. Việc này sẽ đảm bảo không chuyển ô nhiễm từ dạng rắn sang dạng khí và tiếp tục phát tán ra môi trường”, ông Sơn nói.
Ngoài ra, việc xử lý còn bao gồm hút toàn bộ lớp cát, sỏi, bùn dưới lòng suối bị nhiễm dầu. Thậm chí, không chỉ trong lòng suối mà còn phải hút ở khe đá, bờ suối, nơi có sự hiện diện của màu đen dầu thải.
Còn đối với việc ngăn dầu tiếp tục tràn vào trong khu vực nhà máy nước, ông Sơn cho rằng cần phải thực hiện song song 2 biện pháp. Thứ nhất, đơn vị xử lý cần lắp đặt các phao quây để tạo thành đường chắn các váng dầu nổi không trôi đi được.
Thứ hai, lượng dầu bị khuếch tán, lơ lửng trong nước thì dùng phao không có tác dụng. Người ta cần lắp các màng lọc chắn phía dưới, để giữ lại được phần nào các tạp chất của dầu thải không bị trôi đi.
“Với tất cả các biện pháp thực hiện quyết liệt, khẩn trương, chúng ta chỉ mong giảm được phần nào chứ không thể xử lý được triệt để toàn bộ lượng dầu trong môi trường”, ông Sơn nói.
Theo Sơn Hà/Zing
Tin mới hơn ...
- Miễn nhiệm chức Chủ tịch HĐND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang 08/10/2024
- Cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang góp phần tăng tính kết nối liên vùng 21/08/2024
- Vùng núi và trung du Bắc Bộ mưa lớn, có nơi trên 230 mm 21/08/2024
- Sắp diễn ra ngày hội yoga và pilates quy mô lớn tại Nghệ An 21/08/2024
- Gian nan đường đến trường của học sinh vùng lũ Sơn La 19/08/2024
There are no comments yet